[Đọc sách phong cách VNA] Chuyện con mèo dạy hải âu bay – Câu chuyện về tình yêu thương và sự kiên trì

Thế giới này đầy những nghịch lý và khác biệt, nhưng bỏ qua những khác biệt đó để hướng đến tình yêu thương thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” của nhà văn Luis SéPulveda người Chi Lê nổi tiếng là một câu chuyện thấm đẫm tình mèo, tình người như thế.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Một con mèo không ăn trứng hải âu.

Một con mèo kiên trì ấp trứng, trông ngóng hải âu con ra đời.

Một con mèo… dạy hải âu bay.

Câu chuyện về tình yêu thương và sự kiên trì. (Ảnh: NVCC)

Câu chuyện tưởng chừng không thể ấy được mở ra vào một ngày đầy nắng, ở một ban công nơi bến cảng Hamburg xinh đẹp, cô hải âu với đôi cánh đẫm dầu nặng trĩu đã dùng tất cả hơi tàn để sinh ra quả trứng nọ; và Zorba, con mèo mun to đùng, mập ú – nhân vật chính của chúng ta – đã hứa sẽ giúp cô thực hiện những tâm nguyện cuối cùng:

Tôi xin hứa rằng tôi sẽ không ăn quả trứng.

Tôi xin hứa rằng tôi sẽ chăm lo cho quả trứng đến khi chim non ra đời.

Tôi hứa là sẽ dạy nó bay.

Một lời hứa chứa đựng trăm ngàn nghịch lí, những nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi, nghĩ đến thôi cũng đủ khiến không ít người trong số chúng ta nản chí ngã lòng…

Những ngày này, khi khắp hang cùng ngõ hẻm xôn xao vì một cháu bé sơ sinh bị mẹ vứt bỏ giữa khe tường, vì một gã bố ruột bạo hành con gái đến mình đầy thương tích, vì một đứa con đang tâm đánh đập, đổ rác lên đầu người mẹ đã sắp 90, hẳn có người sẽ hoài nghi: máu mủ tình thâm còn có thể nhẫn tâm như thế, con mèo kia liệu có thể giữ được lời hứa, chăm sóc yêu thương một kẻ xa lạ khác loài?

Thế nhưng, dõi theo bước đường thực hiện lời hứa của Zorba và đám mèo nơi bến cảng, Luis Sepúlveda đã cho chúng ta hiểu một điều: chẳng có gì là không thể, chỉ cần trách nhiệm và tình yêu trong tim ta đủ lớn.

alt textalt text
 
alt text

Zorba trên hành trình muôn vàn nghịch lý. (Ảnh: NVCC)

Vì “đứa con” không cùng chung dòng máu, một con mèo có thể kiên trì “ấp trứng” suốt ròng rã mấy mươi ngày; có thể liều mạng bảo vệ “con” trước móng vuốt kẻ thù; có thể nhảy tưng tưng ngoài ban công bắt ruồi cho “con” ăn bất chấp bao lời mỉa mai giễu cợt. Có thể không chút do dự dấn thân vào hang ổ loài chuột, nhượng bộ lũ chuột để “con” được bình an. Để giúp “kẻ xa lạ khác loài” trong mắt bao người kia có thể bay, những con mèo nơi bến cảng thậm chí còn chấp nhận phá vỡ điều cấm kỵ, mạo hiểm nói chuyện với con người, dẫu biết rằng rất có thể những chiếc lồng giam cùng vô số thí nghiệm kinh hoàng đang chờ mình phía trước.

Con đường phải đi thực sự rất dài, với biết bao gian nan thử thách, với cả những giãy giụa, chông chênh, nghi ngờ, sợ hãi, để rồi trong khoảnh khắc đôi cánh hải âu dang rộng giữa trời đêm giông bão kia, ta hiểu ra rằng kì tích đã đến, và chỉ đến với những trái tim biết yêu thương, những tâm hồn dũng cảm, rằng chỉ những kẻ thực sự dám thì mới có thể bay, rằng chỉ cần mỗi chúng ta trao đi một tia hơi ấm thôi, thế giới này sẽ đẹp biết nhường nào!

Giây phút Zorba dịu dàng liếm đầu bé hải âu con, nói với cô bé: “Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ lớp vỏ trứng ra đời. Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó. Con là chim hải âu, và con phải sống cuộc đời của một con hải âu. Con phải bay” là giây phút khiến tôi xúc động vô cùng.

Bất giác, tôi nhớ đến những thầy cô vượt núi băng đèo, cõng chữ lên non, dành trọn tuổi xuân để ươm mầm tri thức nơi rừng thiêng nước độc; nhớ đến những người dẫu hằng ngày chật vật mưu sinh bên xe bánh mì ọp ẹp vẫn tình nguyện hiến đất xây trường; những cô chú suốt bao năm vẫn miệt mài tham gia hiến máu, và cả những bạn trẻ của Trạm cứu hộ chó mèo vừa được tuyên dương trên chương trình “Việc tử tế”,… Cũng giống Zorba, họ chính là những người sẵn sàng gửi trao tình thương tới những mảnh đời xa lạ, dùng lòng nhân ái của mình để thắp lên những điều nhỏ bé kỳ diệu cho đời.

“Chuyện con mèo dạy hải âu bay” là cuốn sách chỉ vẻn vẹn 139 trang, nhưng ở đó có bài học về lòng nhân hậu, về tình mẫu tử thiêng liêng, về chữ tín, lòng dũng cảm và cả trách nhiệm với môi trường sống. Một cuốn sách thấm đẫm tình đời, tình người, đậm chất nhân văn, không chỉ dành cho trẻ em mà còn cho người lớn nữa…

Le Thi Dieu Linh – ĐTV

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.