(Các thông tin mới nhất sẽ tiếp tục được cập nhật tại bản tin này)
Việt Nam
Việt Nam sẽ tạm dừng việc thành lập các hãng hàng không mới trong thời gian dịch Covid-19. (Ảnh: Internet)
Tạm dừng xem xét thành lập hãng hàng không mới
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp trực tuyến về rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới, đảm bảo quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững.
Theo thông báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Cục Hàng không Việt Nam (VN) khẩn trương dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới, đảm bảo quản lý nhà nước về hàng không và phát triển bền vững.
Lưu ý vấn đề tiêu chí của sân bay căn cứ khi thành lập hãng hàng không; ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm thị trường vận tải hàng không Việt Nam và thế giới sụt giảm nghiêm trọng, Bộ trưởng kết luận tạm thời chưa xem xét thành lập hãng hàng không mới.
Các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam được nhiều nước ca ngợi, với số ca tử vong giữ mức 0. (Ảnh:AP)
Truyền thông Australia: Việt Nam có thành tựu phòng chống Covid-19 đáng mơ ước
Ngày 13/5, Tờ ABC News của Australia đưa ra bài phân tích về những lý do để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam lại có thể đạt được thành tựu đáng học hỏi trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19, hiện hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới.
Bài báo khẳng định: “Không một trường hợp tử vong. Đó là một thành tựu trong bối cảnh phức tạp của dịch Covid-19 mà tới các chính phủ từ Mỹ đến Italy đã không đạt được. Tại Singapore và một số khu vực khác của Đông – Nam Á, số ca nhiễm đang tiếp tục tăng và gây ra sự lo lắng nhất định, nhưng Việt Nam là một quốc gia ngoại lệ ngoài sức tưởng tượng. Không một ai phải thiệt mạng, đó thật sự là một kết quả đáng ghen tỵ”
Tờ ABC đánh giá điểm mấu chốt dẫn tới thành công của Việt Nam chính là đưa ra các khu vực xét nghiệm có chiến lược, quyết liệt truy tìm các nguồn lây nhiễm, cùng với đó là sự hiệu quả của các chiến dịch tuyên truyền cộng đồng về dịch bệnh. Quan trọng hơn cả, Việt Nam triển khai những hành động này rất nhanh chóng.
Giáo sư Mike Toole, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm của Viện Burnet có trụ sở tại Melbourne, cho biết Việt Nam “có lẽ đã hành động nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới ngoài Trung Quốc”.
Ông Mike Ryan (bìa trái), chuyên gia hàng đầu của WHO về tình huống khẩn cấp, phát biểu trong một cuộc họp báo về virus corona chủng mới tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 6/2/2020 (Ảnh: REUTERS)
Thế giới
WHO: Virus corona có thể không bao giờ biến mất và sẽ tồn tại như HIV
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 13-5 cho biết virus corona chủng mới gây ra bệnh COVID-19 có thể thường gặp trong cộng đồng giống như HIV và kêu gọi ‘nỗ lực chung’ để chống dịch.
“Virus này có thể trở thành một virus thường gặp trong cộng đồng của chúng ta, và có thể không bao giờ biến mất”, ông Mike Ryan – chuyên gia hàng đầu của WHO về tình huống khẩn cấp, nói trong một cuộc họp trực tuyến.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải thực tế và tôi không nghĩ rằng bất cứ ai có thể dự đoán khi nào dịch bệnh này sẽ hết. Tôi nghĩ là sẽ chẳng có lời hứa nào cũng như thời hạn nào về chuyện này. Căn bệnh này có thể là một vấn đề tồn tại lâu dài hoặc có thể không phải là như vậy”, ông Ryan nói thêm.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng thế giới đã kiểm soát được phần nào cách ứng phó với dịch bệnh dù điều này sẽ là “một nỗ lực rất lớn” ngay cả khi có vắcxin – một viễn cảnh mà ông Ryan mô tả là sẽ rất khó khăn.
Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Ông Trump nguy cơ mất cơ hội tái cử vì Covid-19
Sự ủng hộ trong lớp người Mỹ cao tuổi dành cho Tổng thống Donald Trump sụt giảm khi nhiều người cảm thấy bị rủi ro và cô lập. Một sự thay đổi dù nhỏ ở khối cử tri này cũng có thể đe dọa cơ hội tái cử của ông.
Tạp chí CS Monitor nêu trường hợp Tommye và Rody Johnson là những người Cộng hòa chăm chỉ đi bỏ phiếu bầu nhiều thập niên qua. Năm 2016, cặp vợ chồng già ở Vero Beach, Florida, ưu ái ứng viên Donald Trump đến nỗi họ không bao giờ nghĩ sẽ bỏ phiếu cho Hillary Clinton.
Sau gần 4 năm chứng kiến những cơn bão tweet của ông Trump, bê bối luận tội và giờ là cách thức xử lý đại dịch thế giới Covid-19 mà họ cho là “thảm họa”, ông bà Johnson cho biết họ không tưởng tượng mình có thể bỏ phiếu cho ông Donald Trump lần nữa.
Tommye và Rody Johnson không phải là trường hợp duy nhất. Theo một thăm dò mới đây của Morning Consult, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Trump ở khối cử tri trên 60 tuổi giảm tới 20 điểm từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4, khi ngày càng nhiều người già phản đối hành động của ông hơn so với bất kỳ nhóm tuổi nào, ngoại trừ nhóm 18-29 tuổi. Phần lớn dường như liên quan đến virus corona chủng mới – mà hiện đang là đe dọa sức khỏe lớn nhất với người cao niên.
Pháp
Biện pháp giãn cách được duy trì tại tất cả các cửa hàng, trung tâm mua sắm. Tại Paris, các trung tâm thương mại lớn, công viên tiếp tục đóng cửa. (Ảnh: Internet)
Khoảng 2,8 triệu người ở Pháp có thể đã nhiễm Covid-19
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà dịch tễ Pháp công bố trên tạp chí Khoa học ngày 13/5, ước tính có khoảng 2,8 triệu người ở Pháp, tương đương 4,4% dân số có thể đã nhiễm Covid-19 tính tới ngày 11/5.
Số ước tính người mắc Covid-19 được đưa ra căn cứ vào mô hình dịch và dữ liệu của bệnh viện cũng như hệ thống y tế, từ đó đánh giá tác động của lệnh phong tỏa đối với khả năng miễn dịch của dân số ở Pháp.
Nhà dịch tễ học Simon Cauchemez thuộc Viện Pasteur và các đồng nghiệp cho rằng, trong số những người nhiễm bệnh, có 3,6% phải nhập viện và 0,7% tử vong. Tỷ lệ tử vong ở mức khoảng 0,001% với những người dưới 20 tuổi, 10,1% với những người trên 80 tuổi. Nam giới có nhiều nguy cơ nhập viện và phải chuyển sang khu chăm sóc đặt biệt hơn nữ giới ở mọi lứa tuổi. Mức tử vong này không tính các trường hợp ở nhà và tại các khu dưỡng lão.
Nga
Nhân viên tang lễ chôn cất người chết vì Covid-19 ở Moskva , ngày 9/5. Ảnh: Reuters.
Vì sao tỷ lệ tử vong vì Covid-19 của Nga thấp?
Nga là vùng dịch Covid-19 lớn thứ ba thế giới với hơn 242.000 ca nhiễm, nhưng tỷ lệ tử vong chỉ dưới 1%, thấp hơn nhiều lần so với nước khác.
Lý giải cho điều này, tiến sĩ Elena Malinnikova, người phụ trách về bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Nga, cho hay tỷ lệ tử vong thấp là do Nga phát hiện ca nhiễm kịp thời, cũng như người Nga thường tới gặp bác sĩ rất sớm sau khi xuất hiện triệu chứng. Trong khi đó, báo chí Nga đưa tin hơn 60% số ca nhiễm của nước này tập trung ở thủ đô Moskva, nơi có dân số trẻ và khỏe mạnh hơn so với những vùng nông thôn.
“Dù lý do là gì, tỷ lệ tử vong quá thấp như vậy là khá bất ngờ. Do đó, tôi cần so sánh nhiều yếu tố khác nhau để hiểu xem điều gì đang xảy ra”, Kent Sepkowitz, nhà phân tích y tế của CNN và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (MSK), nói.
Theo Sepkowitz, xét nghiệm là một trong những yếu tố góp phần làm nên sự khác biệt ở Nga. Tính tới ngày 13/5, Nga đã xét nghiệm gần 41.000 người trên một triệu dân, trong khi con số này của Mỹ chỉ gần 31.000 người, Brazil là hơn gần 3.500 người.
Thế giới
Tổng số ca nhiễm/tử vong trên toàn thế giới
(Đồ họa: Ngọc Thành)
Nguyen Xuan Nghia – COMM