Yo Le: “Lúc trước em có nghe nói anh muốn được viết trung thực về mình?”
Trần Lập: “Đã có những bài báo, bài viết tung hô bọn anh lên mây, nhưng anh không thích và không chia sẻ nó. Em cứ viết đúng góc nhìn của một người yêu nhạc muốn tìm hiểu đi, có điểm mù thông tin nào thì cứ hỏi.”
Khác với cuốn tự truyện “Bên kia bức tường”, “Rong chơi” là hình ảnh và những câu chuyện về Trần Lập từ một góc nhìn khác. Đây sẽ là một chiếc vé du hành cho chuyến đi rong của tác giả, và cũng là của mỗi độc giả trong thế giới đầy nghị lực, lạc quan, lao động hăng say và đam mê đến tận cùng của Trần Lập, từ thuở ấu thơ cho tới khi đã bước qua tuổi tứ tuần, cùng với Rock, cùng với mô tô, và cùng với những cung đường.
“Sự mạnh mẽ của một người đàn ông được đo bằng chính những sự khó khăn anh ta đã trải qua trong cuộc sống.”
Giới mộ điệu đã quen với hình ảnh một Trần Lập đậm “chất chơi”, đậm “cái tôi” đến từng hơi thở với Rock, mô tô, phượt bụi, xăm hình, cà phê và hút tẩu, nhưng mấy ai biết được phía sau ánh hào quang của một ca nhạc sĩ đầy cá tính ấy, anh đã trải qua, đã từ bỏ và đã hy sinh những gì… Đó là một chàng trai, vượt qua hết thảy những gian truân trong cuộc sống, với vốn liếng trong tay lúc bắt đầu chỉ là sức khỏe, tuổi trẻ là niềm khát vọng được hát, anh đã vươn tay chạm tới giấc mơ của mình.
Từ một cậu nhóc bị nhốt sau khung cửa mỗi khi người lớn vắng nhà, cất tiếng hát theo chiếc đài Liên Xô bên khe cửa hấp háy sáng. Nhờ nguồn băng đĩa lậu do anh trai buôn về, cậu được nghe nhiều thể loại từ nhạc vàng cho tới nhạc ngoại. Mà mê tít hơn cả là các tác phẩm của Smokie, Queen, Deep Purple… bởi chất mạnh mẽ trong những ca khúc đó dường như hòa nhịp vào từng khát khao trong huyết quản của cậu: muốn bứt mình ra khỏi sự yếu đuối. Rock gieo mầm, cứu rỗi linh hồn cậu, để trở thành thủ lĩnh của ban nhạc tượng đài Rock Việt mà bây giờ người người biết đến.
Từ một cậu học sinh mang gánh nặng cơm áo gạo tiền trên vai, khi đấng sinh thành đều mất khả năng lao động vì bại liệt mà anh chị thì đã rẽ ngang, của nả trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Đã có lúc cậu chỉ muốn “nhảy béng từ tầng ba nhà xuống đi cho xong hết những cục uẩn ức, nặng nề.” Thật may là những lo toan bộn bề quá đỗi nặng nề ấy không đủ sức hạ gục cậu học trò nhỏ. Nghị lực phi thường khiến cậu không từ bỏ. Cậu chuyển từ nghề này qua nghề khác. Làm cái này không được thì làm cái khác. Cậu vật lộn với cuộc sống mưu sinh, dù thậm chí có lúc đứng trên ranh giới sáng tối của cuộc đời… Người thanh niên ấy đã trở thành cha đẻ của ca khúc mà gần 20 năm qua vẫn vang lên mỗi khi người lên đỉnh vinh quang được xướng danh.
Từ một gã đờn ca nghiệp dư trong các sàn nhảy, trở thành linh hồn và đầu tàu của những Rockstorm, những Rock Concert, những rocktour, những liveshow hoành tráng nhất lịch sử nhạc Rock Việt.
Sự mạnh mẽ của người đàn ông ấy được xây đắp từ những gập ghềnh khúc khuỷu trên mỗi nẻo đường đời anh kinh qua, kiên cường tới mức khi lâm trọng bệnh, Trần Lập vẫn tiếp tục truyền lửa và ý chí cho người yêu mến âm nhạc của mình và Bức Tường.
“Vẫn đam mê, và âm nhạc kéo chúng tôi đi.” – Trần Lập
Vào những năm cuối thế kỷ XX, trước một Việt Nam với quan niệm phương Đông còn khá bảo thủ, thì sự du nhập của văn hóa phương Tây, với nhạc Rock là một điều gì đó còn khá dị hợm trong mắt nhiều người. Đặc biệt một bộ phận lớn Rockfan cho rằng Rock bằng tiếng Việt là thứ “hoàn toàn vớ vẩn”. Nghề “chơi Rock” như đứa con ghẻ của thị trường nhạc Việt thời bấy giờ.
Còn với Bức Tường nói chung và cá nhân Trần Lập nói riêng, Rock là mạch sống, là lý tưởng một đời. Anh cùng đồng đội đã đập tan những định kiến, đưa những “Hoa ban trắng”, những “Mắt đen”, những “Bông hồng thủy tinh” vào lòng người yêu nhạc, nhóm lên ngọn lửa để cháy đượm một thời huy hoàng của rock Việt, của những giai điệu mộc như đất, gần gũi và dễ thấm nhuần.
Từ liveshow đầu tiên “Tâm hồn của đá” cho đến “Ngày thứ Bảy cuối cùng” – Bức Tường tuyên bố tan rã, 12 năm vinh quang cùng cay đắng. Cái tên Bức Tường có quãng thời gian đứt gãy nhưng âm nhạc của họ thì không. Từ bỏ vì sự khắc nghiệt của showbiz và tái hợp vì “Âm nhạc kéo chúng tôi đi” – với “Ngày khác” Bức Tường chơi nhạc bằng một tâm thế khác, không phải để gầy dựng vị thế chinh phục những đỉnh núi cao hơn nữa, họ chơi nhạc vì đam mê âm nhạc, chơi những thứ mình muốn và tự quyết định cho âm nhạc của mình.
Dĩ nhiên cái nghề “chơi Rock” cũng tốn kém lắm, khi mà anh phải thốt lên rằng: “Sau 20 năm, Bức Tường vẫn thiếu tiền.” Có một dạo, anh thở dài: “Khi ban nhạc mới thành lập, niềm tin của anh với âm nhạc là 8 phần. Khi Bức Tường trở lại niềm tin chỉ còn 5. Và bây giờ chỉ còn 3 thôi. Anh thậm chí chẳng muốn nhắc đến âm nhạc nữa.”
Ấy vậy mà, bẵng đi một tháng sau, người đàn ông ấy lại đi vào phòng thu. Bởi, trở lại với âm nhạc, anh mới cảm thấy mình “được sống”.
“Muốn tìm thấy giá trị gì đó, ta phải đi săn, ta phải có cảm nhận riêng, ta phải có một tình yêu nhất định.” – Trần Lập
Dường như mỗi câu mà Trần Lập nói ra, anh đều thực hiện được, dẫu khó khăn, dẫu thời gian ngắn dài, mang tâm thế “không từ bỏ”, lao động một cách nghiêm túc, anh luôn tạo ra một kết quả đáng tự hào.
“Dù phải bóp chết cái não của mình, cũng phải tạo ra cái mới, không thể biến mình thành một thứ quả ôi thiu được. Sai có bỏ. Hỏng có thể làm lại. Nhưng phải làm.” – Trần Lập
Luôn tìm tòi cái mới, ưa sự khác biệt, thay vì chạy theo trào lưu hay sống nhàn nhạt ẩn mình như nhiều người, Trần Lập luôn đậm cái tôi cá nhân, luôn nổi trội là bởi vậy.