[Đọc sách phong cách VNA] 3 Phút Sơ Cứu – Cẩm nang cho mọi nhà

“3 phút sơ cứu” là cuốn sách trang bị cho mỗi người kiến thức tối cơ bản để biết cách xử lý ban đầu giúp kiểm soát các tình huống tai nạn cũng như bệnh tật thường gặp trong cộng đồng, với tiêu chí ngắn gọn – rõ ràng – an toàn – hiệu quả.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sau tự truyện “Để yên cho bác sĩ hiền” phát hành năm 2018 với những tâm sự tự đáy lòng của một người hành nghề Y có phần dí dỏm và xéo sắc, đầu năm 2020 bác sĩ Ngô Đức Hùng trở lại với bạn đọc bằng cẩm nang khoa học “3 phút sơ cứu” với phong cách khác hẳn, ngắn gọn và nghiêm túc, nhờ đó mà dễ hiểu và dễ áp dụng.

Cuốn sách cần thiết cho mỗi cá nhân và gia đình, được hoàn thiện dưới sự cố vấn của Phân hội Cấp cứu Việt Nam – VSEM.

Một cuốn cẩm nang sơ cứu cho cộng đồng.

Tác giả mất 1 năm lên ý tưởng, 300 trang bản thảo, 700 ảnh chụp trước khi hoàn thành cuốn sách “3 phút sơ cứu”. Sách in màu, gồm 5 chương, 54 chủ đề. Cấu trúc mỗi chủ đề gồm 3 phần:

A. Bạn cần biết: Thông tin cơ bản về dịch tễ học, biểu hiện đơn giản, nếu để tự nhiên không can thiệp gì sẽ ra sao?

B. Bạn cần làm: Những điều bạn cần thực hiện.

C. Nên và không nên: Phân tích các kinh nghiệm dân gian đúng hay sai, tác động vào thời điểm nào, hậu quả ra sao. Từ đó người đọc sẽ tự quyết định có nên áp dụng hay không.

“Nếu CHỈ cần LÀM đúng, hãy đọc phần B.
Nếu muốn BIẾT hơn, hãy đọc thêm phần A.
Nếu muốn HIỂU vấn đề sâu hơn nữa, hãy đọc nốt phần C.”

Ngoài ra còn một phần cảnh báo tóm lược cần đọc và nhất thiết không được quên trong từng chủ đề, được đóng khung dễ chú ý.

54 chủ đề của “3 phút sơ cứu” hoàn toàn dựa vào thực tế trong nước. Bác sĩ Ngô Đức Hùng xác định đây là cuốn sách dành cho cộng đồng nên nội dung phải thiết thực cho người đọc, không phải để khoe mẽ kiến thức của người viết. Vậy nên các chủ đề đều dựa vào các tổng kết nhóm bệnh lý cơ bản và thường gặp nhất ở Việt Nam.

Theo một tổng kết nhóm nguyên nhân ngộ độc thường gặp tại một bệnh viện huyện năm 2019 do bộ môn Hồi sức cấp cứu trường Y Hà Nội hướng dẫn cho thấy 66,6% nhóm người bệnh tại địa phương này nằm viện tại khoa cấp cứu chống độc là do ong đốt, rắn cắn và rết đốt. Đây cũng là những chủ đề chính trong sách.

Với những nhóm nguyên nhân thường gặp này, nếu hiểu đúng, xử trí đúng sẽ giảm thiểu được nguy cơ mắc phải, như dị ứng, nhiễm trùng, sưng nề. Trong y học, chỉ cần giảm được 1% nguy cơ đã là điều đáng làm!

Khi xảy ra tình huống y tế khẩn cấp, việc không nhớ nổi cần làm gì là chuyện hết sức bình thường. Vậy nên, có một quyển cẩm nang sơ cứu bên cạnh là điều cực kỳ hữu ích.

alt text
3 Phút Sơ Cứu – Cẩm nang cho mọi nhà

Ý nghĩa “sơ cứu” và “3 phút”.

Hằng ngày, mỗi người dễ dàng bắt gặp một tình huống thương tích hoặc bệnh tật diễn ra bất ngờ. Tình huống đó có thể xảy ra với chính bản thân hoặc mọi người xung quanh là người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Trong khoảng thời gian nhanh nhất có thể, mỗi người phải quyết định việc cần làm để đảm bảo an toàn cho người bị nạn, cũng như không tự đẩy mình vào các mối nguy hiểm không đáng có (ví dụ tiếp xúc với máu, chất tiết của nạn nhân có bệnh lý truyền nhiễm tiềm ẩn như người nhiễm HIV, viêm gan virus B…)

“Sơ cứu”, hay còn gọi “sơ cấp cứu”, là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn tại cộng đồng, có thể có sự can thiệp tạm thời trong một tình huống nghiêm trọng trước khi có sự trợ giúp của các nhân viên cứu hộ hoặc nhân viên y tế chuyên nghiệp.

Vì sao lại là 3 phút?

3 phút là khoảng thời gian để cơ thể tiết ra adrenalin, hormon sống còn giúp máu về tim tốt hơn. Nếu sơ cứu không đúng cách, máu về tim sẽ tồi hơn và các tế bào sẽ rối loạn chuyển hóa.

3 phút là thời gian máu chảy trước khi cơ thể khởi động quá trình cầm máu. Nếu sơ cứu không đúng cách, quá trình cầm máu sẽ tồi hơn và giết chết các tế bào được mạch máu đó nuôi dưỡng.

3 phút là thời gian tế bào não có thể chịu đựng được khi thiếu oxy trước khi tổn thương vĩnh viễn. Nếu sơ cứu không đúng cách, tế bào não sẽ tổn thương không hồi phục và lúc ấy các can thiệp y khoa sẽ trở thành vô nghĩa.

Cuốn sách “3 phút sơ cứu” không thể thay thế được các chương trình đào tạo về kỹ năng sơ cứu từ các chuyên gia, nhưng sẽ đem lại cho người đọc những kiến thức đúng đắn để hiểu biết hơn và có thái độ tốt hơn trong việc hợp tác và xử lý ban đầu các trường hợp cần hỗ trợ về y tế khẩn cấp khi chưa có nhân viên y tế bên cạnh. Còn muốn từ kiến thức trở thành kỹ năng, mỗi cá nhân phải rèn luyện rất nhiều.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.