Chiều ngày 15/8, Forbes Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Kinh doanh 2019 lần thứ 7, nhằm tìm hướng đi trong kỷ nguyên số đang diễn ra ở khắp mọi lĩnh vực, dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp quy mô lớn hay nhỏ đều tham gia vào xu thế chuyển đổi số.
Diễn đàn Kinh doanh 2019 lấy chủ đề “Tiến vào kỷ nguyên số” quy tụ hơn 400 khách mời là lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế hàng đầu cùng thảo luận về những đối sách ứng phó trong điều kiện kinh tế thế giới bất ổn, cũng như gợi mở các suy nghĩ về năng lực cạnh tranh mới qua 3 phiên thảo luận chính, gồm: Phiên thảo luận 1 với chủ đề “Việt Nam trong bối cảnh thương mại mới”, Phiên 2 với chủ đề “Cưỡi trên ngọn sóng số” và phiên 3 với chủ đề “Thu hút tài năng để tăng trưởng bền vững”.
Tham dự Diễn đàn với tư cách là diễn giả, TGĐ Dương Trí Thành đã tham gia phiên thảo luận 3 với chủ đề “Thu hút tài năng để tăng trưởng bền vững”, tập trung thảo luận về cách thức xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng trong bối cảnh gia tăng dịch chuyển lao động và sự tác động của công nghệ làm thay đổi các mô hình vận hành công ty.
TGĐ Dương Trí Thành cùng các diễn giả tham gia thảo luận trong phiên 3, chủ đề “Thu hút tài năng để tăng trưởng bền vững”. (Ảnh: Forbes).
TGĐ Dương Trí Thành cho biết, trong các giá trị cốt lõi của mình, VNA đánh giá người lao động là tài sản quý giá nhất, nguồn nhân lực đóng vai trò tiên quyết trong việc quyết định năng lực cạnh tranh và duy trì và khẳng định vị thế Hãng hàng không số một Việt Nam cũng như đảm bảo khả năng phát triển bền vững Hãng trong thời đại chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo. Đối với dịch vụ trực tiếp với hành khách, không chỉ cần có kỹ năng mà còn cần phải có cái tâm để cống hiến tận tình cho khách hàng. Vậy cho nên, một trong những chiến lược mà VNA khẳng định rất rõ và chú trọng nhất hiện nay chính là nguồn nhân lực.
Trước câu hỏi “Không chỉ những công ty công ty công nghệ mà những tổ chức lớn, gạo cội như VNA cũng cần nguồn năng lực mới. Với một tổ chức hơn 20 ngàn người, sự thành công nằm ở sự thuần thục của nhân viên trong những cách thức công việc đã rất quy chuẩn, truyền thống, làm sao để ông tạo ra được một nét văn hóa mới trong tổ chức, hướng những cái mới, tiêu chuẩn mới để sẵn sàng thay đổi? TGĐ Dương Trí Thành chia sẻ: VNA khai thác những máy bay hiện đại, là công nghệ hiện đại được đưa về, thì mình có nhiệm vụ vận hành nó sao cho thật chuẩn. Ngành hàng không cũng là ngành có đặc thù về tiêu chuẩn toàn cầu. Đứng sau những cỗ máy, động cơ của GE hay Roll Royce cho máy bay B787, A350, hơn 10 năm chúng tôi đánh giá thực tế real time tại mặt đất về tình hình động cơ và dự báo vấn đề hỏng hóc bảo dưỡng, phần lớn đều là trực tiếp mua thẳng công nghệ. Đến nay, VNA đã bắt đầu sử dụng chương trình Skywise của Airbus để thay thế quá trình đó và hợp tác với FPT để tiếp thu công nghệ, triển khai và quản trị và có những mục tiêu để đảm bảo vận hành hiệu quả. Đặc biệt đến bây giờ, những nội dung này gắn vào vấn đề ở phần đảm bảo an toàn và hiệu quả của máy bay để đưa vào phục vụ hành khách, đưa vào những công nghệ mới đáp ứng nhu cầu khách hàng.
TGĐ Dương Trí Thành chia sẻ ý kiến về nguồn nhân lực tại VNA. (Ảnh: Forbes).
Chia sẻ về việc VNA đang làm gì để giữ chân nguồn nhân lực rất đặc thù trong khi họ thường xuyên bị hấp dẫn bởi nhiều lời mời chào khác nhau, TGĐ cho biết, để có được một phi công lái an toàn trên các tàu bay B787 A350 thì mình cần 6-8 năm. Ngành hàng không Việt Nam lại chưa có trường đào tạo riêng, vì vậy các hãng mới thành lập sẽ có những cách để thu hút nhân lực. Cho nên, việc ban hành khung pháp lý của nhà nước để đảm bảo sự ổn định của các doanh nghiệp là điều rất cần thiết. Quan trọng hơn, mình cần nhìn trước được, đẩy nhanh tiến độ tạo ra nguồn nhân lực dồi dào. Đối với nhân lực có thể tuyển và đào tạo trong 6 tháng tới 1 năm như tiếp viên, nhân viên phục vụ mặt đất, VNA luôn muốn tạo một môi trường làm tốt để từ đó nhân viên tạo nên sự hài lòng cho khách hàng.
Bên cạnh việc đưa ra những ý kiến về xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng, TGĐ Dương Trí Thành cũng đã đưa ra những nội dung về việc mỗi người sẽ cần phải làm gì để phát triển trong thời đại số; Giữa kinh nghiệm và khả năng thích nghi, điều gì cần hơn đối với nguồn nhân lực nói chung và nhân tài nói riêng hay mục tiêu trở thành nền kinh tế số gắn liền với chất lượng nguồn nhân lực.
TGĐ Dương Trí Thành nhận kỷ niệm chương của BTC. (Ảnh: Vũ Tuấn).
Trong khuôn khổ của Diễn đàn, Forbes Việt Nam đã tổ chức lễ vinh danh “Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất năm 2018”, trong đó có VNA. Forbes Việt Nam đánh giá VNA nằm trong nhóm các công ty quy mô nhất thị trường chứng khoán xét theo vốn hóa. Ngày 7/5/2019, VNA chính thức chuyển sang niêm yết trên HOSE. Giá trị vốn hóa trong ngày giao dịch đầu tiên của hãng đạt gần 2,5 tỷ USD và sau đó giá cổ phiếu giữ xu hướng tăng, đưa VNA nằm trong nhóm các công ty quy mô nhất thị trường chứng khoán xét theo vốn hóa.
Forbes Việt Nam vinh danh “Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất năm 2018”. Trưởng Ban TTTH Lê Trường Giang, đại diện VNA nhận giải thưởng. (Ảnh: Vũ Tuấn).
Với việc nằm trong “50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam”, VNA đã vượt qua những đánh giá khắt khen của Forbes Vietnam về hoạt động kinh doanh cũng như mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp: thương hiệu, chất lượng quản trị doanh nghiệp, nguồn gốc lợi nhuận trong quá khứ và triển vọng phát triển bền vững. Sự kiện này khẳng định nỗ lực của VNA trong công tác quản trị công ty và công bố thông tin minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Năm 2019 đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp Forbes Vietnam công bố danh sách “50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam”. Cuộc bình chọn qua 7 năm đã trở thành một trong những giải thưởng thường niên uy tín nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.