[Đọc sách phong cách VNA] Bài ca mừng Giáng sinh: Câu chuyện cổ tích dành cho người lớn

Đầy triết lý nhân văn trong một câu chuyện cổ tích, quyển sách “Bài ca mừng Giáng sinh” (tựa gốc là A Christmas Carol) của Charles Dickens là một món quà giáng sinh ấm áp sưởi ấm lòng người trong những ngày đông lạnh giá.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nhắc đến Charles Dickens là nhắc đến tiểu thuyết gia của tầng lớp bình dân, các tác phẩm của ông đa phần viết về những con người lao động nghèo khổ, miêu tả hiện thực cuộc sống thị thành nước Anh thế kỷ 19 một cách trần trụi. Tuy viết về cuộc sống khốn khổ cùng cực của con người, nhưng tác phẩm của ông luôn ấm áp, mang đậm tính nhân văn, truyền đi tình thần lạc quan, hy vọng. “Bài ca mừng Giáng sinh” là tác phẩm khác lạ của Charles Dickens, mang đậm màu sắc cổ tích, triết lý nhân quả nhưng không nằm ngoài văn phong vị nhân sinh, đầy tình người của ông. 

Cuộc hành trình tìm lại thiện lương 

Mọi chuyện bắt đầu từ cuộc viếng thăm của hồn ma Jacob Marley bạn làm ăn của lão Scrooge, khi xuất hiện, hồn ma luôn kéo lê bên mình chiếc xích sắt quá khổ nặng nề, món quà “khuyến mãi” mà chính Marley đã tự rèn cho mình khi còn sống. Hồn ma đến để cảnh tỉnh Scrooge về tương lai sẽ chờ đợi lão, một thương nhân giàu có nhưng độc ác, keo kiệt, bủn xỉn, mang lòng thù hận với cuộc đời. Cả ngày, lão chỉ thu mình trong căn phòng làm việc tồi tàn với cái lò sưởi bé tý giữa mùa đông giá rét để nghĩ cách cắt xén từng đồng tiền công của người thư ký tội nghiệp, hạn chế gặp gỡ với cả đứa cháu duy nhất để tránh mất dù chỉ mộ xu trong đống tài sản kếch xù của lão. So với cái lạnh lẽo âm u, xám xịt của thời tiết thì con người của lão Scrooge còn lạnh lùng, vô cảm hơn gấp trăm lần. 

Hình ảnh lão Scrooge phần nào phản ánh tính cách con người trong cuộc sống hàng ngày: Càng trưởng thành, họ càng tham lam, mù quáng của cải, vật chất, những thứ không thật sự mang lại hạnh phúc, dần dần tất cả lương thiện còn sót lại trong mỗi người cũng được đem ra đổi lấy các giá trị vật chất bên ngoài. 

“Tôi mang sợi xích tôi đã rèn lúc sinh thời, – bóng ma đáp. – Tôi đã rèn hết mắt này đến mắt khác, hết thước này đến thước khác; tôi đã ràng buộc ý chí tự do của mình và giờ đây tôi phải đeo nó. Kiểu này lạ với ông lắm sao?”. Câu hỏi của hồn ma Marley không chỉ dành riêng cho lão Scrooge, mỗi người khi chạy theo đồng tiền mà quên mất việc sẻ chia có phải đã tự rèn cho mình một sợi xích trói buộc bản thân vào những thứ vật chất hào nhoáng nhưng vô nghĩa, chính sợi xích ấy đã ngăn cản họ tận hưởng những thứ tươi đẹp của cuộc sống vẫn đang diễn ra hàng giờ, hàng ngày xung quanh?

Nhưng có lẽ lão Scrooge may mắn hơn người bạn làm ăn của mình và rất nhiều người khác nữa khi có cơ hội gặp gỡ ba hồn ma của quá khứ, hiện tại và tương lai đúng thời khắc diệu kỳ của năm: Lễ Giáng sinh. Ba hồn ma đã vẽ nên bức tranh hoàn chỉnh về cuộc đời lão Scrooge: Từ một chú bé nghèo nhưng ham học, mang một tâm hồn trong sáng, biết rung cảm trước cuộc đời đến cậu thanh niên học việc Scrooge sôi nổi, tràn đẩy biết ơn người chủ đã đối xử tử tế với mình trong đêm Giáng sinh, trở thành một thương nhân giàu có nhưng tàn nhẫn đến kết cục về một cái chết cô quạnh trong tương lai, tất cả đã đánh một đòn mạnh thức tỉnh bản thân lão Scrooge. Mỗi một đêm trải qua cuộc hành trình cùng một hồn ma, lớp băng phủ kín trái tim và tâm hồn lão Scrooge lại được phá vỡ từng lớp từng lớp một để rồi bừng tỉnh như phép màu vào đúng ngày lễ Giáng sinh. Cuối cùng lão Scrooge đã nhận được món quà quý giá nhất trong cuộc đời: Niềm vui và sự ấm áp của tình người khi ta biết cho đi. 

“Scrooge còn làm tốt hơn lời ông nói. Ông làm nhiều hơn thế nữa; cho bé Tim để bé không chết, ông như người cha thứ hai. Ông trở thành người bạn tốt, một ông chủ tốt, một con người tốt như Cố đô biết hoặc bất cứ thành phố, thị trấn cổ nào trên thế giới này biết đến. Một số người cười khi thấy sự thay đổi của ông, nhưng ông cứ mặc họ cười, và ít để ý đến họ, vì ông đủ thông minh để hiểu rằng chẳng có sự tốt đẹp nào xảy ra trên trái đất này mà lúc đầu không bị cười nhạo, rằng dù sao những người như thế thật dại, họ càng cười vui nhiều bao nhiêu thì càng đỡ bệnh tật bấy nhiêu. Lòng ông nhẹ nhõm, thư thái, thế là đủ cho ông lắm rồi”.

alt text
[Charles Dickens] Bài ca mừng Giáng sinh: Câu chuyện cổ tích dành cho người lớn

Món quà giáng sinh ấm áp dành cho người lớn

Từ khi nào người lớn thôi không còn trông đợi những món quà từ ông già Noel, đã thôi mơ mộng để rồi dần từ bỏ những niềm tin mà mình từng gửi gắm suốt thời thơ ấu? Đã bao lâu rồi người lớn quên mất mình đã từng là những cô bé, cậu bé hồn nhiên, trong trẻo, chỉ biết đến những điều dịu ngọt của cuộc sống. Theo thời gian, cũng vẫn cô bé, cậu bé ấy đã bị cuộc đời trần trụi và khắc nghiệt phủ lớp bụi thời gian lên tâm hồn, nhưng họ quên mất một điều: Khi con người lớn lên những đứa trẻ trong họ không mất đi mà bị bỏ quên ở góc sâu nhất trong tâm hồn, hàng ngày, chúng run rẩy, bị giằng xé, bị ngược đãi, nhấn chìm trước sóng gió cuộc đời. 

Không phải ngẫu nhiên mà Charles Dickens miêu tả ba hồn ma của quá khứ, hiện tại và tương lai xuất hiện với hình dạng riêng, mỗi hồn ma đại diện cho những khoảnh khắc mà một con người sẽ phải trải qua: Hồn ma của quá khứ nhìn như một đứa trẻ nhỏ thó, lại mang khuôn mặt của một ông già với chiếc thắt lưng tỏa ra ánh sáng rực rỡ, giống như đứa trẻ năm nào đã già nua theo thời gian, nhưng dù thế nào quá khứ vẫn luôn là mảng ký ức chói sáng, tươi đẹp đọng lại trong mỗi người.

Hồn ma của hiện tại được miêu tả luôn vội vã, mỗi một phút giây hồn ma lại già đi trông thấy, nhắc nhở chúng ta khoảnh khắc hiện tại sẽ trôi qua rất mau nếu không biết trân trọng nắm giữ. Bám víu lấy hồn ma hiện tại là hai đứa trẻ vàng vọt, ốm yếu có tên là thiếu thốn và dốt nát, hai đứa trẻ sinh ra từ những con người sống quá vội vã, luôn đặt ham muốn và lòng tham không đáy của mình lên trên tất cả, khiến cho phút giây hiện tại trở nên nặng nề, vô nghĩa. 

Trái với mong đợi, hồn ma của tương lai lại mang dáng vẻ thần chết liệm trong tấm vải đen u ám, tương lai đầy bí ẩn và không bao giờ trả lời bất cứ câu hỏi nào. Đến cuối cùng của cuộc đời ai cũng sẽ phải đối mặt với vị thần chết khó tính đến khó ưa này, vì vậy hãy “nghĩ cách” sống xứng đáng với giờ phút hiện tại hơn trông chờ vào tương lai bất định.

“Bài ca mừng Giáng sinh” là một món quà đầy bất ngờ, hấp dẫn của Charles Dickens dành cho người lớn. Mỗi trang sách như một lớp giấy gói lấp lánh mà ai cũng sẽ háo hức muốn lật giở để khám phá ra món quà đặc sắc sau cùng được tác giả dụng tâm gửi gắm. Gấp quyển sách lại, đọng lại trong tâm trí độc giả là dư vị ngọt ngào, ấm áp của những giá trị tốt đẹp về tình người, ý nghĩa của việc cho và nhận, tất cả hòa quyện vào nhau như một cốc sôcôla ấm nóng giữa những ngày đông lạnh giá.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.