Hội nghị có sự tham gia của trên 400 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp ltrong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn, hàng không, lữ hành, cùng một số chuyên gia, nhà báo…
Trước thực trạng du lịch quốc tế chưa thể mở cửa trở lại, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, thị trường nội địa được coi là giải pháp lâu dài cho du lịch Việt trong thời gian tới.
Trong buổi thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong thời gian này, chưa vội mở các đường bay quốc tế đón khách nước ngoài mà cần chú trọng phát triển du lịch nội địa; tập trung kích cầu khách du lịch nội địa, và có những chính sách hiệu quả thu hút du khách lưu trú và dành thời gian trải nghiệm tại địa phương dài ngày nhưng không quên mang đến sự an toàn trong du lịch.
Đồng tình với quan điểm này, Trưởng Ban KHPT Nguyễn Quang Trung đã đại diện VNA phát biểu tham luận với chủ đề “Các thay đổi về nhu cầu thị trường hàng không và du lịch, các giải pháp xúc tiến, kích cầu du lịch sau Covid-19”
Theo đó, bài tham luận đã tập trung đánh giá, nhận định về nhu cầu của hành khách trong việc đi lại và du lịch. Cụ thể, mặc dù còn nhiều khó khăn song dự kiến nhu cầu đi lại và du lịch nội địa trong năm 2021 sẽ phục hồi tương đương mức của năm 2019. Đối với thị trường quốc tế, do tình hình dịch bệnh còn vô cùng phức tạp, theo các đánh giá của các tổ chức quốc tế, thị trường Hàng không quốc tế cần tối thiểu 4 năm để quay lại mức của năm 2019.
VNA cũng trình bày các giải pháp để kích cầu du lịch trong bối cảnh hiện này cùng bài học kinh nghiệm của Hãng hàng không trong hoạt động kích cầu du lịch vừa qua. Đặc biệt, VNA đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị từ góc nhìn của hãng Hàng không Quốc gia để thúc đẩy phát triển du lịch an toàn bền vững.
VNA đã kiến nghị Tổng cục Du lịch chủ trì xây dựng, ban hành các hướng dẫn, quy định về đảm bảo an toàn dịch bênh trong hoạt động du lịch; đồng thời xây dựng chương trình kích cầu du lịch dài hạn, có trọng điểm cho từng giai đoạn. Bên cạnh đó, liên minh kích cầu cần được duy trì dài hạn và có đơn vị theo dõi, điều phối hoạt động để không chỉ phát huy hiệu quả trong khủng hoảng mà cả trong giai đoạn bình thường mới. Cuối cùng, các phương án kiểm soát, đảm bảo an toàn dịch bệnh cần sớm được hoàn thiện để dần mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế.
Với tinh thần nhìn thẳng vào các vấn đề đang tồn tại, nỗ lực quyết tâm giải quyết của toàn ngành, cùng sự quan tâm, chỉ đạo, theo sát hỗ trợ của các cấp, ngành, cơ quan nhà nước hữu quan, VNA tin tưởng ngành hàng không nhất định sẽ vượt qua giai đoạn đầy thử thách này, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu phát triển hàng không bền vững, duy trì hiệu quả tuyến giao thông đường không huyết mạch của cả nước, kết nối kinh tế, giao thương, sản xuất và hoàn thành các nhiệm vụ quốc gia, xã hội.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra một số điểm muốn ngành du lịch, hàng không lưu ý. Đầu tiên là phải tập trung hướng đến chất lượng, đảm bảo chất lượng tốt ở tất cả các phân khúc du lịch. Thứ hai, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là cần phải tái cơ cấu để chủ động hơn về nguồn khách, tập trung nhiều hơn vào du lịch nội địa với thị trường hơn 100 triệu dân, làm sao để người Việt được trải nghiệm những sản phẩm cao cấp mà trước đây dành cho du khách nước ngoài.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt cho Chính phủ kêu gọi các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân cùng tham gia để tạo ra nền tảng số dùng chung cho cả ngành du lịch. Cùng nhau, người Việt Nam sẽ làm được những điều tưởng như không thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận hội nghị.
Vu Hoang Quy – COMM