Tổng quan về hợp tác, Trưởng Ban Trung, hợp tác có vai trò quan trọng khi nhu cầu đi lại của hành khách ngày càng đa dạng và liên tục tăng trưởng. Không một hãng hàng không đơn lẻ nào có thể đáp ứng hết nhu cầu này. Bên cạnh đó, Cạnh tranh gia tăng, rào cản pháp lý/thương mại, nguồn lực hạn chế làm giảm hiệu quả khai thác của các hãng hàng không. Hợp tác trong Lĩnh vực thương mại (khách/ hàng hóa) giúp: Mở rộng mạng bay, giữ vững thị phần; Giảm cạnh tranh đối đầu trực tiếp; Phát triển thương hiệu và hiện diện hình ảnh; Nâng cao hiệu quả khai thác đường bay. Trong Lĩnh vực khác (kỹ thuật, bảo dưỡng, dịch vụ…) giúp gia tăng doanh thu, cắt giảm chi phí và chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm.
Trưởng Ban KHPT Nguyễn Quang Trung thuyết trình chủ đề “Chiến lược hợp tác của VNA”. (Ảnh: Vũ Tuấn).
Trưởng Ban Trung chia sẻ về các hình thức hợp tác thương mại hiện nay, bao gồm Hợp đồng liên vận/Interline – hình thức hợp tác sơ khai và phổ biến nhất, trong đó hãng hợp tác được xuất vé trên chặng bay hãng khác và được chấp nhận chuyên chở; Hợp tác liên danh – hình thức hợp tác mà hãng chuyên chở vận chuyển khách của hãng khác với số hiệu chuyến bay của hãng đó hiển thị trên chuyến bay của hãng chuyên chở; Hợp tác mua cổ phần/sáp nhập là hình thức hợp tác khi 1 hãng hàng không mua cổ phần tại 1 hoặc nhiều hãng hàng không khác. Mục tiêu chính của hợp tác là phối hợp sản phẩm, chia sẻ nguồn lực bán và phục vụ khách của các bên. Sáp nhập là hình thức hợp tác ở mức độ cao giữa các hãng hàng không. Hai hãng hàng không sau khi sáp nhập sẽ trở thành 1 với mục tiêu tăng quy mô để có thể tận dụng những lợi thế về quy mô như mở rộng mạng đường bay và giảm các chi phí vận hành giữa các hãng hàng không; Hợp tác Liên doanh (Joint Venture) Là hình thức hợp tác rất chặt chẽ khi các bên tham gia chia sẻ doanh thu hoặc lợi nhuận trên các đường bay hợp tác…
Về kết quả hợp tác của VNA, Trưởng Ban Trung đánh giá, VNA trải qua quá trình phát triển hợp tác tương tự như ngành hàng không (chỉ còn thiếu hình thức hợp tác hoàn toàn hợp nhất).
Tiến trình hợp tác của VNA. (Ảnh: chụp màn hình).
Về hợp tác với SkyTeam, VNA đang phát triển ngày càng mạnh mẽ và thu lại những dấu ấn tích cực. Cụ thể, VNA đã được tiếp cận nhiều đối tượng khách FFP của các hãng và giúp gia tăng doanh thu bán vé. Hành khách của VNA cũng được gia tăng lợi ích với chương trình cộng dặm đa dạng, dịch vụ SkyPriority, SkyTransfer, phòng chờ…
Chi phí tham gia SkyTeam của VNA giai đoạn 2010-2018 là 167 tỷ VNĐ (~7,7 triệu USD), nhưng chúng ta thu về lợi ích lớn đó là khách hàng thường xuyên có doanh thu bán vé là gần 555 triệu USD.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác, VNA dự kiến tiếp tục mở rộng hợp tác liên danh, SPA hàng hóa/hành khách và đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác liên doanh với các đối tác tiềm năng trong lĩnh vưc hành khách và kỹ thuật.
Kết luận phần thuyết trình, Trưởng Ban Nguyễn Quang Trung đánh giá, hợp tác là một phần không tách rời của chiến lược thương mại của hãng hàng không; Là kênh bán bổ trợ hiệu quả; Vai trò của lãnh đạo TCT, lãnh đạo CQĐV rất quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác và cuối cùng hợp tác đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các CQĐV trong chuỗi cung ứng sản phẩm, gắn với chuyên môn của đơn vị.
Chủ đề “Mô hình hàng không giá rẻ trong VNA Group, bài học từ các hãng hàng không khác” được TB Nguyễn Quang Trung chia sẻ với các đoàn viên, thanh niên. (Ảnh: Vũ Tuấn).
Trưởng Ban Nguyễn Quang Trung tiếp tục phần thuyết trình về chủ đề “Mô hình hàng không giá rẻ trong VNA Group, bài học từ các hãng hàng không khác”. Với xu hướng các LCC sẽ tiếp tục phát triển mạnh như “vũ bão” và dần thâm nhập vào thị trường đường bay dài, các hãng hàng không truyền thống sẽ gặp phải nhiều cạnh tranh khi các đối thủ dễ dàng chiếm phân khúc giá rẻ. Mô hình LCC đặc biệt phát triển tại khu vực Đông Nam Á khi tỷ lệ thị phần chiếm tới hơn 53%.
Mô hình LCC đặc biệt phát triển tại khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: chụp màn hình).
Để cân bằng thị trường, xu thế tất yếu của các hãng hàng không truyền thống là phát triển LCC brand cạnh tranh với mô hình hàng không giá rẻ. Một số hãng truyền thống đã phát triển LCC làm công cụ cạnh tranh và bổ trợ mạng bay, trong khi hãng mẹ tập trung phục vụ phân khúc ưa thích với dịch vụ tốt, chấp nhận giá thành cao. Và VNA – JPA là một mô hình dual brand như vậy.
Mô hình dual brand của một số hãng. (Ảnh: chụp màn hình).
Chia sẻ về sự cần thiết của LCC brand đối với VNA, Trưởng Ban Trung cho biết, mô hình VNA Group tại thị trường Việt Nam giúp đa dạng dải sản phẩm, phục vụ tất cả các phân khúc khách hàng; Phát triển quy mô và duy trì vị thế cạnh tranh tại thị trường nội địa, đặc biệt trên các đường bay trục chính HN- ĐN – Tp HCM…
Trưởng Ban Nguyễn Quang Trung gợi mở một số giải pháp thúc đẩy hiệu quả dual brand:
► Tăng cường phối hợp mạng bay (quốc tế, nội địa); mạng bán;
► Tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác toàn diện về Kỹ thuật, khai thác, dịch vụ
► Đẩy mạnh hiệu quả hợp tác truyền thông của mô hình dual brand
► Xây dựng bộ máy và cơ chế điều hành dual brand nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả.