120 năm qua kể từ chuyến bay đầu tiên của hai anh em người Mỹ Orvilla Wright thực hiện, ngành hàng không đã trải qua một chặng đường phát triển và trở thành một thể thống nhất, là một bộ phận quan trọng trong hạ tầng kinh tế xã hội.
Ngày nay, trong phạm vi toàn thế giới ngành hàng không đã trở thành một phương thức vận tải không thể thiếu trong cuộc sống của con người hiện đại, là chỗ dựa vững chắc về lợi nhuận xã hội, tạo ra ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thành thị ở tất cả các quốc gia trên thế giới, nơi mà nhu cầu đi lại rất cao.
Phát triển của ngành cũng là một xu thế tất yếu của thời đại, là thành quả của những tiến bộ vượt bậc về khoa học, kỹ thuật. Bên cạnh những ưu điểm vượt trội các hoạt động của ngành hàng không cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) ngành hàng không hiện đang gây ra 2% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Dự báo nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ tiếp tục tăng, đồng nghĩa nguy cơ ô nhiễm không khí sẽ cao hơn nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời.
Năng lượng từ những chuyến bay xanh
Trong bối cảnh chung của ngành, VNA cũng không đứng ngoài. Hãng tích cực áp dụng đồng thời nhiều giải pháp để giảm lượng khí thải ra môi trường, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai và Hãng đang nỗ lực trở thành một hãng hàng không xanh.
Từ năm 2015, VNA đã bắt đầu nhận những tàu bay đầu tiên thuộc thế hệ mới bao gồm A350, B787 và A321neo. Động cơ được lựa chọn trên tàu bay mới này đều thỏa mãn tiêu chuẩn về khí thải CAEP 6, giảm 50% khí thải, 16% nhiên liệu và 75% tiếng ồn so với thế hệ cũ.
Từ năm 2019, VNA đã gửi số liệu về phát thải cho Cục hàng không Việt Nam để phục vụ cho chương trình giảm và đền bù carbon đối với các chuyến bay quốc tế.
Đáp ứng mong đợi của hành khách về việc trải nghiệm dịch vụ hàng không thân thiện với môi trường, đồng thời thực hiện cam kết phát triển bền vững Hãng hàng không Quốc gia, ngày 9/6/2019, VNA chính thức tham gia Liên minh chống rác thải nhựa, cam kết và tuyên bố hành động chống rác thải nhựa cùng các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội tại Việt Nam.
Theo đó, một số dụng cụ, vật tư, vật phẩm trên chuyến bay làm từ nhựa dùng một lần và nylon khó phân hủy đã được Hãng chuyển sang sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như cốc giấy, hoặc vật liệu có khả năng phân rã theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường như túi nylon bọc chăn, túi rác của tiếp viên… Trong thời gian tới, VNA tiếp tục nghiên cứu thay thế sang các sản phẩm làm từ nguyên liệu sinh học, có khả năng phân hủy hoàn toàn như giấy, vải không dệt, nylon làm từ bột mỳ, bột ngô.
Cùng với đó, Hãng đã tiến hành loại bỏ túi nylon không cần thiết cho việc bọc các vật dụng trên chuyến bay như bàn chải đánh răng, kính che mắt, tất chân… Các vật dụng bắt buộc phải đóng gói bao nylon sẽ được thay thế bằng túi giấy hoặc nylon thân thiện với môi trường, dần chuyển sang hình thức đóng gói không cần bọc nylon và sử dụng chất liệu dùng được nhiều lần.
Từ năm 2019, VNA đã giảm hơn 60 triệu túi nylon mỗi năm nhờ ngưng sử dụng túi nylon bọc ngoài nhiều vật tư, vật phẩm trên máy bay.
Những “con số biết nói” để VNA hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. (Ảnh: VNA).
Thử thách bay bền vững không chỉ đơn giản là tham gia
Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó ngành hàng không chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Tuy nhiên với giá tri cốt lõi và cam kết của mình, cùng với nguyên tắc “An toàn là số 1”, thì green planet còn là phương châm và hành động để hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai của Hãng.
Trong tháng 5 vừa qua, VNA đã chính thức tham gia “Thử thách chuyến bay bền vững” của Liên minh Hàng không toàn cầu Skyteam, với chuyến bay đầu tiên mang số hiệu VN416 từ Hà Nội đến Seoul (Hàn Quốc). Hoạt động được sự đồng hành, theo dõi của Bộ Tài nguyên Môi trường nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững.
Trong chương trình này, các hãng sẽ cạnh tranh để cho thấy, hãng bay nào có thể vận hành chuyến bay thân thiện với môi trường nhất, có tính phát triển bền vững nhất. Các hãng hàng không được đánh giá trên 14 hạng mục bởi hội đồng giám khảo quốc tế, với các chuyên gia, nhà lãnh đạo đến từ những lĩnh vực liên quan.
VNA tham gia cự ly đường trung bình với chuyến bay VN416 Hà Nội – Seoul ngày 14/5 và cự ly đường dài từ Tp HCM đi Melbourne (Australia) ngày 15/5. Hành khách trên chuyến bay được chào đón đặc biệt với món quà là túi vải và thiệp truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, được sản xuất từ vật liệu thân thiện môi trường.
Với vai trò là hãng hàng không quốc gia, VNA luôn nỗ lực tiên phong đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ về bảo vệ môi trường. Với VNA, thử thách bay bền vững không chỉ đơn giản là tham gia, đó là việc cùng nhau gánh vác trách nhiệm cho tương lai.
Sắp tới đây, VNA sẽ tăng cường thay thế nhiều dụng cụ ẩm thực nhựa bằng dụng cụ chất liệu thân thiện hơn với môi trường. Đáng chú ý nhất là dự kiến từ 1/7, VNA sẽ sử dụng bộ dụng cụ suất ăn bằng sứ mới phục vụ hạng Thương gia. Bộ dụng cụ được sản xuất bằng sứ xương để tăng độ bền, giảm trọng lượng 10% so với bộ sứ cũ, góp phần giảm tải trọng, tiết kiệm nhiên liệu cho tàu bay.
Ước tính việc này giúp VNA giảm tiêu hao 12 tấn nhiên liệu/năm.
Là hãng hàng không, VNA đang nỗ lực góp phần định hình lại tương lai của du lịch hàng không cho các thế hệ sau bằng những hành động cụ thể, nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Ngày Môi trường thế giới 5/6/2022 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Chỉ một Trái đất” (Only One Earth) nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái đất.
Hãy cùng VNA chung tay…
1. Cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm.
2. Cùng liên kết chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự phá hủy hệ sinh thái toàn cầu.
3. Sử dụng nguồn nguyên liệu xanh là góp phần bảo vệ môi trường.
4. Nâng cao chất lượng môi trường kích thích phát triển kinh tế và chống lại đói nghèo.
5. Ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.