“Quán thanh xuân” tháng 8 – Nơi “sống dậy” những miền ký ức bầu trời

Xuất hiện tại chương trình “Quán thanh xuân” tháng 8, ông Phạm Huy Vận – Nguyên đoàn phó Đoàn bay 919 và Tiếp viên trưởng – Phạm Minh Hiền, cùng các vị khách mời của chương trình đã làm “sống dậy” những miền ký ức bầu trời, từ những cánh bay giữa nơi bom rơi đạn lạc tới những chuyến bay yên ả trên bầu trời hòa bình…

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Được dẫn dắt bởi hai MC quen thuộc, MC Diễm Quỳnh và MC Anh Tuấn, “Ký ức bầu trời” gợi lại miền ký ức vừa gần gũi, vừa mênh mông. Bầu trời thời chiến tranh là nỗi sợ hãi khi máy bay địch xuất hiện, bầu trời khi hòa bình là bầu trời của những ước mơ. Quán thanh xuân tháng 8 không chỉ là những lời tâm sự về kỷ niệm về bầu trời, về những chuyến bay, về những lần đầu tiên khi chúng ta được đến gần hơn với bầu trời mà còn mang theo bao ước mơ, khát khao được gửi gắm, để từ đó biết yêu hơn bầu trời tự do, bầu trời quê hương. 

Chương trình, cùng sự tham gia của nhóm khách mời là anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân; nhà thơ, nhà báo Trần Hữu Việt; NSND Lê Khanh và đặc biệt là hai khách mời từ VNA: ông Phạm Huy Vận, nguyên Đoàn phó Đoàn bay 919 và Tiếp viên trưởng Phạm Minh Hiền.

alt text
Các khách mời tham gia chương trình “Quán thanh xuân: Ký ức bầu trời”. (Ảnh chụp màn hình).

Ký ức gìn giữ bầu trời hòa bình cho đất nước

Ngay từ những phút đầu tiên của chương trình, lời hát của các bạn nhỏ đã gợi lại cho người xem những kỉ niệm gần gũi, thân thuộc của thế hệ 5x – 6x. 

“Anh phi công ơi anh bay trên trời 

Anh nghiêng đôi cánh bóng như gương soi 

Anh vòng anh liệng bay trên xa vời 

Anh vòng anh liệng giữ yên bầu trời”

Đó là những ngày đầy nắng, các cô bé cậu bé mới lớn chạy nhảy trên đồng, nhặt những sợi thiếc màu trắng về chơi mà không biết đó là nhiễu máy bay do Mỹ thả để che mắt hệ thống phòng không của Việt Nam, khi bay vào ném bom Hà Nội. Đó là tiếng máy bay địch rít trên bầu trời, tiếng loa phát thanh thúc giục: “đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch đang cách chúng ta 5km…”. Là khi những chuyến bay của cha, anh chúng ta mang theo sứ mệnh của lịch sử để gìn giữ hòa bình cho đất nước. Là câu chuyện về những chiếc hộp sắt – tài sản duy nhất được các chiến sỹ không quân mang theo bên mình để đựng những thứ tư trang quý giá nhất, như kỷ vật của gia đình hay những bức thư của người yêu nơi xa. Để rồi, nếu chẳng may người lính ấy hi sinh, thứ còn lại được trao về cho người thân nhân ở quê nhà là những chiếc hộp sắt ấy. 

Tất cả những kỷ niệm đặc biệt ngày nào đều được các vị khách mời của chương trình chia sẻ một cách xúc động và gần gũi.

alt text
Lời hát của các ca sĩ khách mời đã gợi lại cho người xem những kỉ niệm gần gũi. (Ảnh: VTV).

Ký ức về buổi bình minh của Hàng không dân dụng

Ra đời trong những năm tháng chiến tranh hào hùng ấy, những cánh bay của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam đã mang theo niềm tin và sự hy vọng của biết bao thế hệ cha ông trong gìn giữ và phát triển đất nước. Đoạn phim phóng sự ngắn kể về quá trình ra đời và phát triển không ngừng, từ quy mô nhỏ đến lớn, từ rất thô sơ đến khi hiện đại của ngành Hàng không dân dụng đã giúp người xem có cái nhìn rõ nét hơn về lịch sử của ngành hàng không Việt Nam. Đặc biệt là chia sẻ của phi công Trần Xuân Mùi – Nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý bay và phi công Đỗ Thanh Hồng – thế hệ phi công đầu tiên của nước ta, đã mang tới những thông tin thú vị.

Cũng tại chương trình, ông Phạm Huy Vận – Nguyên Đoàn phó Đoàn bay 919 đã ôn lại về những ngày đầu tiên của Hãng hàng không Quốc gia: “Tháng 1/1956, 5 chiếc máy bay sơn cờ Việt Nam lần lượt hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm. Đó là máy bay do Trung Quốc viện trợ, và được phi công của Trung Quốc lái. Tới tháng 2 chúng ta mới chọn được 2 phi công đưa sang Trung Quốc để học lái. Tháng 4/1956, chúng ta tuyển thêm được  22 phi công đưa sang Nga học. Đoàn thứ 3 được cử sang Tiệp học lái có 8 người. Tới ngày 1/5/1959, Trung đoàn Không quân Vận tải 919 chính thức được thành lập, và sau này được đổi tên là Đoàn bay 919, thuộc Hãng hàng không Quốc gia. Song song, chúng ta cũng xây dựng Trường hàng không Cát Bi để đào tạo đội ngũ phi công, tự chủ về nhân sự. Từ đó tới nay, chúng tôi đã tham gia vào rất nhiều nhiệm vụ của Tổ quốc, từ chiến đấu, tham gia giải phóng miền nam, thống nhất tổ quốc cho tới nhiệm vụ làm kinh tế, phát triển đất nước.

Khi đất nước lập lại hòa bình, từ một người lái quân sự, anh em phi công chúng tôi chuyển sang lái dân sự, trang phục đơn sơ, được may từ vải bọc máy bay, trang bị kỹ thuật thiếu thốn. Đồ để phục vụ hành khách chỉ có 1 cái hộp bằng tôn, bên trong đựng kẹo bánh, hoa quả. Nước chè thì đựng trong những chiếc can nhựa, mà hành khách còn tưởng nhầm là nước mắm”.

Theo dòng câu chuyện, Tiếp viên trưởng Phạm Minh Hiền không quên được những buổi đầu thi tuyển và gia nhập vào hàng ngũ “chiêu đãi viên hàng không” (sau này đổi lại là tiếp viên hàng không) của Hãng hàng không Quốc gia. 

“Chuyến bay đầu tiên của tôi là đi Hà Nội – Đà Nẵng. Nhớ ngày ấy, vì mới hội nhập nên các chuyến bay bắt đầu nâng cấp chất lượng dịch vụ, khách được phục vụ đồ ăn rất nhiều, từ bánh mì thịt nguội đến nước ngọt, bia … vì quá nhiều, nên khi máy bay sắp hạ cánh mà khách vẫn chưa ăn xong. Cơ trưởng, Cơ phó giục chúng tôi ra thu đồ ăn để chuẩn bị hạ cánh. Chúng tôi rất nhanh thu đồ ăn, rất may là thu xong máy bay cũng vừa đúng giờ hạ cánh. Ngày ấy chưa có kinh nghiệm, lúng túng quá, tôi còn nước mắt ngắn nước mắt dài vì lo lắng”.

Từ những chia sẻ của chị Hiền, các vị khách mời và MC đã hồi tưởng lại về lần đầu đi máy bay đầy thú vị của họ.

Tự hào bầu trời Tổ quốc

Một câu chuyện vô cùng thú vị về ngành Hàng không dân dụng nói chung và Hãng hàng không Quốc gia nói riêng, cũng được chia sẻ lại trong chương trình Quán thanh xuân, đó là câu chuyện về “kỳ tích FIR Việt Nam” (FIR – Flight Information Region, tức là vùng thông tin chuyến bay, là khu vực quản lý, quản chế bầu trời).

Qua lời kể của ông Phạm Huy Vận, thuở còn chưa giải phóng, khu vực kiểm soát không lưu của nước ta được giao cho Air Sài Gòn. Giải phóng xong, đội ngũ đã từng làm việc tại bộ phận này đều bỏ việc, trong khi đó trang thiết bị hỏng hóc. Nếu FIR bị bỏ ngỏ sẽ vô cùng nguy hiểm, các máy bay bay qua khu vực của ta mà không có ai quản lý và chỉ huy sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Vì vậy, Hàng không Dân dụng Quốc tế đã tạm giao khu vực không lưu phía Bắc nước ta cho Hồng Kông quản lý, phía Trung giao cho Băngkok quản lý, còn phía nam giao cho Singapore. 

alt text
Ông Phạm Huy Vận Nguyên Đoàn phó Đoàn bay 919 đã ôn lại về “kỳ tích FIR Việt Nam”. (Ảnh: VTV).

Ông vẫn còn nhớ, có những chuyến bay đi Philipine, cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ vừa qua 12 hải lý, ra tới Phan Thiết, các chú đã không được phép nhận chỉ huy của hàng không Việt Nam nữa mà phải chuyển sóng sang Bangkok chỉ huy. Ra tới Philipine thì lại chuyển sóng sóng từ Bangkok cho Philipine điều khiển để hạ cánh. Khi bay từ từ Philipne về thì lại do  Bangkok chỉ huy, về gần tới Tân Sơn Nhất mới được chuyển về cho Hàng không Việt Nam. Việc mất điều khiển không lưu này còn khiến nước ta thất thu hàng triệu đô la tiền phí quản lý. Nhưng sau những nỗ lực và đấu tranh quyết liệt của Bộ Ngoại giao và Cục hàng không Dân dụng Việt Nam, tới ngày 8/12/1994, chính thức FIR được trao trở lại cho Việt Nam, khẳng định chủ quyền trên không của nước ta cũng như khẳng định sự trưởng thành về trình độ và năng lực chuyên môn của Cục hàng không dân dụng Việt Nam. 

alt text
Trung tướng Phạm Tuân. (Ảnh: VTV).

Đó là niềm tự hào của không chỉ riêng những người làm trong ngành hàng không, mà còn là sự tự hào chung của cả đất nước. 

Góp thêm vào niềm tự hào bầu trời là chia sẻ của Trung tướng Phạm Tuân, ngư Việt Nam đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, mang theo Di chúc Bác Hồ, Tuyên ngôn độc lập, Cờ Tổ quốc và Ảnh Tổng bí thư Lê Duẩn, chứng minh Việt Nam tuy là một quốc gia có diện tích khiêm tốn nhưng không hề nhỏ bé trong nỗ lực để khẳng định mình với bạn bè năm châu.

Tình yêu và trách nhiệm với bầu trời

Cũng tại chương trình, khán giả được gặp gỡ với một gia đình có 7 người theo nghề bay, đó là gia đình Thượng tướng Võ Văn Tuấn, trong đó có ông, em trai, con trai và con dâu đều là những phi công và có một tình yêu bao la với bầu trời. Hay như chính nguyên Đoàn phó Đoàn bay – Phạm Huy Vận cũng có con trai là phi công máy bay B787 của VNA. Cả hai vợ chồng chị Hiền cũng đều là đồng nghiệp của nhau. Và còn rất nhiều những gia đình khác, có truyền thống tiếp nối những cánh bay của Hãng hàng không Quốc gia và lan tỏa tình yêu dành cho bầu trời.

alt text
Tiếp viên trưởng Phạm Minh Hiền, chị vẫn không quên được ký ức về chuyến bay đưa đồng bào Việt Nam từ Cuba về nước. (Ảnh: VTV).

Tuy nhiên, như lời ông Phạm Huy Vận khẳng định, tại VNA, các phi công luôn giữ vững phương châm: “Sức khỏe không tốt – không bay, kỹ thuật không tốt – không bay, tư tưởng không tốt – không bay”. Đó là cách mà các phi công thể hiện tình yêu cũng như trách nhiệm của mình đối với hành khách và bầu trời. Bởi nghề phi công, tiếp viên hàng không đều là những nghề đầy áp lực, đòi hỏi tinh thần kỷ luật được đưa lên cao nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, những chuyến bay chuyên chở hành khách phải luôn đảm bảo an toàn cao nhất. 

Khép lại chương trình, những lời phát thanh thân quen vang lên, “Thưa quý khách, máy bay của chúng ta vừa hạ cánh xuống sân bay S16, quý khách lưu ý tránh làm rơi và bỏ quên hành lý. Thay mặt hãng hàng không Thanh Xuân, Cơ trưởng Diễm Quỳnh, Tiếp viên trưởng Anh Tuấn cùng phi hành đoàn trên chuyến bay xin chân thành cảm ơn quý khách đã bay cùng Quán Thanh Xuân. Chúng tôi hy vong sẽ được đón tiếp quý khách trên những chuyến bay tới, xin cảm ơn và hẹn gặp lại”.

alt text
“Quán thanh xuân: Ký ức bầu trời” tháng 8 đã khép lại trên “chuyến bay” đặc biệt. (Ảnh: chụp màn hình).

“Ký ức bầu trời” tháng 8 đã khép lại, mỗi thành viên trên “chuyến bay” đặc biệt đều mong muốn gửi đi những lời chúc, mong sao dịch Covid-19 sớm qua đi để những “chú chim sắt” lại tiếp tục được sải cánh trên bầu trời và phục vụ hành khách. Đồng thời, ước mong cho Hãng hàng không Quốc gia nói riêng và Ngành Hàng không Dân dụng Việt Nam nói chung sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn trong tương lai.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.