[Đọc sách phong cách VNA] Sống mòn – Ngòi bút thiên tài mà không phô trương của Nam Cao

Tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao mô tả tâm lý nhân vật đỉnh cao, tư tưởng chất chứa sâu sắc và phong cách văn chương hết sức hiện đại.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tuy đã đọc đi đọc lại Sống mòn không dưới chục lần, lúc ngẫu hứng lại giở ra một đoạn bất kỳ, tôi vẫn cảm thấy bồi hồi khi viết về cuốn tiểu thuyết này. Sách thì khá ngắn, rất ngắn so với thể loại tiểu thuyết, mà cái hay cái đẹp lại quá nhiều. Chẳng phải riêng Sống mòn, phần lớn những tác phẩm của Nam Cao đều có chung đặc điểm như vậy.

Sống mòn là một tác phẩm mang đầy chất hiện thực và tự sự, đôi lúc cảm tưởng như đây là cuốn nhật ký cho một quãng đời của tác giả. Câu chuyện bắt đầu giản dị bằng một ngày mới ở trường của ông giáo Thứ – nhân vật chính tạo nên góc nhìn của toàn bộ tác phẩm. Rồi từng ngày trôi đi, với những sự việc thường ngày, cũng gọi là có cái để kể nhưng chẳng hề giật gân, hấp dẫn hay khốc liệt một chút nào! Mặc dù đặt trong bối cảnh lịch sử, chính trị đầy biến động của Hà Nội những năm tháng ác liệt….nhưng Sống mòn tuyệt nhiên không gợi ra không khí kháng chiến sục sôi, thậm chí ngay cả sự đàn áp “một cổ hai tròng” tuy có xuất hiện thoáng qua ở bối cảnh làng quê cũng chỉ là một trong các vấn đề phụ.

Trung tâm tác phẩm là cuộc đời nhạt phèo của anh nhà giáo trường tư

Thầy giáo Thứ, với năng lực, tính cách ở mức trung bình khá. Anh ta thấy gì, gặp gì, nghĩ gì trong ngày thì truyện kể y như vậy! Chàng nhà giáo này không có tiền đi du lịch nên không gian của toàn bộ tác phẩm nhỏ hẹp lắm, chỉ xoay quanh trường học, nhà trọ và nhà quê – nơi gia đình, vợ con anh sinh sống. Chàng ta cũng chẳng có tiền ăn ngon, ở rộng, do vậy các bữa cơm được mô tả sẻn so, phòng ốc thì bí bách chật chội, và rất hay khuyến mại thêm “những giấc mộng ăn chơi vặt” chả mấy khi thành hiện thực. Nhân vật phụ thì loanh quanh đồng nghiệp, hàng xóm, gia đình, cùng dăm bảy người sống cùng cái không gian nửa thành thị nửa nông thôn nhỏ hẹp ấy, theo kiểu anh giáo Thứ tiện thể nghĩ về ai thì viết ra người đó, chứ cũng chẳng hề úp mở, ẩn ý hay cài cắm tình tiết gì. Tất cả không gian và số lượng, chủng loại nhân vật đều tương đối ít ỏi, phù hợp với tính cách nội tâm, nhát và trầm của Thứ. Cả câu chuyện không người tốt, kẻ xấu, không nút thắt cao trào. Vậy mà cũng là truyện! Lại là thể loại truyện bậc nhất! Nếu tách khỏi giọng văn của Nam Cao thì không ai có thể kể lại Sống mòn mà không vướng vào sự đơn điệu, nhàm chán. Chỉ có ở Nam Cao, sự đơn điệu, nhàm chán mới trở thành vũ khí chạm đến tâm hồn người đọc âm ỉ và lâu dài đến thế!

Sống mòn, thống nhất với nhiều tác phẩm khác của Nam Cao như Đời thừa, Trăng sáng, thể hiện rõ rệt tư tưởng nghệ thuật vị nhân sinh – phục vụ đời sống. Ở đó, nghệ thuật không phải là “ánh trăng lừa dối”, tô vẽ mơ mộng, giật gân. Nghệ thuật cần phản ánh chính xác tâm tư và cuộc đời con người, mọi niềm vui, nỗi buồn đều sẽ ánh lên từ đó. Tư tưởng ấy, nói thì dễ nhưng làm lại quá khó.

Tâm lý con người luôn bị thu hút bởi những thứ kịch tích, càng mới lạ càng hấp dẫn. Từ xưa đến nay, chuyện yêu đương lãng mạn hoặc đấu đá vương quyền luôn là đề tài thu hút. Không dễ để nhà văn khai thác được các chủ đề mộc mạc mà không rơi vào sự tầm thường, vẫn lôi kéo được sự chú ý của khán giả. Đặc biệt, cốt truyện, hình thức diễn đạt càng đơn giản thì càng đòi hỏi nội hàm sâu sắc cùng bút pháp văn chương độc đáo.

Sống mòn – Nam Cao

Nhưng Nam Cao tài năng hơn thế …

Chất hiện thực mạnh, dũng cảm, khốc liệt nhất của Sống mòn nằm ở khả năng tái hiện thế giới nội tâm, chứ không chỉ là miêu tả bên ngoài. Nhân vật Thứ là một người đàn ông tương đối bình thường, thậm chí dễ nhạt nhòa trong xã hội, nhưng nhờ đó câu chuyện và suy nghĩ về cuộc đời của anh lại gần gũi và có sức lan tỏa mạnh.

Mưu sinh xa quê nhà, xa vợ con, những buổi chiều buồn trước khi chia tay vợ chồng Thứ “nhìn nhau như bao giờ chán nhìn nhau. Những con mắt rất ảo não, rất ngậm ngùi như thương lẫn cho nhau, nói cho nhau tất cả những nỗi buồn mênh mông của đời mình” chắc chắn vẫn là tiếng lòng của phần đông người lao động ngày nay.

Câu chuyện “có nàng dâu nào ở vừa được ý nhà chồng. Cứ như mắt y thấy nhiều lần thì vợ y là người tốt nhịn lắm rồi”.

Nam Cao đã viết một cuốn tiểu thuyết về chuyện thời xưa, chuyện thường ngày nhưng những vấn đề, trăn trở vẫn còn nguyên giá trị đến tận hôm nay. Sử dụng cách xưng hô cùng nhiều từ ngữ đời thường của xã hội miền Bắc trước năm 1945, nhưng nhìn tổng thể thì giọng văn rất hiện đại, linh hoạt, không gây cảm giác giáo điều nhàm chán cho người đọc.

Truyện Nam Cao, mà đặc biệt là Sống mòn, có thể đọc đi đọc lại để ngẫm nghĩ cho chính cuộc đời mình. Với riêng tôi, Nam Cao là một nhà văn thiên tài, tầm cỡ thế giới. Ông hy sinh khi còn khá trẻ ở những ngày đầu cách mạng, quả là một sự đáng tiếc! Bởi vì với tâm hồn chân thật đến vậy và khả năng rút ra chất liệu văn học ngay từ cuộc sống thường ngày, tôi tin, dù trước hay sau cách mạng, dù công tác ở bất cứ vị trí gì hay ở đâu, Nam Cao luôn có vô số đề tài và những điều ý nghĩa để chia sẻ với cuộc đời.

Linh Nguyễn – VAECO

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.