Bí thư Đảng Ủy – Đoàn trưởng ĐTV – Ông Phan Ngọc Linh chúc mừng và tặng hoa cho tập thể giáo viên.
Nghề giáo dạy bay thực sự cũng là một nghề khá thú vị và cũng không kém phần vất vả. Chúng tôi thường nói đùa những cô giáo dạy bay là những người thợ mài ngọc trong đá. Hầu hết các em học viên khi mới tuyển vào nghề đều là những sinh viên mới rời ghế nhà trường, bên cạnh các em sống ở các thành phố lớn thì không ít các em đến từ những gia đình, những vùng quê xa xôi từ, không ít các em còn chưa biết trang điểm và có những thói quen đi đứng tác phong, những cử chỉ điệu bộ chưa đáp ứng yêu cầu của nghề.
Những thói quen ấy đã đi theo các em học viên ít nhất từ 20 năm rồi, tưởng chừng như khó uốn nắn thay đổi thì chỉ sau 3 tháng đào tạo, huấn luyện các thầy cô đã thay đổi hẳn thói quen đi đứng tác phong, giúp các em xây dựng hình ảnh của những tiếp viên hàng không chuyên nghiệp và hội nhập. Các em đã biết làm đẹp cho bản thân, xây dựng tác phong đi đứng, điệu bộ cử chỉ phù hợp lịch sự, được trang bị các kỹ năng giao tiếp ứng xử khéo léo. Chính những bạn học viên sau khi học tập rèn luyện tại Trung tâm huấn luyện bay đã bộc bạch:” Ngay cả những người thân yêu trong gia đình của em cũng không ngờ em có sự thay đổi nhiều đến thế từ khi được đào tạo để trở thành một tiếp viên tại trung tâm Huấn luyện bay.
Bên cạnh việc được đào tạo các kỹ năng mềm, tại Trung tâm huấn luyện bay các em còn được các thầy cô huấn luyện đào tạo các kỹ năng về an ninh, an toàn khai thác, sơ cứu và giải quyết các tình huống trên máy bay liên quan đến an toàn, an ninh và đảm bảo sức khỏe cho hành khách.
Các thầy, cô giáo chụp ảnh lưu niệm nhân lễ kỷ niệm ngày 20/11.
Nhưng đó mới chỉ là sự thay đổi từ bên ngoài, chúng tôi có dịp gặp gia đình các em trong những buổi lễ tốt nghiệp các khóa học viên Tiếp viên cơ bản, có phụ huynh đã gặp chúng tôi và nói: “Cảm ơn các thầy cô, cháu từ ngày vào nghành đến giờ thay đổi hẳn, cháu nó đã biết quan tâm đến mọi người, chia sẻ công việc gia đình và có trách nhiệm hơn với mọi người, sống nề nếp nguyên tắc hơn với chính bản thân mình”.
Niềm vui của những người làm nghề của chúng tôi là vậy đó. Cứ lặng thầm chấp cánh những ước mơ bay cho các em để các em cứng cáp bay vào vùng trời mơ ước của mình. Hạnh phúc nhất của nghề này là nhìn thấy các em thay đổi và trưởng thành. Hôm nay còn là thầy cô hướng dẫn, huấn luyện các em trên lớp, ngày mai lại là đồng nghiệp của nhau trên mỗi chuyến bay, đóng cửa máy bay là cả một sự gắn kết yêu thương trọn vẹn. Chúng tôi coi nhau như người một nhà, không còn ranh giới giữa thầy và trò nữa nên nghề giáo dạy bay là một nghề có nhiều điều thú vị như thế đó.
Truyền nghề cho các thế hệ tiếp viên đó là một trách nhiệm nhưng chính những điều này làn cho chúng tôi giữ được lửa nghề và lòng đam mê nghề nghiệp. Nhìn các em ngày một xinh đẹp hơn, phong cách hơn, chuyên nghiệp hơn và năng động sáng tạo hơn đó chính là nguồn cảm hứng cho chúng tôi mỗi giờ lên lớp.
Vinh danh các thầy, cô nhân ngày 20/11.
Mỗi năm đến ngày 20/11, ngày tri ân các thầy cô giáo, tôi lại muốn dành tình cảm và lòng biết ơn những người thầy cô trong đời học sinh sinh viên, những thầy cô đã cho chúng tôi biết viết chữ làm văn, làm tính và đặc biệt xin được gửi lời tri ân sâu sắc đến những người thầy “dạy bay” cho tôi khi mới bước vào nghành hàng không, được thầy cô huấn luyện đào tạo trở thành những tiếp viên hàng không chuyên nghiệp để hôm nay đây chúng tôi được đứng trong hàng ngũ của các thầy cô – được trở thành những người “thợ mài ngọc trong đá”, những nhà giáo dạy “bay”, những người chắp cánh giấc mơ bay cho lớp lớp các thế hệ tiếp viên:
Thầy cô chẳng dạy em con tính hay làm văn,
Nhưng thầy cô uốn nắn cho chúng em từng dáng đi, cách đứng,
Dạy cho chúng em biết nói sao cho đúng,
Ứng xử thông minh, khéo léo tài tình,
Dạy cho chúng em biết làm việc hết mình,
Biết yêu thương, biết quan tâm chia sẻ.
Tận tâm, tận tình trên mỗi chuyến bay.
Thầy cô là người chắp cánh giấc mơ bay
Đưa chúng em vào vùng trời mơ ước.
Có thầy cô luôn luôn theo bước
Mỗi chuyến bay đều in bóng dáng thầy cô.