Ống hút tre, cỏ thay thế ống hút nhựa một lần
Những ai quan tâm đến lối sống xanh ở Việt Nam hẳn sẽ quen thuộc với chàng nông dân Trần Minh Tiến và những sản phẩm ống hút cỏ bàng và tre được làm thủ công ở Long An.
Rời xa thành phố, chàng cựu thầy giáo công nghệ về quê ở ẩn trong căn nhà đất sét do chính mình xây, giữa khu vườn không hoá chất, thuận tự nhiên và tận dụng những nguyên liệu tự nhiên để thay thế ống hút nhựa. Điều thú vị là những người nông dân xung quanh từng gọi Tiến là Tiến ‘khùng” giờ cũng tham gia trong chuỗi sản xuất của anh. Cuối cùng Tiến cũng không hề đơn độc khi đưa ống hút thiên nhiên đến cộng đồng.
Rổ rá, lồng bàn của làng nghề
Những chiếc rổ hay lồng bàn nhựa có thể tiện lợi hơn nhiều so với những chiếc rổ, rá, lồng bàn từ mây, tre của làng nghề đan lát Bao La (Huế); vậy mà vẫn có những bạn trẻ mạo hiểm khởi nghiệp đầu tư vào làng nghề và biến những sản phẩm đơn thuần thủ công thành những mẫu mã thu hút về kiểu dáng.
Cô gái trẻ Hồng Mỹ, người sáng lập ra Trại Cá là một ví dụ về việc kết hợp với làng nghề tạo nên những thiết kế mang nét thẩm mĩ hiện đại, tinh tế và thân thiện với môi trường. Ước mơ của Mỹ chính là việc gìn giữ các làng nghề truyền thống bằng chính lối sống xanh.
Xà bông thiên nhiên
Những bánh xà bông làm trực tiếp từ nguyên liệu thiên nhiên như dầu olive, dầu dừa kết hợp với bột nghệ, bột trà xanh là một trong những sản phẩm “đắt hàng” của một doanh nghiệp sản xuất đồ thiên nhiên như Papa’s Dreams. Câu chuyện ra đời của Papa’s Dreams càng thú vị hơn khi nó bắt nguồn là món quà của cha sáng tạo và dành tặng cho cô con gái bị mắc bệnh viêm da cơ địa và không thể nào trực tiếp tiếp xúc với hoá chất.
Nếu xà bông của ba xuất phát từ tình yêu dành cho con gái thì xà bông Naturally Clean lại lấy cảm hứng từ những thứ dư thừa hàng ngày quen thuộc như bã café. Lượng bã cà phê của quán ngoài việc để ủ và làm chất dinh dưỡng nuôi cây trồng, thì lượng bã cà phê espresso còn thừa có thể làm xà phòng.
Nước rửa bát từ rau thừa, trái cây hỏng và hoa héo
Nhắc đến dòng nước tẩy rửa tận dụng rác thải hữu cơ thì không thể nhắc đến chị Trịnh Thị Hồng (Đà Nẵng), người đã tạo nên nước rửa chén và lau nhà sinh học từ những nguyên liệu vứt đi ngoài chợ hay từ rác thải của gia đình.
Học hỏi từ cách người Nhật tạo ra sản phẩm từ rác thải hữu cơ, chị Hồng bắt tay vào nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm với bằng sáng chế riêng. Không chỉ phân phối sản phẩm khắp cả nước, chị còn chia sẻ cách làm với những người phụ nữ trong khu dân cư để tự mình có thể làm được sản phẩm sinh học cho gia đình.
Theo Heritage