Du lịch mở cửa, hàng không bứt phá
Từ 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa du lịch đón khách quốc tế. Đây được xem là cơ hội vàng để phục hồi hàng không. VNA đã và đang làm gì để đón đầu cơ hội này, thưa ông?
Việc Chính phủ quyết định mở lại các đường bay quốc tế từ ngày 15/2 và mở lại toàn bộ du lịch từ 15/3 thực sự có ý nghĩa quyết định cho sự phục hồi của hàng không Việt Nam. Đây được coi là tiền đề quan trọng để ngành Hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hoá hoàn toàn các hoạt động của mình, và không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới có đường bay đi/đến Việt Nam.
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn về phòng chống dịch Covid-19 với người nhập cảnh. Theo đó, người nhập cảnh không phải cách ly, trẻ dưới 2 tuổi nhập cảnh không phải xét nghiệm.
Rõ ràng, cánh cửa du lịch đón khách quốc tế đã rộng mở. Bản thân VNA cũng đã có một thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó về mọi mặt, để đón đầu cơ hội ngay khi mở cửa. Thực tế là, chỉ một ngày sau khi chính thức mở cửa du lịch quốc tế, VNA đã khai thác thành công chuyến bay “bình thường mới” đầu tiên giữa Việt Nam và Singapore vào ngày 16/3/2022, với 130 khách, thông qua hành lang đi lại dành cho người đã tiêm vaccine.
Và ngay cả trước đó, mặc dù có hạn chế về tần suất nhưng từ tháng 1/2022, VNA cũng đã triển khai khai thác các đường bay thương mại thường lệ chở khách vào Việt Nam từ các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, châu Âu và Úc.
Như vậy, sau mốc 15/3, mạng bay quốc tế của VNA sẽ mở rộng như thế nào, thưa ông?
Trong kế hoạch khôi phục lại đường bay quốc tế, từ 1/6/2022, VNA mở rộng khai thác thêm các đường bay du lịch đến Singapore (Đà Nẵng – Singapore 3 chuyến/tuần, Phú Quốc – Singapore và Nha Trang – Singapore 2 chuyến/tuần). Đồng thời, tăng tần suất đường bay Hà Nội – Singapore lên 4 chuyến/tuần và TP.HCM – Singapore lên 3 chuyến/ngày để đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Từ giữa tháng 5/2022, VNA cũng đã khôi phục và tăng tần suất các chuyến bay trên đường bay đến Nhật Bản và Hàn Quốc như Hà Nội – Incheon, Đà Nẵng – Incheon.
Đến tháng 7/2022, VNA tiếp tục khôi phục khai thác đến thị trường Indonesia (3 chuyến/tuần) và các đường bay du lịch đến Nha Trang từ các thị trường lớn như Hàn Quốc, nâng tổng số chuyến bay quốc tế lên hơn 180 chuyến/tuần.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc mở lại mạng bay quốc tế đòi hỏi hàng không và du lịch phải song hành vào nhau. Với VNA thì sao?
Không chỉ riêng hàng không, du lịch có đóng góp rất lớn cho sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Đó cũng là lý do mà Chính phủ cũng như các Bộ, Ban, ngành đều tạo điều kiện cho việc sớm nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ để phát triển du lịch, khai thông, tạo động lực phát triển kinh tế.
Riêng với VNA, trong thời gian qua, chúng ta đã bắt tay cùng nhiều đối tác lớn trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, nhà hàng như Vin Group, Sun Group, Tập đoàn Thiên Minh… để phát triển sự kết nối liền mạch trong toàn bộ hành trình của khách hàng, nhằm gia tăng quyền lợi cùng tiện ích cho khách hàng.
Đặc biệt, với sàn thương mại điện tử VNAmazing, chúng ta đã đưa toàn bộ sản phẩm du lịch trọn gói của VNA cùng với các đối tác đến với khách hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện qua nền tảng online. Khách hàng có thể dễ dàng đặt các tour du lịch hấp dẫn với giá hợp lý ngay trên chiếc điện thoại của mình.
Ngoài ra, VNA cũng luôn nỗ lực để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Từ nhiều năm nay, trong vai trò là Hãng hàng không Quốc gia, VNA luôn chủ động đi đầu, dẫn dắt trong các hoạt động phát triển du lịch. Đồng thời, tập trung quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch, con người Việt Nam đến với du khách quốc tế thông qua các chiến dịch quảng bá Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới.
VNA đã luôn đồng hành cùng Tổng cục Du lịch và các công ty du lịch trong các sự kiện, hội chợ, roadshow để tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam, từ đó tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển của ngành du lịch.
Đảm bảo an toàn, gia tăng trải nghiệm
Sau hai năm gần như đóng băng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, sự bùng nổ trở lại của du lịch sẽ là cơ hội vàng cho hàng không phục hồi, nhưng chắc hẳn sẽ có không ít thách thức, theo ông đó là gì?
Với việc mở cửa bay quốc tế và nới lỏng các quy định về phòng chống dịch với hành khách, đây sẽ là cơ hội vàng cho hàng không phục hồi. Tuy nhiên, càng rộng cửa thì mức độ đảm bảo an toàn càng phải đẩy lên tối đa. Đó là một thách thức không hề nhỏ cho các hãng hàng không.
Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 đã mở rộng yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn trong ngành hàng không, du lịch. Không còn chỉ là an toàn khai thác mà còn cần phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thông tin cá nhân… Và VNA luôn nỗ lực để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.
Bên cạnh công tác phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế, công tác vệ sinh khử khuẩn, tàu bay, hiện nay, VNA đã ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để xây dựng quy trình trải nghiệm dịch vụ “không điểm chạm”. Chúng ta có dịch vụ tự làm thủ tục, không chạm, tự động hóa. Khách hàng có thể chủ động hoàn tất các thủ tục trực tuyến trên website, trên ứng dụng di động hay tại kiosk mà không cần phải tiếp xúc với bất kỳ ai. Chúng ta có các thiết bị giải trí trên máy bay như báo chí, phim ảnh phát và sử dụng trên thiết bị cá nhân của khách hàng…
Tất cả các tiện ích này không chỉ giúp rút ngắn thời gian, giảm thiểu tiếp xúc cho hành khách mà còn mang tới những trải nghiệm vượt trội, hướng đến chất lượng dịch vụ 5 sao của VNA.
Ngoài việc tối ưu công nghệ để đảm bảo an toàn, Covid-19 cũng đặt ra cho ngành hàng không bài toán lớn về sự thích ứng trước sự thay đổi và biến động của thị trường. VNA đã giải bài toán này như thế nào trong hai năm vừa qua, và áp dụng bài học đó như thế nào cho giai đoạn sắp tới?
Không riêng gì VNA, hai năm vừa qua là hai năm khó khăn chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không nói chung. Thích ứng và linh hoạt trở thành hai từ khóa quan trọng quyết định sự tồn tại của VNA. Thích ứng trước sự thay đổi “chóng mặt” của dịch bệnh, của thị trường. Linh hoạt để tìm kiếm giải pháp mới, hướng đi mới, sản phẩm mới để duy trì SXKD, để hạn chế chi phí, tăng doanh thu…
Trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, VNA luôn chủ động đưa ra những dự báo sớm và chính xác về nhu cầu của thị trường; xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng thích ứng nhanh với tình hình thực tế, để không bỏ lỡ cơ hội đưa ngành hàng không, du lịch phục hồi và phát triển nhanh chóng. VNA cũng nỗ lực để có thể đa dạng thị trường, mạng đường bay nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đảm bảo tính thích ứng nhanh với những thay đổi bất ngờ của thị trường.
Và những bài học của hai năm vừa qua sẽ là kinh nghiệm quý báu để VNA nắm bắt thời cơ, tăng tốc, phục hồi trong giai đoạn hiện tại và sắp tới.
Cảm ơn ông!