Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành Trung ương như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng cùng các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, vận tải. Đại diện VNA, PTGĐ Lê Đức Cảnh tham dự Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, khẳng định Cảng hàng không Quảng Trị là dự án động lực rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và đáp ứng nguyện vọng của người dân Quảng Trị cũng như du khách trong và ngoài nước. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để tỉnh Quảng Trị phát triển ngang tầm với các tỉnh bạn.
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng theo phương đối tác công tư (PPP) với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II; công suất 01 triệu khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm; khai thác tàu bay code C hoặc tương đương; diện tích sử dụng đất 265,372 ha. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị giao nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn T&T Group lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, dự kiến khởi công xây dựng vào quý 1/2023, đưa vào vận hành khai thác năm 2025.
Tại Hội thảo, thay mặt VNA, PTGĐ Lê Đức Cảnh cho biết, thị trường hàng không nội địa Việt Nam là một trong những thị trường phục hồi mạnh nhất sau dịch Covid-19, hiện tại đã vượt hơn 30% so với năm 2019. Trong khi đó, thị trường hàng không quốc tế mặc dù còn phục hồi chậm hiện chỉ đạt hơn 30% so 2019, chủ yếu do các thị trường quan trọng gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Công … vẫn còn hạn chế một phần hoặc toàn bộ, tuy nhiên theo dự báo của nhiều tổ chức, thị trường quốc tế sẽ sớm hoàn toàn phục hồi vào năm 2024.
Đối với tiềm năng phát triển của khu vực miền Trung & Quảng Trị nói riêng, VNA đánh giá khu vực miền Trung chính là khu vực nhiều tiềm năng phát triển nhất tại Việt Nam. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, khu vực miền Trung ghi nhận lượng khách đi lại bằng đường hàng không tăng trưởng tới trung bình 25%/năm trong giai đoạn 2015-2019, vượt trội so với các địa phương khác.
Theo đánh giá của VNA, Quảng Trị và sân bay Quảng Trị có thể xem xét tập trung phát huy các thể mạnh sau: Quảng Trị là cửa ngõ ra biển thuận lợi cho các nước thuộc khu vực hành lang kinh tế Đông Tây (Thái Lan, Lào, Myanmar). Do vậy, đây là cơ hội phát triển vận tải hành khách và hàng hóa quá cảnh, hỗ trợ các vùng địa phương sâu trong nội địa.
Để tạo ra sự độc đáo và thu hút, cần hợp tác xây dựng các sản phẩm liên kết du lịch giữa các vùng địa phương từ du lịch biển, du lịch sinh thái, môi trường, đến du lịch văn hoá, lịch sử…. Hiện nay, hạ tầng giao thông phát triển đã cho phép kết nối bốn di sản văn hoá thế giới của các nước liên quan, thực hiện sáng kiến “ba nước, một điểm đến”. Ý tưởng “ăn sáng trên đất Thái Lan, ăn trưa tại Lào, và tắm biển và ăn tối tại miền Trung Việt Nam” đến nay đã trở thành hiện thực. Việc Cảng hàng không Quảng Trị hoạt động sẽ càng tạo thuận lợi cho sản phẩm kết hợp này.
Ngoài ra, một trong những điểm nhấn của địa phương đó là sản phẩm du lịch về nguồn cội, du lịch hoài niệm phục vụ các cựu chiến binh (cả Việt Nam và nước ngoài), gia đình thương binh liệt sĩ về thăm người thân, đồng chí. Quảng Trị chính là một trong những vùng đất nhiều Di tích lịch sử cách mạng nhất Việt Nam: sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, hàng rào điện tử McNamara, địa đạo Vịnh Mốc, Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vây, Đường 9 Nam Lào, nghĩa trang Trường Sơn… Đối với vận tải hàng hóa, Cảng hàng không Quảng Trị sẽ tạo sự kết hợp giá trị với các cửa khẩu Lao Bảo, cửa khẩu La Lay, cảng biển Cửa Việt.
Với vai trò là Hãng Hàng không Quốc gia với đội bay, mạng bay lớn mạnh nhất tại Việt Nam, VNA sẽ luôn theo sát mọi diễn biến, tình hình và phát triển đường bay đi đến Quảng Trị ngay khi sân bay Quảng Trị đi vào hoạt động để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, doanh nghiệp.
Nguyen Xuan Nghia – COMM