Forbes xem xét tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn HSX và HNX và sắp xếp theo từng nhóm ngành. Ở vòng sơ loại những công ty đang thua lỗ, hay trong quá trình hủy niêm yết, có quy mô giá trị vốn hóa và doanh thu dưới 500 tỉ đồng, các công ty con có hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào công ty mẹ (đã được xem xét) đều bị loại.
Ở vòng tính toán định lượng, các công ty được chấm điểm theo các tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ sinh lời ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2014 – 2018. Phần tính toán định lượng theo phương pháp của Forbes được sự hỗ trợ của công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC).
Tiếp theo, vòng định tính, Forbes Việt Nam xem xét độc lập mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp: thương hiệu, chất lượng quản trị doanh nghiệp, nguồn gốc lợi nhuận trong quá khứ và triển vọng phát triển bền vững. Các công ty nhiều lần vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin của hai sở giao dịch chứng khoán, có nghi vấn thao túng giá cổ phiếu hoặc có dấu hiệu kém minh bạch sẽ bị loại.
VNA được đánh giá cao về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ sinh lời, thương hiệu và hiệu quả quản trị.
Forbes Việt Nam đánh giá, VNA là một trong hai cái tên đáng chú ý nhất trong giới tân binh trong bảng xếp hạng 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2019.
Ngày 7/5/2019, VNA chính thức chuyển sang niêm yết trên HSX. Giá trị vốn hóa trong ngày giao dịch đầu tiên của hãng đạt gần 2,5 tỷ USD và sau đó giá cổ phiếu giữ xu hướng tăng, đưa VNA nằm trong nhóm các công ty quy mô nhất thị trường chứng khoán xét theo vốn hóa.
Theo Forbes Việt Nam, năm 2018 doanh thu hợp nhất của VNA đạt 97.589 tỉ đồng (giảm trừ), lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.312 tỉ đồng, các con số cao kỷ lục trong lịch sử công ty và nằm trong nhóm các doanh nghiệp lớn nhất xét theo quy mô doanh thu và lợi nhuận tại sàn HSX. Ước tính VNA chiếm 55,3% thị phần vận chuyển hàng không.