“Người đua diều” đã đưa tôi đến với “Ngàn mặt trời rực rỡ” cùng tác giả và đã không khiến tôi thất vọng.
Là phụ nữ, tôi thường có xu hướng bị hấp dẫn bởi những cuốn văn học kinh điển hoặc tiểu thuyết tình cảm trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, tôi cũng không ngờ “Ngàn mặt trời rực rỡ” lại để lại ấn tượng sâu sắc và ám ảnh đến thế!
Tác phẩm đã tái hiện xuất sắc hiện thực quá phũ phàng về chiến tranh tại Afghanistan. Đói nghèo, bạo lực, trọng nam khinh nữ, tôn giáo cổ hủ hay sự phân biệt địa vị xã hội đã tạo nên lịch sử của một dân tộc Hồi giáo và cũng tạo nên những góc khuất tối tăm của thân phận người phụ nữ nơi đây. Tác giả Khaled Hosseini đã thành công trong việc xây dựng các tình tiết, các nút thắt mở của truyện. Ông đã miêu tả tâm lý và khắc họa cuộc đời của nhân vật lồng ghép khéo léo với lịch sử của một đất nước Trung Đông, nhưng không có những vấn đề chính trị đao to búa lớn hay triết lý quá sáo rỗng, mà chạm đến tận cùng trái tim người đọc bằng ngôn từ đơn giản, gần gũi.
Ngàn mặt trời rực rỡ tái hiện bối cảnh chính trị – xã hội của Afghanistan trong bốn thập kỷ. (Ảnh: NVCC).
Qua mỗi một phần, mỗi một chương, tôi đọc đến cuốn đi, không dừng lại được để cố tìm câu trả lời cho những câu hỏi tại sao. Tại sao người chồng lại đối xử với vợ mình như tàn nhẫn đến thế? Tại sao sức chịu đựng của người phụ nữ lại không có giới hạn như vậy? Tại sao từng ngày trôi qua lại là những nỗi thống khổ khác nhau? Tại sao nghị lực của hai người phụ nữ lại lớn hơn cái thân hình nhỏ bé của họ nhiều đến thế? Họ đang “sống” hay tồn tại?
Dù văn hóa, tuổi tác, thân phận khác biệt giữa hai người phụ nữ Mariam và Laila, nhưng sự đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu giữa họ với nhau thì không có khoảng cách. Biến cố do chiến tranh, hoàn cảnh gia đình đã đẩy hai người phụ nữ từ hai thân phận khác nhau, từ những ác cảm ban đầu lại gần nhau hơn, cùng sách vai, can trường chống lại số phận, cùng khát khao về một ngày tốt đẹp hơn.
Cả cuốn tiểu thuyết là những bi kịch, những nỗi đau mang màu sắc khác nhau của mỗi nhân vật, nhưng vẫn tồn tại điểm sáng là tính nhân văn, tình người. Đan xen giữa những đổ vỡ, bạo hành, vẫn có tình cảm chân thành của Tariq dành cho Laila, vẫn có những quan tâm ấm áp giữa hai người phụ nữ xa lạ dành cho nhau, vẫn có tình mẹ của Mariam dành cho những đứa bé không chung dòng máu.
Cái hay của tác phẩm là vừa miêu tả được sự tàn khốc của chiến tranh nhưng vẫn thấy được sức sống mãnh liệt của con người. Cuốn sách đã đưa cảm xúc của mình theo những cung bậc khác nhau – từ tò mò, mâu thuẫn, tức giận, bế tắc đến lúc vỡ òa vì đau đớn, xót xa cho nhân vật.
Kết thúc chuyện có cái chết, nhưng với mình đây vẫn là cái kết “có hậu” theo một cách rất khác. Kẻ xấu phải trả giá, Mariam được giải thoát và cô lựa chọn hi sinh để mang lại “sự sống” cho Laila, Aziza, Zalmai.
Đóng những trang sách cuối cùng lại, tôi vẫn chưa thoát được cảm giác bần thần, cảm thấy nghẹt thở vì khắc nghiệt quá! Thân phận người phụ nữ – một nửa thế giới – ở một nơi nào đó trên trái đất này sao lại có thể “rẻ rúng” đến thế!
Đây là một tác phẩm về phụ nữ rất đáng đọc!