Hành trình đầy kỳ tích của một lô hàng đặc biệt

6,2 tấn trang thiết bị, vật tư y tế của kiều bào tại Hoa Kỳ gửi gắm, chia sẻ với đồng bào trong nước phòng, chống dịch Covid-19 đã về Việt Nam rạng sáng ngày 25/8 trên chuyến bay VN9. Nhưng để lô hàng đặc biệt này lên được máy bay và về Việt Nam là sự nỗ lực không từ bỏ trước khó khăn của Chi nhánh VNA tại Mỹ và các đơn vị trong TCT.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Rạng sáng ngày 25/8, chuyến bay VN9 do VNA khai thác từ San Francisco (Hoa Kỳ) đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài. Chuyến bay đưa 277 hành khách là công dân Việt Nam tại Hoa Kỳ về nước, đồng thời vận chuyển hơn 6,2 tấn trang thiết bị, vật tư y tế của kiều bào tại Hoa Kỳ gửi gắm, chia sẻ với đồng bào trong nước phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt hơn, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử một chuyến bay do hãng hàng không Việt Nam thực hiện được cấp phép vận chuyển hàng hóa giữa hai quốc gia. 

Cụ thể, lô hàng đặc biệt với gần 400 kiện trên chuyến bay VN9 gồm 250 máy trợ thở, 5 máy thở, 9.000 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19, 600 bộ quần áo bảo hộ y tế, 2.500 tấm chặt giọt bắn và 60.000 khẩu trang y tế. Ước tính tổng giá trị của lô hàng khoảng 1 triệu USD. 

Với tính cấp thiết của lô hàng, Chi nhánh Mỹ đã phối hợp các đơn vị trong TCT “chạy đua” với thời gian để hoàn thiện thủ tục vận chuyển hàng hóa trên chuyến bay VN9, chỉ trong thời gian rất ngắn – chưa đầy 3 ngày bao gồm cuối tuần. Tuy nhiên, đằng sau 3 ngày “chạy đua” đó là cả một hành trình gấp rút đầy nỗ lực của Chi nhánh Mỹ và các đơn vị trong TCT. 

alt text
Vận chuyển hơn 6,2 tấn trang thiết bị, vật tư y tế của kiều bào tại Hoa Kỳ gửi gắm, chia sẻ với đồng bào trong nước, CBNV Chi nhánh Mỹ cùng các đơn vị trong TCT đã nỗ lực rất lớn. (Ảnh: CN Mỹ).

3 ngày “chạy đua”, 3 vấn đề cần giải quyết gấp

Ngày 18/8, Ban TT nhận được công điện hỏa tốc của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đề nghị VNA hỗ trợ vận chuyển vật tư y tế của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Số hàng ban đầu chỉ nặng hơn 1 tấn nhưng được chia thành hơn 270 kiện, gây khó khăn cho việc xây dựng phương án lưu trữ, chất xếp hàng hóa dù là đi theo đường hành lý.

Chi nhánh Mỹ sau đó đã nhanh chóng liên hệ với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco để yêu cầu đóng gói các kiện, giúp giảm còn 164 kiện để thuận lợi cho việc chất xếp hàng, đồng thời liên hệ công ty phục vụ mặt đất sân bay tại Mỹ để phối hợp phương án phục vụ. Tuy nhiên, do chưa chắc chắn công ty tại Mỹ đồng ý phục vụ lô hàng này, phương án vận chuyển lô hàng theo đường hàng hóa – điều chưa từng có tiền lệ trước đây trên các chuyến bay giữa Việt Nam và Mỹ – được đề xuất với mong muốn giúp lô hàng đặc biệt của kiều bào chuyển về quê hương.

Trong khi các đơn vị của TCT vẫn đang xây dựng phương án vận chuyển 164 kiện hàng trên, tối 19/8, Chi nhánh Mỹ tiếp tục nhận được yêu cầu khẩn từ Tổng lãnh sự quán tại San Francisco về việc vận chuyển 250 máy trợ thở phát sinh do Việt kiều David Dương tặng Việt Nam. Vì tính chất cấp thiết của máy trợ thở, lô hàng này cần được ưu tiên bằng mọi cách để vận chuyển về Việt Nam trên chuyến bay đưa người Việt về nước vào ngày 23/8.

Vận chuyển một lô hàng vốn là điều bình thường, nhưng với đường bay Hoa Kỳ thì đây lại là câu chuyện phức tạp hơn nhiều do sự khắt khe của các cơ quan hàng không phía Mỹ. Đồng thời, thời gian trước chuyến bay thực tế chỉ còn hơn 1 ngày làm việc với một khối lượng lớn các công việc về xin phép và ký kết hợp đồng chuẩn bị khai thác là việc khó khăn. Xác định đây là một lô hàng rất đặc biệt trong tình trạng tình hình Covid-19 diễn biến rất phức tạp tại Việt Nam, các ban chuyên môn và Chi nhánh Mỹ đã quán triệt cao độ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ này.

Để lô hàng có thể vận chuyển được trên chuyến bay VN9 ngày 23/8, Chi nhánh Mỹ đã xác định có 3 vấn đề cần giải quyết gấp.

Vấn đề thứ nhất, đây là chuyến bay charter được Bộ GTVT Mỹ (DOT) cấp phép để chở khách là người Việt về nước và được Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) châm trước một số điều kiện khai thác nhờ sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, muốn xin cấp phép chở hàng trên chuyến bay phải có sự chấp thuận của hai đơn vị này. Mặc dù có chênh lệch về thời gian và đang trong ngày nghỉ cuối tuần tại Mỹ nhưng cuối cùng, qua các con đường, Ban PC cũng đã làm việc với đại diện TSA tại Singapore và DOT ở Washington DC đồng ý cho chở hàng.

Tuy nhiên, vấn đề thứ 2 Chi nhánh Mỹ phải giải quyết đó là TSA và DOT cho rằng, đây là loại hàng hóa nguy hiểm, có pin đi kèm và cần phải có sự đồng ý của Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA). Vậy làm thế nào để chứng minh các hàng này không phải hàng nguy hiểm? 

Vấn đề thứ 3, việc khai báo quy cách các loại máy và xuất vận đơn trên hệ thống riêng của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) rất phức tạp, đòi hỏi phải thuê một bên trung gian (Broker) để thực hiện các công việc này. Một đối tác dày dạn kinh nghiệm do Ban TTHH giới thiệu tại Los Angeles, sau một buổi sáng giúp VNA, đã tuyên bố không thể thực hiện được vì trường hợp của VNA quá mới, phức tạp và thời gian quá ít. Đối tác khuyên Chi nhánh Mỹ nên thuê Fedex hay Cathay chở giúp lô hàng này trong thời gian tới. 

Chứng kiến cảnh bế tắc đó, đại diện Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco đã nói: “Tôi thấy như mắc lỗi với đồng bào đang chống chọi với bệnh tật khi Việt kiều đã tặng máy trợ thở ở đây, máy bay đã sang đến đây mà không thể chở được về’’.

alt text
6,2 tấn trang thiết bị, vật tư y tế của kiều bào tại Hoa Kỳ mang nặng tình đồng bào, hướng về Tổ quốc. (Ảnh: VNA).

“Còn nước còn tát” – Thành quả cho nỗ lực không từ bỏ

Không buông xuôi trước khó khăn khi đồng bào rất cần lô hàng này trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, Chi nhánh Mỹ đã tìm đến một Broker khác gần gũi trực tiếp với công ty tặng máy trợ thở của Việt kiều David Dương, và người này cuối cùng đã giải quyết được các yêu cầu từ CBP và phối hợp cùng cùng công ty tặng máy trợ thở giúp VNA chứng minh các loại máy này không có pin, không nằm trong diện hàng hóa nguy hiểm.

alt text
CBNV Chi nhánh Mỹ và các Ban không buông xuôi trước khó khăn. (Ảnh: CN Mỹ).

Tất cả các khối lượng công việc này đã được khẩn trương thực hiện, trao đổi giữa nhiều bên chỉ trong thứ Sáu và cả ngày nghỉ thứ Bảy. Do lệch múi giờ, các CBNV Ban TTHH đã thức đến đêm để phối hợp và đến sáng Chủ nhật 22/8 đã xuất được vận đơn, nạp lên hệ thống CBP.

Sáng sớm thứ Hai ngày 23/8 (giờ Mỹ), chỉ vài tiếng trước khi bên xuất hàng phải giao vào kho sân bay để chất xếp kịp ra máy bay, Ban PC và Chi nhánh Mỹ mới chứng minh được với FAA lô hàng này không thuộc diện hàng nguy hiểm và chính thức được cấp phép chuyên chở.

Như vậy, với thời gian chỉ trong 3 ngày, trong đó chỉ có hơn 1 ngày làm việc, lại thêm khó khăn từ lệch múi giờ, một khối lượng rất lớn các công việc đã được giải quyết với rất nhiều nỗ lực của các bên liên quan phía Mỹ (TSA, DOT, FAA và CBP), cùng các đối tác như công ty tặng máy trợ thở, công ty giúp làm thủ tục (Broker), công ty phục vụ hàng hóa, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco.

alt text
Với thời gian chỉ trong 3 ngày, một khối lượng rất lớn các công việc đã được giải quyết để lô hàng được đưa lên chuyến bay VN9. (Ảnh: CN Mỹ).

Toàn bộ anh chị em làm việc tại các ban trong TCT cũng đã phối hợp, nỗ lực rất nhiều để vượt qua khó khăn và làm nên thành công chưa từng có tiền lệ này. Trong đó, Chi nhánh Mỹ xin đặc biệt cảm ơn CBNV Ban PC, Ban TTHH (Mrs Thảo, Ngân) và Chi nhánh Mỹ (Mrs Helen Nguyễn) đã năng động, linh hoạt, chuyên nghiệp góp sức quan trọng nhất vào thắng lợi. 

alt text
Toàn bộ anh, chị em làm việc tại các Ban đã phối hợp cùng Chi nhánh Mỹ, nỗ lực vượt qua khó khăn tạo nên thành công này. (Ảnh: VTV).

Tin rằng, với sự vận chuyển thành công lô hàng đặc biệt này của VNA, chúng ta – mỗi CBNV sẽ có thêm động lực và niềm tin để vượt qua mọi thử thách bởi “Cuộc sống chỉ mang đến cho bạn 10% cơ hội, 90% còn lại là cách mà bạn phản ứng với nó”.

Chi nhánh Mỹ

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.