Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN, đánh giá lịch sử hàng không VN còn non trẻ nhưng 10 năm qua hàng không VN đã có bước tăng trưởng nóng hai con số. Năm 2008, cả nước có 60 chiếc máy bay thì năm 2018, số lượng máy bay tăng lên 193 chiếc. Những năm gần đây ngành hàng không có sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực vận chuyển hành khách, hàng hóa, dịch vụ, hạ tầng khiến bức tranh hàng không VN sống động.
Theo thống kê, năm 2012, sản lượng khách quốc tế thông qua các cảng hàng không đạt 37 triệu khách. Tuy nhiên, theo dự báo đến năm 2019, lượng khách qua 22 cảng hàng không cả nước vượt 112 triệu khách.
Đồng thời, mạng bay của các hãng hàng không trong nước đã mở rộng nhanh với sự tham gia của các hãng: VNA, JPA,… Hiện các hãng trong nước và 71 hãng nước ngoài đang khai thác 140 đường bay, kết nối VN tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Hảo cho rằng có được sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng không là do chính sách đổi mới phát triển đất nước. Hiện dư địa phát triển của hàng không nước ta còn khá lớn do dân số đông, thu nhập cải thiện.
Trong 10 năm, hàng không Việt đã tăng trưởng nóng hai con số.
“Dù phát triển nóng nhưng cạnh tranh trong ngành đòi hỏi đặt sự an toàn lên hàng đầu. Trong đó, vai trò của nhà chức trách hàng không là quản lý sự an toàn cho khách hàng; cạnh tranh lành mạnh trong cộng đồng; hài hòa lợi ích doanh nghiệp, lợi ích địa phương và chất lượng phục vụ hành khách” – ông Hảo nói.
Theo ông Đỗ Đức Tú, đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị (Bộ KH&ĐT), hàng không phát triển nóng không chỉ cung cấp dịch vụ, phương tiện vận chuyển mà còn kéo theo một số hệ lụy do tăng trưởng nhanh nên hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển.
Ông Tú cho biết sân bay Tân Sơn Nhất được cảnh báo quá tải từ ba năm trước về tình trạng kẹt cả trên trời lẫn dưới đất, kẹt bên trong và ngoài sân bay nên Chính phủ đã điều chỉnh quy hoạch để nâng công suất lên 50 triệu khách.
Nói thêm về tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không VN, nhìn nhận việc mở rộng nhà ga T3 đòi hỏi sự đồng bộ cả bên trong sân bay kết nối giao thông ra bên ngoài mới giải quyết được vấn đề quá tải. Trong đó bao gồm hệ thống đường cất/hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và trục kết nối hệ thống giao thông ngoài sân bay.
Ông Thanh phân tích: Cảng hàng không thuộc kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia. Theo đó, Nhà nước cần minh định cảng nào thuộc phạm vi Nhà nước đầu tư, cảng nào kêu gọi xã hội hóa. Vì thực tế, không phải cảng hàng không nào cũng đem lại hiệu quả kinh tế. Nhưng nhiệm vụ đảm bảo sự phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương thì cần hài hòa lợi ích doanh nghiệp, Nhà nước và cộng đồng. Trong đó, cần lưu tâm đầu tư kết cấu hạ tầng đi liền với thương mại vì hàng không có đặc thù riêng.
Theo: Báo Pháp Luật