Japan Airlines (JAL)
JAL đang rất tích cực trong việc đặt hàng tàu bay mới, đặc biệt là các tàu bay thân rộng. Các đơn đặt hàng được công bố vào tháng 3/2024 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực vận tải và đội tàu bay quốc tế của hãng. Mục tiêu tiếp theo của JAL là đổi mới đội tàu bay khu vực, bao gồm cả tàu bay phản lực khu vực và tàu bay động cơ tuabin cánh quạt.
Ross Leggett – Phó Tổng Giám đốc Điều hành Phụ trách Tiếp thị Đường bay của JAL cho biết các đơn đặt hàng mới, cùng với số lượng tàu bay chưa được chuyển giao hiện có, sẽ giúp tăng 40% năng lực vận tải quốc tế của tập đoàn (bao gồm cả công ty con Zipair) trong thập kỷ 2030. Đội tàu bay thân rộng quốc tế của JAL sẽ được cơ cấu lại, chỉ còn bao gồm Airbus A350-900 và -1000, và Boeing 787-9 và -10.
Đơn đặt hàng tháng 3/2024 của JAL bao gồm 21 tàu A350-900, 10 tàu 787-9 và 11 tàu A321neos. Việc nhận chuyển giao dự kiến bắt đầu vào năm tài chính 2027. Một số tàu bay 787 có thể sẽ được chuyển giao cho Zipair, mặc dù số lượng cụ thể chưa được quyết định.
Trước đó, JAL đã đặt 13 tàu A350-1000 để thay thế 13 tàu 777-300ER. Đến nay, Hãng đã nhận được 3 tàu bay và dự kiến sẽ nhận thêm tàu thứ tư và năm trong các tháng 6 và 7/2024. Số còn lại sẽ được chuyển giao trong năm tài chính 2025 và 2026.
Đội tàu bay thân hẹp của JAL hiện bao gồm 21 tàu Boeing 737MAX-8 và A321neos, với kế hoạch thay thế tàu 737-800. Thời gian nhận chuyển giao tàu 737MAX-8 hiện vẫn chưa được xác định.
All Nippon Airways (ANA)
ANA đang đánh giá nhu cầu đội tàu bay của mình, có thể dẫn đến việc đặt thêm tàu bay thân rộng và thân hẹp. Ông Shinichi Inoue, Giám đốc Điều hành của ANA, cho biết hãng đang cân nhắc cả Boeing và Airbus cho các đơn đặt hàng tàu bay thân rộng tiếp theo. ANA hiện có 16 tàu Airbus A320neo, 20 tàu Boeing 737-8, 18 tàu Boeing 777-9 và 12 tàu Boeing 787 chưa được chuyển giao. Đội tàu bay thân rộng của ANA chủ yếu là Boeing, ngoại trừ 3 tàu Airbus A380 dùng cho các chuyến bay đến Hawaii.
ANA dự kiến nhận các tàu Boeing 737-8 và 777-9 đầu tiên vào năm tài chính 2025, mặc dù việc nhận chuyển giao có thể bị chậm trễ. Hãng đang xem xét các biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của việc chậm trễ, bao gồm trì hoãn việc nghỉ hưu của tàu bay và gia hạn hợp đồng thuê tàu bay.
Trong tương lai gần, thách thức lớn nhất của ANA là khôi phục khai thác các tàu bay thân hẹp Airbus A320neo, vốn bị tạm dừng do sự cố động cơ. Hãng dự kiến sẽ đưa một nửa số tàu bay này trở lại khai thác vào cuối năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025.
Tình Hình Tài Chính và Tiềm Năng Nhu Cầu Quốc Tế
Cả JAL và ANA đều có sức khỏe tài chính vững chắc trước đại dịch Covid-19 và đã có lãi trở lại sau cuộc khủng hoảng, giúp việc đầu tư vào đội tàu bay trở nên dễ dàng hơn.
Kế hoạch tàu bay thân rộng của cả hai phản ánh niềm tin của 2 tập đoàn về nhu cầu quốc tế sẽ không chỉ phục hồi hoàn toàn mà còn tiếp tục tăng vượt mức trước đại dịch Covid-19. Trước đại dịch, chính phủ và các tập đoàn kỳ vọng nhiều vào tăng trưởng du khách nước ngoài tới Nhật Bản, và có vẻ như sự lạc quan này đã quay trở lại. Bên cạnh đó, JAL cũng nhận thấy sự cần thiết phải nâng cấp đội bay khu vực của mình. Tàu bay động cơ tuabin cánh quạt sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng ở thị trường Nhật Bản, đặc biệt là phục vụ các thị trường đảo nhỏ. Nhu cầu đối với loại tàu bay này thậm chí có thể vượt quá số lượng tàu bay mà hãng đang khai thác.