Tác phẩm là cuốn sách gối đầu giường truyền lửa chiến đấu cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, lớp thanh thiếu niên và các chiến sĩ giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Tuy đau đớn mà rất đỗi tự hào.
Sống như Anh – Anh là ai?
Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 01/02/1940 tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con thứ ba nên còn được gọi là Tư Trỗi.
Sau Hiệp định Genève 1954, anh một mình vào Sài Gòn sinh sống, làm thợ điện ở Nhà máy điện Chợ Quán và tham gia tổ chức Biệt động Sài Gòn, thuộc đại đội Quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn.
Ngày 21/04/1964, anh Nguyễn Văn Trỗi lập gia đình với chị Phan Thị Quyên .
Ngày 02/05/1964, Nguyễn Văn Trỗi nhận nhiệm vụ từ tổ chức, cho đặt mìn ở cầu Công Lý nhằm tiêu diệt phái đoàn quân sự chính trị cấp cao của Chính phủ Mỹ do Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu sang kiểm tra kế hoạch bình định miền Nam Việt Nam và hoạch định sách lược chiến tranh ở Việt Nam.
Việc không thành, 22 giờ ngày 09/05/1964, Nguyễn Văn Trỗi bị bắt và bị kết án tử hình.
Biết tin này, nhóm Biệt đội du kích quân chống chế độ thân Mỹ tại Venezuela đã đề nghị trao đổi con tin là Đại tá Không quân Mỹ Michael Smolen bị họ bắt cóc ở Caracat, và tuyên bố:
“Nếu ở Việt Nam xử bắn Nguyễn Văn Trỗi thì ở Venezuela một giờ sau họ sẽ xử bắn Đại tá Smolen.”
Tuy hai bên đã có sự thỏa thuận, nhưng sau khi Michael Smolen vừa được tự do, chính phủ Sài Gòn đã trơ trẽn lật lọng, xé bỏ thỏa thuận và đưa Nguyễn Văn Trỗi đi xử bắn tại sân sau nhà lao Khám Chí Hòa lúc 9 giờ 45 phút ngày 15 tháng 10 năm 1964, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, gia đình đã tìm được nơi Chính quyền Việt Nam Cộng hoà bí mật chôn xác anh tại nghĩa trang Văn Giáp ở Giồng Ông Tố (nay thuộc phường Bình Trưng Đông, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh).
Ngày 17/10/1964, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã truy tặng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và Huân chương Thành đồng hạng Nhất.
Cuốn sách về “Những lần gặp gỡ cuối cùng”
Một ngày sau khi anh Trỗi bị bắt, địch bắt cả chị Quyên vợ anh vào tù. Trong thời gian bị giam giữ, chị biết chồng bị quân địch sử dụng nhiều phương thức moi thông tin để tìm ra tổ chức đứng phía sau, hết tra tấn dã man rồi lại chuyển sang mua chuộc bằng những lời ngon ngọt, thậm chí đem chuyện gia đình vợ mới cưới xinh đẹp ra hòng làm nao núng trái tim anh, xong chúng lại quay sang dụ dỗ để chị khuyên anh Trỗi quy hàng… nhưng sau tất cả đều không đạt kết quả gì.
Trong khám, chị được gặp những người bạn tù là chiến sĩ cách mạng. Nhờ họ, chị mới thực sự hiểu nhiệm vụ công tác của chồng và đồng đội, đồng thời hiểu về Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, hiểu vì sao anh Trỗi tham gia chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Dựa trên lời kể của chị Phan Thị Quyên về “những lần gặp gỡ cuối cùng” giữa chị với anh Trỗi từ khi bị giam cho đến khi bị xử bắn, nhà văn miền Nam Trần Đình Vân (tức nhà báo Thái Duy) đã viết và chuyển ra miền Bắc cuốn sách “Sống như Anh”.
Ngày 20/07/1965, cuốn sách được Nhà xuất bản Văn học xuất bản lần thứ nhất. Qua giọng văn chân thành, mộc mạc, nhà văn “Sống như Anh” đã giúp độc giả hiểu biết sâu và rộng hơn về cuộc sống, tình cảm của các chiến sĩ giải phóng quân, cũng như về cuộc đời, về hành động kiên trung dũng cảm của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trong nhà tù và những phút giây làm nên lịch sử của anh.
Những giây phút đó đã làm cho nhiều nhà báo có mặt tại pháp trường phải xúc động và cảm phục, đã làm cho kẻ thù phải run sợ trước người thanh niên trẻ tuổi nhưng yêu nước bằng cả một tấm lòng kiên trung. Với 9 phút ngắn ngủi tại pháp trường anh Trỗi đã tạo nên bản hùng ca bất diệt về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, làm rung động hàng triệu trái tim yêu nước, yêu hoà bình của Việt Nam và bạn bè trên toàn thế giới.
Nguyen Hoang Dung – CNMN