Bạn đã chán ngán những công việc ngày qua ngày lặp đi lặp lại, trôi dạt mất mục đích, ước mơ của chính mình?
Rất nhiều lần bạn tự nhủ sẽ đi đây đi đó nhiều hơn để mở rộng tầm mắt, nhưng rồi chính mình lại bị mắc kẹt bởi cơm áo gạo tiền, bởi công việc & vô vàn thứ linh tinh khác khiến ước mơ chỉ mãi mãi là ước mơ?
Và rồi dần dần, bạn tự đánh mất cái ý nghĩa, đam mê, mục đích sống của đời mình?
Đó chính xác là những gì mà Tâm Bùi, tác giả của cuốn sách Bụi đường tuổi trẻ này đã từng trải qua. Mãi cho đến năm 29 tuổi, vào một ngày mà không còn gì để mất, anh quyết định buông bỏ mọi thứ, gác lại sau lưng mọi vấn đề thường ngày, như người ta thường nói, xách ba lô lên và đi.
“Tôi muốn lang thang đến tất cả ngóc ngách trên trái đất này để lượm lặt những câu chuyện bị bỏ quên, với ánh mắt ngô nghê của một đứa trẻ lúc nào cũng muốn được khám phá…”
Và thế là anh tích luỹ tiền bạc đủ mua một máy ảnh thật tốt, một số tiền đủ để sống trong 1 năm, rồi cất cánh.
Bay vào vùng trời mới, thức tỉnh đúng vào thời điểm đẹp nhất cuộc đời
Nếu như ai đó đã từng đọc Sáu người đi khắp thế gian thì sẽ thấy, hành trình phiêu lưu giang hồ của 6 bạn trẻ hoàn toàn giống như một cuộc trốn chạy thế giới thực tại, bộc phát và thiếu sự lo toan. Còn với Tâm Bùi thì khác, anh chuẩn bị chu toàn mọi thứ từ những việc đơn giản nhất như tập ngủ ở sân bay, mua đồ đạc cho chuyến hành trình, tìm hiểu thời tiết, nhiệt độ, văn hoá, kinh tế chính trị xã hội của nơi anh cần đến.
Trở thành một travel blogger như Tâm Bùi chia sẻ, nói thì dễ nhưng khi thực hiện mới thấy thực sự không hề đơn giản chút nào. Tuy vậy khi nghe tác giả miêu tả tỉ mỉ trong cuốn hồi ký “bụi bặm” này, rất có thể nó lại là niềm cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ cũng đang “bơ vơ” chưa tìm được hướng đi cho cuộc đời giống như chính anh đã chia sẻ ” tôi tỉnh giấc đúng vào thời điểm đẹp nhất cuộc đời, khi vừa tròn qua tuổi đôi mươi”.
“…Thế đấy, sau những tháng năm đắm chìm mụ mị, bỗng đến ngày tôi như chú chim, nhẹ nhõm nhấc mình bay lên bầu trời, tự do khám phá thế giới. Đam mê và niềm khao khát sống đã tạo nên con người tôi hôm nay. Băng qua đường biên của những nỗi sợ, tôi bắt đầu bước ra thế giới rộng lớn ngoài kia…”
Từ lữ khách sông Hằng đến hành trình tìm hiểu nền văn minh Trung Hoa rực rỡ
Thật khó thể nói hành trình của Tâm Bùi trong cuốn sách này là mạo hiểm. Nhưng kể từ khi trở thành lữ khách trên sông Hằng, khám phá những tục lệ linh thiêng của người Tây Tạng và rồi cuối cùng mục sở thị Tử Cấm Thành cũng như khám phá những nét rực rỡ của nước bạn Trung Hoa, Tâm Bùi đã cho thấy một chuyến hành trình không hề bình yên một chút nào. Để có những bức ảnh đẹp, những chia sẻ thú vị, anh đã không ít lần trải qua những tình huống thót tim. Trốn trạm kiểm soát để vào được Tây Tạng dù không biết tiếng Hoa, hay là lúc đi trên con tàu hiện đại với độ cao gây khó thở…tất cả những thứ đó cần một bản lĩnh mà không ít travel blogger có thể làm được.
Đọc cuốn hồi ký mang đậm nét lung linh nhưng nhiều sự chân thực này, hàng loạt chân trời mới sẽ hiện ra, thôi thúc bạn trẻ lên đường nhiều hơn, nhưng là lên đường một cách thông minh, có tính toán & ít nhất là “không nhẵn túi” sau cuộc hành trình.
Để trở thành một travel blogger chuyên nghiệp
Xin dành toàn bộ phần kết của bài review để chia sẻ bí kíp trở thành nhà du hành chuyên nghiệp như Tâm Bùi đã từng viết trong Bụi đường tuổi trẻ
Đầu tiên, phải có sức khoẻ, tập thiền, gym, yoga gì cũng được. Trong nghề nghiệp cần di chuyển nhiều như travel blogger thì sức khoẻ đóng vai trò cực kỳ cực kỳ quan trọng.
Khi đã có đủ sức khoẻ, sự dẻo dai & tinh thần minh mẫn, thì yếu tố thứ hai để giữ lửa với nghề đó chính là kiếm tiền từ việc du hành. Tôi giỏi gì nhất, thì kiếm tiền bằng cách đó. Ví dụ như chụp ảnh hoặc viết review. Đi nhiều nơi, chụp ảnh đẹp thì có thể mang lên các trang bán ảnh chuyên nghiệp như shutterstock.com, istock.com… Viết blog thì trước tiên khởi động với facebook cá nhân (hoặc fanpage), giỏi hơn thì tạo website riêng, giỏi hơn nữa thì trở thành KOL và xin tài trợ từ những thương hiệu lớn. Còn nếu đam mê ẩm thực, đừng lo, sẽ có rất nhiều nhà hàng muốn mời bạn bữa ăn miễn phí để review cho họ.
Thứ ba là ngoại ngữ. Tiếng Anh thôi chưa đủ. Cần tìm hiểu thêm chính trị, xã hội, văn hoá, kinh tế nơi mình đến. Bởi vậy một số trường hợp, người bản xứ không nói tiếng Anh, nếu bạn không biết một chút ít thứ ngôn ngữ của họ, sử dụng Google Translate hoặc ngôn ngữ tay chân sẽ rất…nhiều cảm xúc!!!
Và cuối cùng, đầu tư nhu yếu phẩm, trang thiết bị cần thiết. Một laptop, điện thoại nhiều pin & cái máy ảnh là những vật dụng cơ bản. Chưa kể những chiếc balo đa năng, đèn pin, lều bạt…
Nếu bạn cũng có đam mê đi du lịch vòng quanh thế giới, thoải mái và không lo hết tiền, hưởng thụ cuộc sống bình yên, hạnh phúc thì ngay bây giờ, đừng quên chuẩn bị những “nội lực” kể trên. Đến lúc bạn sẵn sàng, đừng quên chia sẻ cho mọi người để tăng cảm hứng cho cộng đồng nhé!