[60 năm Đoàn bay] Giai đoạn 1990-2019: Khai thác hàng không dân dụng (P2)

Ngày 27/5/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 328/TTg, thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam… Theo cơ chế mới, Đoàn Bay 919 là đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ngày 20/4/1993, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký quyết định số 745/QĐ-TCCB thành lập Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) trên cơ sở các đơn vị thuộc Tổng công ty Hàng không trước đây do Cục Hàng không dân dụng quản lý. Đoàn Bay 919 là đơn vị thành viên trực thuộc Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam.

Đầu tháng 4/1994, Hãng Hàng không quốc gia mở lại đường bay Hà Nội – Điện Biên, các phi công của Đoàn Bay 919 lại đưa máy bay ATR-72 phục vụ các chuyến bay tới vùng Tây Bắc xa xôi của tổ quốc. Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam cũng chính thức tham gia hệ thống Amadeus, một trong những hệ thống phân phối chỗ toàn cầu châu Âu, là bước chuẩn bị để Hãng mở đường bay tới các nước Tây Âu.

Ngày 1/5/1994, Đoàn Bay đã long trọng tổ chức kỷ niệm 35năm ngày thành lập. Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới dự và nói chuyện.

Đánh giá đúng đắn những đóng góp của Đoàn Bay 919 trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, ngày 22/12/1994, Nhà nước đã quyết định phong tặng Đoàn Bay danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đoàn Bay đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đầu năm 1995, VNA mở lại hoạt động tại một số sân bay địa phương như Rạch Giá, Phú Quốc, sau đó là đường bay Hà Nội – Vinh – Đà Nẵng.

Ngày 27/5/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 328/TTg, thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành hàng không, lấy Hãng Hàng không quốc gia làm nòng cốt. Theo cơ chế mới, Đoàn Bay 919 là đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Tiếp tục mở rộng mạng đường bay của mình, ngày 1/7/1995, Vietnam Airlines mở đường bay thẳng Hà Nội – Seoul, Hà Nội – Singapore, đều sử dụng máy bay A320.

Sau liệt sĩ phi công Phan Như Cẩn đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân do thành tích dùng máy bay AN-2 đánh căn cứ Pa Thí, ngày 30/8/1995, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho đồng chí Nguyễn Tường Long, nguyên là thợ sửa chữa máy bay thuộc Đoàn Bay 919 do đã có những thành tích xuất sắc trong việc cải tiến lắp đặt thêm súng cối, rocket lên máy bay AN-2 và lắp giá đựng bom trên máy bay IL-14 để đánh địch . Chủ tịch nước cũng ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho phi công Nguyễn Văn Ba, nguyên là phi công Trung đoàn 919, người đã sử dụng máy bay T-28 thu được của địch bắn rơi chiếc máy bay C-123 chở biệt kích của Mỹ – Ngụy.

Ngày 22/11/1995, chuyến bay A320 của Vietnam Airlines trên đường bay Bangkok – Hà Nội đã chuyên chở hành khách thứ 2 triệu của hãng. 

Từ đầu năm 1995, Vietnam Airlines đã thuê thêm hai chiếc B767 của hãng Region Air. Lớp phi công tốt nghiệp tại Australia về nước, Tổng công ty đã quyết định thành lập Đội bay B767 do phi công Nguyễn Thành Trung làm Đội trưởng. Các máy bay thuê của hãng Ansett hết hạn được trả dần. Tháng 3/1996, Tổng công ty tiếp tục thuê thêm ba máy bay B767. Từ tháng 6/1996 đến tháng 4/1997, Đoàn Bay đã cử 3 đoàn sang Mỹ học chuyển loại B767, 12 học viên đã tốt nghiệp, trong đó có 6 lái chính và 6 lái phụ.

Cũng trong giai đoạn 1995-1996, Tổng công ty đã ký hợp đồng thuê khô 10 máy bay A320 do hãng Airbus chế tạo. Cùng với hợp đồng cho thuê máy bay, Airbus sẽ đào tạo cho Tổng công ty 20 phi công A320. Do đó, từ tháng 7/1996 đến tháng 3/1997, Đoàn Bay đã cử 7 đoàn sang học chuyển loại tại Trung tâm của Airbus, đánh dấu bước chuyển mình mới về tổ chức quản lý và đào tạo chuyển giao công nghệ.

Máy bay A320 năm 1995.

Sau khi hoàn tất việc bàn giao các doanh nghiệp trực thuộc Cục Hàng không về trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam, ngày 7/5/1996, Tổng công ty đã tổ chức ra mắt và chính thức đi vào hoạt động. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hồng Nhị, Tổng Giám đốc Lê Đức Tứ cùng các thành viên trong HĐQT, trong Ban giám đốc chính thức ra mắt.

Trong thời gian này, Đoàn Bay cũng tổ chức khóa học đầu tiên lấy bằng phi công vận tải (ATPL) tại Trung tâm huấn luyện bay của Vietnam Airlines, với 20 phi công tốt nghiệp.

Đoàn học viên phi công đầu tiên tại Pháp.

Một sự kiện quan trọng của Đoàn Bay, đánh dấu bằng việc lần đầu tiên, phi công của Đoàn, gồm cơ trưởng Nguyễn Thành Trung và cơ phó Ninh Minh Thế đã độc lập điều khiển chiếc B767 số hiệu VN783, chặng bay Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh tuyệt đối an toàn. Trước đó, điều khiển máy bay này đều do tổ lái hỗn hợp cả phi công nước ngoài và phi công của Đoàn Bay 919.

Năm 1996, được sự đồng ý của Chính phủ, Tổng công ty đã đàm phán với Hãng Fokker (Hà Lan) để mua máy bay tầm ngắn Fokker-70 (F-70). Theo hợp đồng, Hãng Fokker sẽ tiến hành đào tạo cho 6 tổ bay F-70 của Tổng công ty. Trong năm 1996, Đoàn Bay đã tuyển chọn và cử 12 phi công sang học chuyển loại F-70 tại Hà Lan.

Ngày 18/2/1996, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã ký quyết định thành lập Đội bay F-70, do phi công Hoàng Văn Mạnh làm Đội trưởng, Nguyễn Đình Đoàn làm Đội phó.

Cuối năm 1996, tuyến quốc tế Tân Sơn Nhất – Phnom Penh đã được chuyển giao từ Đội bay TU-134 sang Đội bay ATR-72. Đội TU chỉ còn đảm nhận chuyến Vientiane – Quảng Châu. Giữa năm 1997, các tuyến trong nước của Đội bay TU cũng thu hẹp chỉ còn Tân Sơn Nhất – Đà Nẵng, Cát Bi, Phù Cát, Nội Bài.

Đầu năm 1997, Đoàn Bay đã thay thế các máy bay YAK-40 bằng máy bay ATR-72 để thực hiện các chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Lạt và tăng tần suất từ 4 chuyến lên 5 chuyến/tuần. Ngày 2/2/1997, Vietnam Airlines đã tổ chức long trọng lễ tiếp nhận chiếc máy bay F-70 đầu tiên và chiếc thứ hai vào hai ngày sau đó mà hãng đặt mua của Fokker để đưa vào khai thác, phục vụ bay chở khách.

Tháng 3/1997, các chuyến bay ATR-72 do phi công của Đoàn Bay điều khiển lại tiếp tục thực hiện hành trình chở khách tới sân bay Buôn Ma Thuột, sau một thời gian tạm dừng bay để nâng cấp. Đường bay Thành phố Hồ Chí Minh – Đà Lạt – Đà Nẵng với tần suất 2 chuyến/tuần bằng máy bay ATR-72 cũng được mở, nhằm tăng khả năng nối chuyến phục vụ đi lại của hành khách.

Ngày 3/9/1997, máy bay TU-134B số hiệu VN-120 thực hiện chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đi Pochentong (Campuchia) đã bị rơi khi còn cách sân bay 2 km. Sau tai nạn này, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng đã ký quyết định số 1594-CAAV tạm đình chỉ việc sử dụng máy bay TU-134 A, B. Việc tạm dừng khai thác máy bay TU-134 đã ảnh hưởng lớn đến lịch bay trên các tuyến có sử dụng loại máy bay này. Do đó, Tổng công ty phải giảm tần suất hoạt động bay tuyến Thành phố Hồ Chí Minh – Cát Bi từ 11 chuyến xuống còn 7 chuyến/tuần và thay thế bằng máy bay A310 có tải trọng lớn hơn.

Trong năm 1997, các phi công của Đoàn đã thực hiện các chuyến bay chuyên chở 2,5 triệu hành khách, hơn 50.000 tấn hàng hóa. Các Đội bay trong Đoàn đã thực hiện 22.558 lần chuyến, trong đó có 6.604 chuyến bay quốc tế, 67 chuyến chuyên cơ và 1.543 chuyến bay huấn luyện.

Năm 1997, Đoàn Bay đã tiếp nhận, cải tạo và đưa vào sử dụng 3 nhà ở của Đoàn Tiếp viên bàn giao ở phía Nam, xây dựng sân bóng rổ, sửa chữa nhà số 1 và số 2 ở phía Bắc.

Năm 1998, ngành Hàng không đã chịu tác động lớn của khủng hoảng tài chính, lượng du khách, đi lại bằng đường hàng không chững lại. Trên một số đường bay dài, tổ lái của Đoàn Bay phải chờ đợi lâu ngày ảnh hưởng đến hoạt động chung của Đoàn. Dù vậy trong năm, các Đội bay trong Đoàn đã thực hiện được 12.434 lần chuyến bay trong nước, bay quốc tế được 7.761 lần chuyến, bay chuyên cơ được 85 lần chuyến và bay huấn luyện được 1.910 lần chuyến.

Đội bay B767 của Đoàn Bay đã phê chuẩn được 1 lái chính, 8 lái phụ, tiến hành chuyển đổi hợp đồng khai thác từ Hãng Ansett sang bay liên doanh với Hãng Region Air cho 1 lái chính và 10 lái phụ đạt kết quả tốt. Đội A320 đã phê chuẩn được 2 giáo viên bay, 6 lái chính và 4 lái phụ. Đội ATR-72 đào tạo được 3 giáo viên bay, 4 lái chính và 24 lái phụ. Đội bay F-70 tiến hành chuyển loại cho 2 tổ bay tại Hà Lan.

Trong năm 1998, đồng chí Nguyễn Thành Trung được cấp trên tín nhiệm bổ nhiệm chức Đoàn trưởng Đoàn Bay thay đồng chí Trần Tiến Dũng.

Năm 1999, kỷ niệm 40 năm thành lập, Đoàn Bay đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chào mừng sự kiện này. Tại lễ kỷ niệm được tổ chức trọng thể, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Chu Huy Mân và Thượng tướng Phạm Thanh Ngân.

Từ ngày 6 đến ngày 17/7/1999, các phi công của Đoàn bay đã thực hiện chuyến chuyên cơ đường dài, chở Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Cuba. Sau chuyến công tác, Tổng Bí thư đã có thư gửi lãnh đạo Đoàn bay, khen ngợi tổ chuyên cơ:

Từ tổ lái, thợ máy đến anh em phục vụ làm việc rất tốt, tinh thần phục vụ rất cao, vừa thể hiện giỏi về kỹ thuật, vừa thể hiện sự văn minh lịch sự. Tôi ghi nhận sự tiến bộ rõ rệt của Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, sự trưởng thành không chỉ người lái mà cả từng kíp phục vụ”.

Trong năm 1999, các Đội bay trong Đoàn đã thực hiện được hơn 23.000 chuyến bay, trong đó có hơn 12.000 lần chuyến bay trong nước, hơn 8.000 chuyến bay quốc tế, 120 lần chuyến bay chuyên cơ, 1.238 chuyến bay huấn luyện. Đoàn đã đào tạo và phê chuẩn 4 lái phụ, 1 kiểm tra viên ATR-72, 1 lái chính, 1 lái phụ, 1 kiểm tra viên F-70, 2 lái chính, 2 kiểm tra viên A320, 2 lái chính, 2 giáo viên B767.

Đoàn cũng đã cử 20 học viên sang Cộng hòa Pháp đào tạo giáo viên, kiểm tra viên định kỳ SIM, tổ chức học lý thuyết cho học viên trước khi đi chuyển loại ở nước ngoài trên tất cả các loại máy bay B767, A320, F-70, ATR-72 để tạo điều kiện cho các học viên tiếp thu tốt tại các Trung tâm huấn luyện ở nước ngoài. 

Đến đầu tháng 1/2000, Tổng công ty đã khai trương đường bay Thành phố Hồ Chí Minh – Siem Reap (Campuchia), nâng điểm đến quốc tếcủa Vietnam Airlines lên con số 17. Đường bay này được hãng khai thác thường lệ với tần suất 5 chuyến/tuần bằng máy bay ATR-72.

Các xưởng sửa chữa máy bay A75, A76 đã được nâng cấp và đội ngũ kỹ thuật của 2 xưởng được đào tạo nâng cao, Cục Hàng không đã phê chuẩn cho các xưởng này được bảo dưỡng các loại máy bay B767, A320, giúp Tổng công ty vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo kịp thời số đầu máy bay khai thác.

Sau một thời gian chuẩn bị, đầu tháng 11/2000, Vietnam Airlines đã khai trương đường bay Thành phố Hồ Chí Minh – Tokyo (Nhật Bản), trên máy bay B767. Đến tháng 11/2000, đường hàng không Điện Biên Phủ – Luong Prabang (Lào) được thiết lập, phục vụ các hãng hàng không của 4 nước Lào – Campuchia – Myanmar – Việt Nam. Đường bay Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh – Seoul (Hàn Quốc) cũng chính thức được mở lại ngày 30/10/2000 với tần suất 3 chuyến/tuần.

Trong năm 2000, các Đội bay trong Đoàn đã thực hiện được 32.046 lần chuyến bay, trong đó bay trong nước 15.832 lần chuyến, bay quốc tế 14.696 lần chuyến, bay chuyên cơ 102 lần chuyến, bay huấn luyện 1.415 lần chuyến. Trong công tác đào tạo, huấn luyện, đã chuyển loại 5 tổ bay, phê chuẩn 1 giáo viên và 8 lái phụ ATR-72; chuyển loại 3 tổ bay, phê chuẩn 3 lái chính, 2 lái phụ A320; chuyển loại 3 tổ bay, phê chuẩn 4 giáo viên và 4 lái phụ B767. Số học viên tại Pháp đã hoàn thành chương trình lý thuyết và bay đơn trên máy bay TB10, TB20 và tiếp tục học SIM ATR-72.

TTNB Đoàn bay

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.