Những ngày tháng 8 chìm trong khủng hoảng
Ngày 2/8/2021 – Một trong những ngày không thể nào quên với VNA. Một cột mốc chưa bao giờ có trong chiều dài lịch sử của Hãng hàng không Quốc gia, khi chỉ có duy nhất 1 chuyến bay từ Hà Nội vào TP.Hồ Chí Minh trong ngày. Cột mốc mở đầu cho tháng 8 với tình trạng khủng hoảng lên đến đỉnh điểm của ngành hàng không Việt nói chung và VNA nói riêng.
Cuối tháng 7/2021, dịch bệnh Covid-19 không những đang bùng phát mạnh trên toàn thế giới mà tại Việt Nam, với tốc độ lây lan chóng mặt của biến thể Delta. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, 16+ của Thủ tướng Chính phủ. Điều này trực tiếp dẫn đến những sụt giảm nghiêm trọng của ngành hàng không khi thị trường chở khách nội địa gần như hoàn toàn đóng băng. Trong tháng 8, số lượng chuyến bay chỉ bằng 1/3 so với kế hoạch của năm 2021 và bị thu nhỏ tương ứng 15% so với năm 2019.
Trong giai đoạn này, các chuyến bay của các Hãng hầu hết là những chuyến chở y bác sĩ, cán bộ, vật tư y tế – thuốc gồm vaccine, máy thở, máy lọc máu, bộ xét nghiệm, trang phục bảo hộ… từ Hà Nội vào miền Nam hỗ trợ chống dịch Covid-19.
Trong một bài phỏng vấn với báo CafeF đầu năm 2022, TGĐ Lê Hồng Hà đã từng chia sẻ: “Điều mà tôi cảm thấy không thích nhất là khoảnh khắc bước ra sân bay, nhìn máy bay đỗ đầy trên sân, nhưng chỉ nằm như thế thôi. Thông thường ra sân bay, nhìn thấy nhiều máy bay bao giờ cũng thích, phải không? Thế nhưng những chiếc máy bay mà tôi thấy đều nằm đất. Bạn tưởng tưởng được không? Nhà ga lác đác vài người. Xung quanh chẳng có ai cả, từ nhân viên cho tới hành khách. Đấy là một cảm giác rất xấu, là điều mà tôi không muốn nhớ nhất”.
Trước bối cảnh gần như không có doanh thu từ vận tải hành khách, tàu bay không được khai thác nhưng các hãng hàng không vẫn phải chi trả nhiều chi phí cố định lớn như phí thuê tàu bay, phí bảo trì, bảo dưỡng, phí bãi đỗ… Điều này làm cho VNA cũng như các hãng gặp khó khăn trong việc đảm bảo dòng tiền và khả năng thanh toán. Đặc biệt, VNA là Hãng hàng không Quốc gia có đội tàu bay quy mô lớn nhất, có mạng bay quốc tế, nội địa rộng nhất trong các hãng bay nội địa nên mức độ thiệt hại cũng sẽ nặng hơn rất nhiều.
Giống như Bear Grylls trong “Man vs Wild” – show truyền hình đình đám về sinh tồn, để có thể vượt qua mọi nguy cơ chưa bao giờ gặp phải, VNA phải lựa chọn cho mình những cách làm chưa bao giờ được sử dụng, để rồi sau này, những giải pháp đó trở thành “những bài học sinh tồn” của hãng.
“Những bài học sinh tồn”
Trước thách thức mang tính lịch sử và sống còn, Hội đồng quản trị, Ban Lãnh đạo và toàn thể các cơ quan, đơn vị TCT đã nỗ lực, triển khai quyết liệt tổng thể nhiều giải pháp về điều hành SXKD, cắt giảm chi phí, tái cấu trúc tổ chức, đa dạng hóa doanh thu, tháo gỡ từng bước các khó khăn.
Trước những khó khăn chưa từng có, VNA đã chủ động chuẩn bị, đánh giá, xây dựng nhiều phương án kịch bản sản xuất kinh doanh; triệt để tiết kiệm, cắt giảm chi phí; tìm kiếm cơ hội bổ sung nguồn thu; quản lý chặt chẽ dòng tiền để duy trì thanh khoản và khả năng hoạt động liên tục; đồng thời tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước.
Tận dụng mọi cơ hội tăng doanh thu, VNA đã xây dựng 30 đường bay quốc tế để vận chuyển hàng hoá, thực hiện trung bình 160 chuyến bay chở hàng/tuần tới nhiều nước trên thế giới. Đồng thời, VNA cũng đã hoán cải 9 tàu bay thân rộng, 8 tàu bay thân hẹp vốn dùng để chở khách thành các tàu bay chở hàng bằng cách tháo toàn bộ ghế trên khoang khách, hoặc bọc ghế lại để chất xếp hàng hoá trên khoang khách. Việc này giúp năng lực vận chuyển hàng hóa mỗi loại máy bay tăng lên gấp 1,8 lần so với chở hàng tại khoang bụng. Năm 2021, nhờ đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hoá, doanh thu từ hoạt động này đã đóng góp 48% doanh thu cho công ty mẹ.
Trong thời gian giãn cách, VNA cũng đã nhanh chóng mở rộng hợp tác và ra mắt các sản phẩm mới như sàn thương mại điện tử VNAMALL, VNAMAZING nhằm đón đầu cho giai đoạn sau dịch. Song song đó, VNA thực hiện nhiều giải pháp tự thân để cắt giảm chi phí như tái cơ cấu doanh nghiệp; thu hẹp sản xuất kinh doanh; đàm phán giãn, hoãn các khoản thanh toán…
Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hoà đã từng chia sẻ trong dịp đầu năm 2022 rằng: “Có những nhiệm vụ mà lúc đầu tôi nghĩ là khó hơn cả “dời núi”, như việc đi thương lượng với đối tác nước ngoài về giảm giá thuê máy bay và hủy các hợp đồng thuê đã ký. Nhưng rồi hóa ra là núi cũng dời được. Riêng ở hợp đồng thuê hiện tại, chúng tôi thương lượng được giảm xuống cũng như hủy một số hợp đồng đã ký thuê lên tới cả tỷ đô la Mỹ. Khi mang ý niệm phụng sự vì những điều lớn lao, chúng tôi có động lực và niềm tin rằng mình có thể làm được những việc không tưởng”.
Cùng với các giải pháp tự thân, một trong những bài học sinh tồn vô cùng quan trọng của VNA đó là tiếp tục thể hiện tinh thần phụng sự với vai trò Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. VNA luôn sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Y tế và nhân dân trong công cuộc phòng, chống dịch thông qua hàng trăm chuyến bay vận chuyển nhân lực, vật tư y tế và hàng hóa phục vụ giao thương trong bối cảnh Covid-19.
Ước tính tổng giá trị mà VNA đã và đang góp sức cho chiến dịch phòng, chống dịch của đất nước là khoảng 125 tỷ đồng. Đó là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực của Hãng hàng không Quốc gia nhằm đồng hành cùng đất nước và người dân trong giai đoạn khó khăn của đại dịch.
Hành trình hồi phục thần kỳ
“Năm 2021 là một năm đầy biến động. Hai đợt bùng phát dịch rơi vào đúng hai mùa cao điểm của ngành hàng không. Có những ngày mà không có một chiếc máy bay thương mại nào hoạt động trên bầu trời Việt Nam. Thị trường đóng băng. Doanh thu gần như không có. Nhưng năm 2021 cũng là một năm mà tinh thần và bản lĩnh của người VNA thể hiện rõ nét và là điểm tựa để VNA kiên cường vượt khó, bước vào 2022 với niềm tin phục hồi và phát triển”.
Đó là những chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Và thật vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tròn một năm sau những ngày tháng khó khăn nhất của đại dịch, VNA đang cho thấy những sự trở lại đầy mạnh mẽ trong năm 2022 mà tiêu biểu là 2 dịp cao điểm: Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Hè 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, VNA Group đã vận chuyển được gần 9,5 triệu lượt khách, tăng 24,6% so với kế hoạch đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông năm 2022.
Trong đó, nội địa là hơn 8,9 triệu lượt khách, vượt 25,9% kế hoạch; quốc tế là hơn 550.000 lượt khách, vượt 6,7% kế hoạch. Doanh thu hợp nhất 06 tháng đạt 30.650 tỷ đồng, vượt 35,3% so với kế hoạch.
Những ngày này, mặc dù thị trường quốc tế chưa thực dự trở lại như kỳ vọng, tuy nhiên, với hơn 300 chuyến bay cất cánh mỗi ngày cũng đã minh chứng cho sự hồi phục một cách mạnh mẽ của VNA.
Những thành quả bước đầu đến từ chính sự đoàn kết, nỗ lực của người VNA chủ động thích ứng vượt qua đại dịch, từng bước phục hồi, cùng nhau mang những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất đến cho khách hàng. Đó sẽ trở thành động lực cho tất cả người VNA trên hành trình chinh phục những mục tiêu sắp tới.
365 ngày trôi qua, chúng ta đã thấy được một VNA rất khác, một VNA đang bứt phá mạnh mẽ và hướng đến những hiệu quả mới trong tương lai. Nhìn về quá khứ, với những năm tháng khó khăn và hành trình vượt qua nó giúp chúng ta thêm vững tin trên con đường mình đang lựa chọn. Tự hào khi khoác trên mình bộ đồng phục Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.
Và… “mỗi lần vượt qua một thử thách, là một lần chúng ta thêm trưởng thành”.