Safety demo từ góc nhìn của mô hình phân tích tâm lý hành vi

Hàng không phát triển mang lại cơ hội kết nối con người, văn hóa và kinh tế với mạng lưới và tốc độ gia tăng dày đặc. Từ đó cũng phát sinh mối lưu tâm hàng đầu là an ninh an toàn hàng không.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chỉ vài thập kỷ trở lại đây đã ghi nhận con số thương vong đáng kể trong nhiều vụ tai nạn máy bay xảy xa. Điều tra và nghiên cứu chuyên sâu những sự kiện thực tế này cho thấy tỷ lệ người sống sót đã có thể đạt được mức cao hơn (lên tới 70% theo tính toán của tổ chức Asia-Pacific Safety Working Group) nếu truyền thông về an toàn được trang bị rõ ràng và đầy đủ, hành khách đọc safety card hoặc nghe/ xem safety demo một cách chú tâm. Thực tế như sự kiện năm 2007 chiếc máy bay Boeing 737-800 của hãng China Airlines phát cháy cánh trái ngay khi vừa hạ cánh xuống sân bay Okinawa sau chuyến bay xuất phát từ Taipei, đã có những cú nổ lớn và máy bay bốc cháy, nhưng toàn bộ 168 hành khách và 8 người của phi hành đoàn đều đã kịp thoát hiểm an toàn. Điều tra sau sự cố đã chứng tỏ rằng điều kỳ diệu xảy ra, chỉ bởi tất cả những người có mặt trên máy bay đó đã tuân thủ chính xác và chặt chẽ quy trình thoát hiểm.

Hình ảnh chiếc máy bay Boeing 737-800 China Airlines.

Dù luôn ý thức về tầm quan trọng của an toàn trên máy bay nhưng hành khách lại có xu hướng dễ dàng bỏ qua những chỉ dẫn thông tin cụ thể, họ không đặt sự chú ý của mình vào những video hướng dẫn an toàn, phát thanh từ tiếp viên hay thậm chí cũng không hề đọc safety card luôn sẵn có trước ghế ngồi của họ. 

Một nghiên cứu từ Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ (National Transportation Safety Board – NTSB) đưa ra con số đáng quan ngại khi có tới 68% hành khách trong các chuyến bay chưa từng đọc safety card, kể cả trong số ít những người từng đọc, cũng chỉ có 59% cho rằng các thông tin trên đó là hữu ích và ghi nhận chúng. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO xác định 3 yếu tố hàng đầu trong trang bị kiến thức an toàn cho hành khách: thứ nhất là làm thế nào để chuyển tải được thông tin cấp thiết tới hành khách trong tình huống nguy hiểm; thứ hai là thu hút được sự chú ý của hành khách đối với những thông tin hướng dẫn an toàn; thứ ba là đảm bảo mọi hành khách đều đọc safety card.

Thế nhưng, con đường để đạt được tới mục tiêu là cả một khoảng cách dài. Cũng như mọi vấn đề trong nhận thức, trạng thái tiếp nhận thông tin của các hành khách là hoàn toàn tự nguyện. Vậy hình thức truyền tải thông tin phải thế nào mới khiến người xem chủ động ghinhận hiệu quả? Phỏng đoán đơn thuần tất nhiên sẽ là chỉ dẫn an toàn cần phải thật sống động, hấp dẫn và đổi mới. Cụ thể sống động và đổi mới đến mức nào và theo những chiều hướng thông tin nào, thì gần đây trong một nghiên cứu của 04 học giả từ các trường đại học lớn của Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan đã tập trung tìm câu trả lời cho vấn đề này, áp dụng mô hình phân tích Thuyết về hành vi dự định (TPB – Theory of planned behavior).

Kết quả của mô hình TPB về nhận thức của hành khách đối với thông tin an toàn bay.

Nghiên cứu sử dụng một danh sách mẫu hỏi nhằm đo lường các yếu tố tác động lên nhận thức của hành khách đối với vấn đề an toàn cũng như việc tiếp nhận thông tin an toàn bay thông qua Safety demo. Một vài điểm trong kết quả trả về có thể là vấn đề xưa như “sách giáo khoa” nhưng phần còn lại của nghiên cứu này cũng là minh chứng đúng đắn của xu hướng dịch chuyển phong cách xây dựng Safety demo trên thực tế.

Cụ thể, truyền thông an toàn trước chuyến bay cần được đảm bảo 03 yếu tố thông tin bao gồm: quy định và trang thiết bị an toàn bay; hướng dẫn cách sử dụng thiết bị an toàn bay; cuối cùng là các thông tin an toàn bay chung. Tuy nhiên, khía cạnh nội dung lõi này lại không hề là yếu tố trực tiếp tác động đến hiệu quả tiếp nhận thông tin của hành khách. Hai yếu tố tác động mạnh nhất đó là 1- thái độ tiếp nhận thông tin, phần lớn là tác động khách quan, sẽ chỉ hiệu quả nếu hình thức thể hiện safety demo thực sự sinh động và hấp dẫn thị giác hành khách và 2- áp đặt chủ quan của hành khách ý thức rằng họ buộc phải ghi nhận loại thông tin này bởi chúng vô cùng quan trọng. Ngoài 02 lực mạnh nhất kể trên, chủ quan xã hội (ví dụ: mọi người chú ý xem, tôi cũng nên như thế) cũng có ảnh hưởng nhưng chỉ ở một mức độ rất nhỏ. 

Với kết quả của nghiên cứu này nên là một sự thức tỉnh lớn đối với các hãng hàng không nói riêng và các hiệp hội hàng không dân dụng nói chung, rằng quý vị chỉ có hai con đường sáng lạng nhất để đảm bảo có thể trang bị được kiến thức an toàn cho hành khách, đó là hoặc bằng cách nào đó áp đặt khiến mọi hành khách đều chủ động ghi nhận những thông tin an toàn bay quan trọng với họ đến nhường nào và họ tự nguyện xem bằng hết; hoặc khiến chúng thật hấp dẫn như một bộ phim đặc sắc cuối tuần và hành khách cũng tự nguyện xem bằng hết. Tất nhiên nếu lựa chọn một trong hai, thì con đường thứ hai vẫn còn mang tính thực tếvà khả thi hơn nhiều so với lối đi đầu tiên.

Hơn thế, một sản phẩm sinh động lôi cuốn dù ban đầu chỉ có mục đích phục vụ truyền tải thông tin an toàn bay, nhưng khi nó hấp dẫn được người xem thì bỗng nhiên cũng sẽ trở thành công cụ marketing thu hút khách hàng mới, một mũi tên trúng nhiều đích.

Các hình thức truyền tải thông điệp mới mẻ trong Safety demo của các hãng HK trên thế giới.

Mở rộng góc nhìn ra từ mô hình phân tích, 04 học giả cũng lấy những dẫn chứng trên thực tế về các hiện tượng biến Safety demo thành một đoạn phim lôi cuốn như Air New Zealand hay Virgin Atlantic Airlines, thậm chí đưa ra những gợi ý cụ thể rằng các hãng hàng không nên thêm vào các nhân vật nổi tiếng của công chúng hay cách thể hiện bắt mắt. 

Cách tiếp cận Safety demo vừa được các học giả thừa nhận lại vừa được các hãng hàng không áp dụng trên thực tế, chắc chắn là một con đường xứng đáng để đi theo.

Nguồn: “Air passenger’s perception towards pre-flight safety briefing videos: Does it matter?” bởi Chia-Chen Lee, Stephen W. Wang, Maxwell K.Hsu, Shin-Ming Jan công bố ngày 30/07/2018 trên Journal of Air Transport Management.

Heritage lược dịch

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.