[Đọc sách phong cách VNA] Lại thằng nhóc Emil

Tiếp viên Trương Hồng My 8 giới thiệu với các đồng nghiệp VNA một trong những cuốn truyện thiếu nhi mà chị yêu thích nhất: “Lại thằng nhóc Emil” của Astrid Lindren (Dịch giả: Vũ Hương Giang, NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam).

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tôi là một người lớn rất thích truyện thiếu nhi. Trước hết là vì sở thích. Sau nữa, là vì truyện thiếu nhi giúp tôi có cái nhìn trẻ trung và bao dung hơn, khiến tôi có thể nắm bắt tâm lý và cảm thấy vui thích khi được làm bạn với trẻ nhỏ. 

Ở nhà, tôi làm bạn với con còn đi làm, tôi làm bạn với các khách hàng nhỏ tuổi. Điều đó diễn ra một cách tự nhiên và tương đối dễ dàng, một phần không nhỏ là nhờ rất nhiều những cuốn sách thiếu nhi mà tôi từng được đọc.

Hôm nay, tôi xin giới thiệu với các đồng nghiệp VNA một trong những cuốn truyện thiếu nhi mà tôi yêu thích nhất: “Lại thằng nhóc Emil” của Astrid Lindren (Dịch giả: Vũ Hương Giang, NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam). Astrid Lindren là nữ nhà văn Thụy Điển nổi tiếng thế giới với các tác phẩm thiếu nhi xuất sắc như “Pippi tất dài”, “Mio, con trai ta”, “Karlson trên mái nhà”, “Lại thằng nhóc Emil”…

alt text
“Lại thằng nhóc Emil” của Astrid Lindren. Dịch giả: Vũ Hương Giang. (Ảnh: NVCC).

Emil là một thằng nhóc năm tuổi, hiếu động và nghịch ngợm vô cùng. Rất may cho Emil, và cũng rất may cho bạn đọc chúng ta, là Emil có một người mẹ cực kỳ tâm lý thường viết nhật ký ghi lại mọi trò nghịch ngợm của cậu. Nhờ thế chúng ta có thể cười thỏa thích hết trang này tới trang khác, từ đầu tới tận cuối cuốn truyện.

Chúng ta sẽ làm quen với Emil bằng trò nghịch ngợm nhẹ nhàng chui đầu vào liễn súp, chẳng qua là vì súp quá ngon thôi, chú ta muốn húp sạch đến hớp cuối cùng. Rủi thay, chui vào dễ mà chui ra lại khó. Bố mẹ đành đưa chú đến ông bác sĩ tận Meriannelund, với hy vọng tiền công ông ấy lấy sẽ rẻ hơn tiền mua một cái liễn mới. (Bố Emil được miêu tả là một người chăm chỉ và tiết kiệm, như mọi người nông dân Thụy Điển thời ấy). Và khi gặp ông bác sĩ, cậu bé nghịch ngợm nhưng ngoan ngoãn đã cúi đầu rõ thấp để chào. Choang! Emil cụng đầu vào bàn viết, cái liễn vỡ làm đôi và không cần ông bác sĩ phải làm gì thêm nữa.

Sau khi về nhà, mẹ Emil (vốn rất khéo tay) đã gắn cái liễn lại như cũ. Và sau lời trầm trồ của cô em gái bé bỏng Ida: “Anh làm thế nào mà chui đầu vào cái liễn được thế?”, Emil đã tỏ ra rất dễ thương khi chỉ cho cô em gái biết mình đã làm thế nào, bằng cách chui lại vào liễn, rồi mắc cứng ở đó y như lần trước.

Đấy, tác giả cứ làm cho bạn đọc phải cười không dứt, vì những chi tiết nho nhỏ dễ thương mà cực kỳ bất ngờ hài hước.

Đó chỉ là một ví dụ về những trò nghịch ngợm của Emil thôi. Còn nhiều trò nữa đỉnh hơn nhiều, bạn phải tự mình trải nghiệm mới thấy đã. Không những thế, truyện còn có nhiều hình vẽ minh họa cực kỳ sinh động của họa sĩ Bjorn Berg nữa.

Tin tôi đi, đây là cuốn truyện đáng đọc, không chỉ dành cho thiếu nhi, mà dành cho cả người lớn chúng ta nữa. (Ảnh: NVCC).

Nhưng, “Lại thằng nhóc Emil” không chỉ là một quyển truyện buồn cười. Sau tất cả, Emil hiện lên là một cậu bé khỏe mạnh, thông minh, tử tế và tình cảm. Điều gì khiến chú bé nghịch ngợm ấy vẫn cứ giữ được nét hồn nhiên trong trẻo như vậy, mặc dù không ít lần làm người khác phiền lòng? Phải chăng chính tấm gương của bố mẹ chú – những con chiên ngoan đạo, chính lòng bao dung, vị tha của người mẹ đã làm nên một đứa trẻ cá tính, đáng yêu và hướng thiện?! Sau những chi tiết hài hước của cuốn truyện, thì cách bà Svensson nuôi dạy Emil cũng khiến cho những người làm cha làm mẹ chúng ta phải suy ngẫm nhiều lắm.

Tin tôi đi, đây là cuốn truyện đáng đọc, không chỉ dành cho thiếu nhi, mà dành cho cả người lớn chúng ta nữa.

Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.