Tập Thư tình gửi một người được ra mắt tháng 4/2011 nhân dịp kỷ niệm mười năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời và liên tục được tái bản từ đó đến nay, gồm những bức thư mà Trịnh Công Sơn gửi cho người tình bé nhỏ Ngô Vũ Dao Ánh. Ở xứ sở này, nhạc Trịnh có một chỗ đứng riêng trong đông đảo những ai đã trót yêu mến, tách biệt hẳn với biết bao bài hát nổi lên rồi lại mất hút giữa thời buổi showbiz rộn ràng hiện nay. Hơn 15 năm kể từ ngày Trịnh mất, vẫn những đêm nhạc kỷ niệm đều đặn, vẫn những dòng người đến tưởng niệm tại số nhà 47C đường Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch – HCM) rồi cùng nhau hát ca nơi mộ ông. Nói vậy để thấy, Trịnh Công Sơn đã nhận được xiết bao sự ái mộ, và để hiểu tại sao tập sách này trở thành một hiện tượng trong cộng đồng người yêu mến Trịnh.
Thư Tình Gửi Một Người – Trịnh Công Sơn
Thỏa lòng ái mộ, trí tò mò của công chúng
Như những bài ca hư vô mờ ảo của ông, đời sống riêng tư của Trịnh Công Sơn thật cô đơn nhưng cũng nhiều giai thoại – có sự thật và cũng lắm thêu dệt, đặc biệt là về những bóng hồng đã bước qua cuộc đời. Với tập sách này, lần đầu tiên – và có lẽ cũng là duy nhất, người hâm mộ được hé nhìn vào đời tư của người nhạc sĩ tài hoa, được chiêm ngưỡng một chuyện tình lãng mạn hiếm thấy, trên các văn bản có tính xác thực, với sự ủng hộ, đồng thuận từ gia đình họ Trịnh. Qua hơn 300 bức thư cùng nhiều hình ảnh lưu niệm, công chúng đã tìm thấy chân dung nàng thơ lưu lại dấu ấn sâu đậm nhất suốt sự nghiệp của Trịnh Công Sơn, để rồi từ đó, thêm hiểu, thêm yêu và thấy những bản tình ca của ông như gần gũi hơn, đời hơn, ẩn ức hơn…
Giải mã nhiều hình ảnh, ca từ trong nhạc Trịnh
Nhạc Trịnh hay nhất mà cũng khó hiểu nhất là ca từ. Ngay cả với Khánh Ly, ca sĩ gắn bó cả cuộc đời và thành danh với nhạc Trịnh, cũng từng tâm sự “ Nhiều khi ông hỏi tôi, em nghe nhạc anh có hiểu không. Tôi trả lời, tôi không hiểu nhưng tôi thích.” Nói cách khác, nhạc Trịnh dễ cảm một cách lạ lùng, cảm giác buồn – vui- hay đau khổ – đều thể hiện rõ rệt và thấm sâu vào lòng người nghe, nhưng để làm rõ từng lớp ngữ nghĩa thì ngay cả các chuyên gia văn học còn bó tay, chứ nói gì đến khán thính giả phổ thông. Cũng vì vậy mà những người yêu mến Trịnh có cái thú nghe đi nghe lại, tất nhiên trước hết là để cảm thụ ca khúc, nhưng lâu lâu mà “vỡ ra” được một ý mới thì cũng vui lạ lùng.
Áng văn chương lãng mạn, giàu cảm xúc
Thư tình gửi một người không chỉ thu hút những người hâm mộ nhạc Trịnh. Ở tập sách này, độc giả dễ dàng tìm thấy những áng văn đẹp, những cảm xúc chân thật về một thời kỳ mà khi đó đôi trai gái yêu nhau đầy vị nể, lễ nghĩa, rất nồng nàn mà cũng “kính nhi viễn chi”, những suy ngẫm trong sáng, cao thượng về tình yêu và cuộc đời.
Đó là, cái chất từ bi, “sống trong đời sống phải có một tấm lòng”, đã được Trịnh Công Sơn nuôi dưỡng từ những năm tháng tuổi trẻ …
Đó là, thái độ duy mỹ, nâng niu mọi vẻ đẹp trong cuộc đời … “Anh rất sợ những tranh luận về một vẻ đẹp, về một mầm cây non, về những gì vừa được khai sinh còn mang trọn vẻ thuần khiến của nó. Cố gắng tránh cho anh. Hãy sống thật tự nhiên và những sự kiện tự nó đã có một định mệnh, một vẻ đẹp riêng của nó”
Khép lại tập sách, người đọc dễ rơi vào cảm giác bồi hồi vì vừa được chứng kiến một câu chuyện tình đẹp tựa tiểu thuyết mà hoàn toàn xảy ra trong đời thật. Và những người đang yêu sẽ muốn nồng nàn giữ chặt nhau hơn, để không nuối tiếc một đời mất nhau như Dao Ánh và Trịnh Công Sơn.
Hoàng Giang – MASCO