[Valentine] Tản mạn về ngày Valentine

Có rất nhiều truyền thuyết xung quanh ngày Valentine và ngay cả các học giả cũng không thống nhất được xuất xứ của ngày này.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text
Tranh vẽ Thánh Valentine làm chủ hôn của danh họa Jacopo da Ponte năm 1575 (Ảnh: Wikipedia).

Ngay trong lịch sử của nhà thờ Công giáo cũng có tới 3 người là được phong Thánh có tên là Valentine và cả ba đều tử vì đạo vào ngày 14 tháng 2. Thế nhưng có một truyền thuyết được mọi người yêu thích không hẳn vì nó gần với sự thật hơn mà cái chính là nghe lãng mạng hơn và hợp với ngày lễ tình nhân hơn. Chuyện kể rằng vào thế kỷ thứ III tại La mã có một vị linh mục tên là Valentine. Trong thời gian đi truyền giáo ông đã chống lại mệnh lệnh của Hoàng đế Claudius II khi cho tổ chức hôn lễ cho các đôi trai gái yêu nhau. Điều này đi ngược lại với chỉ dụ của Hoàng đế là việc kết hôn có thể làm giảm đi khả năng chiến đấu của các chiến binh và làm suy yếu quân đội. Tức giận trước việc có một người làm trái lệnh mình. Hoàng đế Claudius II đã ra lệnh tống giam vị linh mục và xử vào tội chết. Trong thời gian bị giam cầm ông đã làm quen với người con gái của viên cai ngục và trước khi bị hành quyết vào ngày 14 tháng 2 năm 270 sau công nguyên ông có gửi cho nàng một bức thư có ghi “Valentine của em”.

Truyền thuyết thì có thể thật, có thể hư và luôn được bao phủ bởi bức màn huyền ảo. Thế nhưng có một người lại biết biến cái điều huyền ảo ấy thành một điều thực. Ấy là cô Esther Howland một công dân người Mỹ, người đầu tiên bán các sản phẩm thương mại liên quan đến ngày Valentine. Nhận thấy một nhu cầu rất lớn bưu thiếp cho ngày Lễ tình nhân nên cô đã mạnh dạn cho in các bưu thiếp đem bán. Và kết quả thật hết sức ngoạn mục, số tiền lãi thu về là 5.000 USD trong năm kinh doanh đầu tiên (1840), một số tiền rất lớn vào thời bấy giờ. Sau thành công của cô Esther Howland một ngành công nghiệp phục vụ cho ngày Valentine ra đời và theo ước tính hiện nay có khoảng hơn một tỷ bưu thiếp được gửi đi trong ngày này tới khắp mọi nơi trên trái đất, đó là chưa kể các loại thiếp ứng dụng công nghệ cao như E mail, E card. Vô số các ngành khác cũng được “ăn theo”. Thôi thì đủ cả: Chocolate này, hoa này, thời trang này, nước hoa này v.v . Thậm chí một hãng sản xuất bao cao su cũng đã nhanh tay đăng ký độc quyền nhãn hiệu Valentine với những hình ảnh bắt mắt…

alt text
Những sản phẩm thương mại đầu tiên liên quan đến ngày Valentine (Ảnh: Internet).

Trong thời buổi toàn cầu hoá hiện nay. Việc giao thoa giữa các nền văn hoá như là một điều tất yếu, và ngày Valentine được du nhập vào Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này. Đầu tiên nó được các bạn trẻ nhiệt tình hưởng ứng. Các chàng sẵn lòng rút từ hầu bao vốn dĩ chẳng lấy gì làm sung túc của mình mua những bông hoa và những món quà đem tặng nàng. Còn gì tuyệt hơn là lại có thêm một ngày để bày tỏ lòng mình với người trong mộng?

Dần dà nó lan tới cả các lứa tuổi khác và phụ nữ vốn trời phú cho sự nhạy cảm nên các bà, các chị hoan nghênh ra mặt coi như đương nhiên thêm được một ngày mồng 8 tháng 3 nữa. Đối với những đôi đang yêu nhau thì khỏi phải nói, sá gì chuyện tốn kém. Thế nhưng đối với những người đã có gia đình thì lại không được như vậy. Dường như gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” tỉ lệ nghịch sự lãng mạn của tuổi xuân. Nhiều đức lang quân thậm chí không hề biết rằng trên đời này có tồn tại một ngày được gọi là “Ngày lễ tình nhân”. Thế nên vị nào chót quên mua quà tặng cho “một nửa thế giới” nhạy cảm kia là gay go lắm. Đón tiếp chàng là bộ mặt nặng như chì và những câu nói bóng gió, xa gần. Đến khi biết được nguyên nhân thì chỉ có nước than trời. Thậm chí ông linh mục Valentine đáng thương còn bị nhiều chàng mang ra trách móc là “vẽ chuyện”.

alt text
Còn gì tuyệt hơn là lại có thêm một ngày để bày tỏ lòng mình với người trong mộng? (Ảnh: Pexels).

Ngày Valentine năm nay có lẽ hơi đặc biệt. Nó diễn ra đúng vào thời điểm cả thế giới đang gồng mình chống lại dịch Covid-19. Không hiểu đại dịch này có làm cho Lễ tình nhân kém lãng mạn đi hơn không? Và liệu các chàng trai, cô gái khi trao nhau những nụ hôn ngọt ngào có cần phải đeo khẩu trang không nhỉ? Nhưng nếu nhìn vào ý nghĩa của sự “khác biệt” thì ta vẫn có lý do để lạc quan. Sau nhiều năm nữa các bậc bố mẹ, ông bà tương lai sẽ có cái để kể cho con cháu “Năm ấy – vào ngày Lễ tình nhân 2020 –  giữa đại dịch Covid-19 ông bà, bố mẹ … đã trao cho nhau một tình yêu như thế”.

Tran Viet Hung-OCC

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.