Theo báo cáo từ Ban DVHK, trong những năm trước đây hệ thống luôn nhận được phản ánh từ khách hàng về hiện tượng nhiệt độ trong khoang khách khá nóng trước lúc bay. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan. Yếu tố phải kể đến đầu tiên là thời điểm hiện tại đang bước vào giai đoạn cao điểm nắng nóng mùa hè. Nhiệt độ ngoài đường băng thường xuyên lên tới 50–60 độ C khiến cho tàu bay bị “hun” nóng rất nhanh. Bên cạnh đó, công tác triển khai làm mát của VNA đôi lúc chưa kịp thời khiến bầu không khí trong khoang thỉnh thoảng vẫn còn nóng, bí bách tại thời điểm hành khách đã ở trên máy bay.
Nhiệt độ ngoài đường băng thường xuyên lên tới 50 độ C khiến cho tàu bay bị “hun” nóng rất nhanh. (Ảnh: TTTH).
Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cảm giác nóng bức của hành khách chính là sự chênh lệch nhiệt độ tại phòng chờ và trong khoang máy bay. Cụ thể, nhiệt độ trung bình tại các phòng chờ thường dao động trong khoảng 15-20 độ C, còn với khoang máy bay là 25-30 độ C. Chính điều này khiến cho hành khách vẫn cảm thấy nóng dù hệ thống làm mát đã đảm bảo nhiệt độ trên khoang đúng theo tiêu chuẩn quy định.
Để giảm bớt sự chênh lệch này, VNA cần có sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống từ Khối Kỹ thuật, Khối Dịch vụ và Khai thác bay.
Trên thực tế, việc làm mát tàu bay sớm đã được triển khai ở sân bay Tân Sơn Nhất. Sân bay Nội Bài tuy được triển khai muộn hơn nhưng cũng đang hoàn thành để đem lại cảm giác thoải mái cho hành khách trong đợt nắng nóng gay gắt này.
Các khối, đơn vị để bố trí việc làm mát cho tàu bay trước 2 giờ khi nhiệt độ ngoài trời đạt mức từ 38 độ C trở lên. (Ảnh: St).
Chung tay vì mục tiêu chung
Công tác triển khai làm mát trên khoang hành khách cần sự phối hợp chặt chẽ của hầu hết các đơn vị của của VNA. TCT đã yêu cầu VAECO và các bộ phận bảo dưỡng ngoại trường bố trí nhân viên kỹ thuật ra tàu bay trước 1 giờ để mở cửa thông thoáng tàu bay, nổ APU bật điều hòa làm mát (đối với các tàu fre-flight hoặc tàu có thời gian T/X dài 3 – 4 giờ).
Đồng thời, VAECO cũng sẽ giảm thời gian sửa chữa bảo dưỡng ngay các tàu có hỏng hóc APU, PACK và giảm tần suất bảo dưỡng hệ thống PACK. Điều này kết hợp với việc vệ sinh các hệ thống làm lạnh giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết bị và phù hợp với môi trường thời tiết Việt Nam (bụi, nóng, ẩm).
Ở khối dịch vụ, VIAGS sẽ làm mát tàu bằng xe cấp khí lạnh trong trường hợp APU hỏng hoặc không đáp ứng đủ công suất do nhiệt độ quá cao. Bên cạnh đó, đơn vị cùng phối hợp với ĐTV thực hiện giải pháp kiểm soát nhiệt độ tàu bay trước khi boarding. Ngoài ra, khối khai thác sẽ phối hợp với các khối, đơn vị khác để bố trí việc làm mát cho tàu bay trước 2 giờ khi nhiệt độ ngoài trời đạt mức từ 38 độ C trở lên.
Để tiến tới tiêu chuẩn 5 sao, việc đảm bảo sự hài lòng của khách hàng khi sử dụng bất kỳ dịch vụ nào là điều hoàn toàn cần thiết. (Ảnh: St).
Tiết kiệm từng phút trong thao tác
Một lưu ý quan trọng được lãnh đạo TCT nhấn mạnh tới các khối, đơn vị, bộ phận là việc chuẩn bị chu đáo từ khâu kế hoạch đến triển khai trang thiết bị, máy móc và vận hành. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người với thái độ làm việc vì hành khách của mỗi thành viên VNA.
Thử thách lớn nhất trong công tác làm mát khoang hành khách chính là vấn đề thời gian. Do đó, các bộ phận cần có sự phối hợp ăn ý để những thao tác được triển khai nhanh gọn và chính xác nhất, bởi mỗi phút chúng ta tiết kiệm được, sẽ góp thêm một phần sự hài lòng của hành khách.
Để tiến tới tiêu chuẩn 5 sao, việc đảm bảo sự hài lòng của khách hàng khi sử dụng bất kỳ dịch vụ nào là điều hoàn toàn cần thiết. Trong đó, công tác làm mát khoang hành khách chính là một trong chuỗi các cải tiến, đổi mới không ngừng mà VNA đang thực hiện qua mỗi lần cất cánh. VNA hy vọng, từng chuyến bay sẽ không chỉ là phương tiện vận chuyển tới những miền đất lạ mà còn là sự khởi đầu cho những trải nghiệm trọn vẹn khi hành khách lựa chọn Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.