[Đọc sách phong cách VNA] Bước Đường Cùng – Con giun xéo mãi cũng quằn!

Nguyễn Công Hoan đã xây dựng được những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình, vẽ nên một bức tranh chân thực đa chiều về những sự bóc lột của địa chủ tàn nhẫn, những nỗi áp bức của quan lại tham nhũng, những cái bất công của chế độ thối nát chốn hương thôn ở Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám… đã đẩy người nông dân vào tuyệt lộ, buộc họ phải vùng lên phản kháng. “Bước đường cùng” ra đời năm 1938, đã gây tiếng vang lớn trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ và khiến cho chính quyền thực dân một phen nháo nhào.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nói về truyện dài “Bước đường cùng” Nguyễn Công Hoan cho hay:

“Cuốn ấy tôi viết ngày, viết đêm; viết cho chóng xong để còn đi chơi nhiều nơi, trước khi phải ra “an trí” tại Trà Cổ. Vừa nghĩ, vừa viết, vừa sửa; tôi đã hoàn thành cuốn truyện trong 16 hôm, từ 1 đến 16/7/1938.” – Trích hồi ký “Đời viết văn của tôi”, 1971.

Nếu không đọc hồi ký của nhà văn, sẽ chẳng ai biết được, để có một thiên tiểu thuyết hiện thực phê phán “Bước đường cùng” – tác phẩm được ví như phát súng bắn vào đầu bọn gian ác, bọn tham ô tham nhũng, vạch trần lũ sâu dân mọt nước… Tác giả đã liên tục ngồi trước cái bàn cao quá tầm tay liền trong nửa tháng để viết, nên phải dùng nhiều gân sức, ông đã bị sái bả vai bên phải đến ba năm. Những năm về già, vì tuổi cao, sức yếu, đến mùa rét, hoặc gặp thời tiết ẩm thấp, bệnh ấy lại trở thành tật.

Bước đường cùng = Nguyễn Công Hoan

Con giun xéo mãi cũng quằn!

“Bước đường cùng” viết về anh nông dân tên Pha rơi vào cảnh tối tăm phá sản vì nạn địa chủ ngoặc với quan lại và đế quốc. Hoàn cảnh điển hình trong “Bước đường cùng” đã phản ánh được những mâu thuẫn cơ bản của xã hội bấy giờ.

Vợ chồng Pha thất học nên u mê, bị địa chủ dùng thủ đoạn để cướp nhà, cướp ruộng. Phường địa chủ đại gian đại ác, điển hình là Nghị Lại, đằng này ngọt xớt dụ dỗ cho người nông dân vay, đằng khác lại không chịu nhận tiền trả nợ sớm mà để cho nó đẻ lãi mẹ lãi con ra rồi mới đi đòi. Chúng lại thêm mánh lới đứng phía sau mành thúc giục dân đen đi kiện, đẩy dân tới trước mặt quan để bọn tham quan kiếm chác. Địa chủ nào cũng mượn thế quan, thế Tây để làm càn, để bóc lột nông dân. Mà đám quan lại thì từ trên xuống dưới, từ quan huyện cho đến lính canh cổng hay tên cai tù, chức nào cũng giở trò sư tử ngoạm mà ra sức trấn lột tiền tài, lại còn hạch sách, đánh đấm người nông dân vô tội vạ.

Ban đầu, người nông dân sống riêng lẻ lại hay vì những quyền lợi nhỏ nhặt mà thù hằn nhau, như vợ chồng Pha và nhà Trương Thi ghét nhau, chỉ vì chỗ hàng xóm với nhau mà nó đi lấy tên bố mình đặt cho con nó thì tội gì mình không báo thù. Về sau khi đã bị bọn tham quan địa chủ bóc lột đến mức không còn gì để mất, người nông dân mới biết hợp sức lại đoàn kết với nhau. Song, một ngày còn đế quốc thống trị, thì cuộc đấu tranh của nông dân còn bị đàn áp!

Con giun xéo mãi cũng quằn, truyện kết lại bằng một lần vùng dậy của Pha, một cú phang vào đầu Nghị Lại với tất cả lòng hận thù, hình ảnh cuối cùng là Pha bị trói, nghiến răng nhắm nghiền mắt, mặc cho dòng lệ nóng tuông trào.

Một cuốn phong tục tiểu thuyết khiến chính quyền thực dân kinh sợ.

Viết “Bước đường cùng”, Nguyễn Công Hoan bày tỏ bản thân là một người viết tiểu thuyết, lại tự nhận thấy mình hiểu biết nhiều phong tục của nông thôn, nên ông viết một cuốn phong tục tiểu thuyết. Điều này độc giả có thể thấy rõ khi đọc tác phẩm, nhà văn đã bỏ ra cả chục trang chỉ để nhẩn nha kể về một ca đỡ đẻ, hay tỉ mẩn ghi lại một bài chửi dài lê thê ngoa ngoắt của mụ nhà quê bị mất gà mất qué.

Nhưng không phải lúc nào phong tục cũng là điều hay ho, cũng như mỗi nhà văn lại có đôi mắt khác nhau về lập trường và suy nghĩ khi cùng nhìn nhận một sự việc. Nếu những nhà văn khác viết về phong tục đáng quý hay sự bình yên chốn nông thôn, thì Nguyễn Công Hoan nhìn vào con người.

Nhà văn quan sát con người, nhìn con người trong mối quan hệ với con người, dưới bối cảnh những phong tục chốn hương quê, dưới chế độ nửa thuộc địa nửa phong kiến để viết nên “Bước đường cùng”. Ông viết cảnh lên quan, cảnh thu thuế, đốc thuế, cảnh vay nợ, cảnh ăn khao, cảnh mê tín dị đoan… Và những cái cảnh mà ông cho là phong tục ấy, nó phản ánh hiện thực.

Ông dùng ngòi bút châm chích, giễu cợt đám quan lại, đôi khi buông lời bỡn cợt những người dân quê. Giống như Vũ Trọng Phụng hay Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan tả chân, tả thực, và cái hiện thực ấy khiến người đọc phải xót xa.

Cái hiện thực ấy, nó lột trần bộ mặt tởm hợm thối nát của chính quyền thực dân nửa phong kiến và bọn địa chủ ăn trên ngồi trốc. Và sự vùng dậy của anh Pha giáng một đòn vào đầu Nghị Lại cũng giống như một cái tát vang dội vào cái mặt núng nính thịt của bọn cai trị, khiến chúng giật mình thon thót phải ban lệnh cấm sách.

Đỗ Quân – VAECO

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.