Cân bằng cạnh tranh

Tạp chí Heritage thảo luận với một trong những chuyên gia hàng không có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới hiện nay, Giáo sư Nawal Taneja, về sự phát triển của hàng không Việt Nam.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Khi nói đến phát triển, mọi thứ giờ đều phải “bền vững”. Với mức tăng trưởng hành khách trung bình 20,5% và hàng hóa 13,2% giai đoạn 2014 – 2018, ông nghĩ ngành hàng không Việt Nam có phát triển quá nhanh không?

Cũng không hẳn. Mức tăng trưởng đó vẫn ổn với một nước đang phát triển, miễn là các bạn kiểm soát được cạnh tranh và đảm bảo các sân bay có đủ công suất để đáp ứng sự tăng trưởng đó. Rắc rối chỉ bắt đầu nảy sinh khi chính phủ tạo ra quá nhiều cạnh tranh; lúc đó sẽ không còn là phát triển bền vững nữa.

alt text
Giáo sư Nawal Taneja có những chia sẻ về sự phát triển của hàng không Việt Nam (Ảnh: Heritage)

Việt Nam hiện có 5 hãng hàng không thương mại và thêm 3 hãng đang chờ cấp phép, ông có nghĩ điều này hợp lý với một thị trường hàng không đang phát triển nhanh như Việt Nam không?

Tám hãng sẽ tạo ra quá nhiều cạnh tranh giữa các hãng. Cạnh tranh là tốt và cần thiết nhưng cái khó là phải kiểm soát được nó. Việc chính phủ cần làm là đảm bảo vừa có đủ cạnh tranh để mang lại lợi ích cho người dân nhưng vừa không quá nhiều đến mức tổn thương các hãng hàng không.

Khi có nhiều hãng hàng không, hành khách sẽ có thêm nhiều lựa chọn. Nhưng hãy nhìn những gì diễn ra tại Ấn Độ. Có quá nhiều hãng hàng không mới mở ra và nhiều hãng trong số đó đã phá sản. Điều đó chẳng mang lại lợi ích gì cho đất nước cả. Điều mà chúng ta cần làm là duy trì được sự cạnh tranh có chừng mực, giống như những gì Trung Quốc đang làm. Thị trường của họ có cạnh tranh nhưng không quá mức. Nhờ vậy, Air China, China Southern Airlines, China Eastern Airlines đều trở thành các hãng hàng không toàn cầu và mỗi công ty đều có giá tới 20 tỉ đô la Mỹ.

alt text
Cạnh tranh là tốt và cần thiết nhưng cái khó là phải kiểm soát được nó. (Ảnh: Heritage)

Vậy theo ông, chúng ta được lợi gì khi có thêm nhiều hãng hàng không?

Nhiều hãng thì sẽ có giá vé mới, dịch vụ mới. Điều đó tốt cho hành khách, nhưng chỉ tốt khi duy trì được lâu dài.

Một điểm nữa là không thể có quá nhiều hãng hàng không khi sức chứa của các sân bay và số lượng phi công còn hạn chế. Khi nguồn lực còn hạn hẹp, thì quá nhiều hãng hàng không sẽ không có lợi cho người dân và ảnh hưởng xấu tới việc đầu tư. Nhà đầu tư chỉ “rót tiền” vào các công ty phát triển ổn định thôi.

 “Cạnh tranh hạn chế” hay “quá nhiều cạnh tranh” đều không tốt. “Cân bằng” là thứ chúng ta cần. Phải có sự cân bằng giữa “lợi ích của các hãng hàng không” và “lợi ích của người dân”. Nếu cho lập quá nhiều hãng hàng không để sau đó họ phá sản, thì điều đó cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho cộng đồng. Vì vậy, bền vững là điều rất quan trọng.

alt text
Phải có sự cân bằng giữa “lợi ích của các hãng hàng không” và “lợi ích của người dân” (Ảnh: Heritage).

Vậy các hãng hàng không trên thế giới đã đối mặt với cuộc cạnh tranh nguồn lực phi công như thế nào?

Vấn đề của các bạn là nguồn lực bị hạn chế, không chỉ về phi công và tiếp viên, sân bay và suất bay mà còn cả về vấn đề quản lý. Chúng ta cùng xem những quốc gia thành công và thất bại.

Ví dụ phù hợp nhất về các quốc gia thất bại là Ấn Độ và Nam Phi. Còn các quốc gia thành công là Ethiopia, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Qatar. Chính phủ các quốc gia thành công đã hợp tác rất chặt chẽ với các hãng hàng không và các sân bay để đảm bảo mọi thứ đều được cân bằng.

Một hãng hàng không mới hút phi công từ các hãng đang hoạt động thì sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo nhưng sẽ ra sao nếu họ phá sản? Những phi công đó sẽ phải thế nào? Họ không thể quay trở lại hãng cũ được nữa.

Cân bằng còn có nghĩa là cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và lợi ích dài hạn. Các bạn cần thật sự nghiêm túc nếu không muốn biến ngành hàng không Việt Nam thành trò đùa. Tăng trưởng bền vững đòi hỏi các hãng hàng không, các đơn vị khai thác, chính phủ, cơ sở hạ tầng, kiểm soát không lưu đều phải phối hợp và được kiểm soát. Việc phối hợp cũng cần được tạo điều kiện thuận lợi.

Vậy theo ông, Việt Nam nên làm gì để đảm bảo một khung phát triển bền vững cho ngành hàng không?

Tôi xin nhắc lại, chính phủ phải cân bằng giữa nhu cầu của người dân và nhu cầu của các đơn vị khai thác. Giá vé rẻ thì tốt nhưng chúng ta cũng phải phát triển kinh tế. Mối liên kết giữa vận tải hàng không và nền kinh tế là vận tải hàng không có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng và ngược lại. Đó là một vòng tuần hoàn. Phát triển kinh tế vô cùng quan trọng và hàng không là chất xúc tác giúp kinh tế phát triển nhanh chóng.

Đã từng có thời điểm giá vé chặng bay Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh chỉ có 25 đô la Mỹ, thấp hơn nhiều so với chi phí bay.

Điều đó chẳng mang lại lợi ích gì cả. Hành khách sẽ vui nhưng chỉ trong thời gian ngắn mà thôi.

Giá vé rẻ mang lại lợi ích cho hành khách nhưng chỉ khi nó rẻ bền vững. Vé phải rẻ dài hạn chứ không phải chỉ vài tháng. Chúng ta cần các hãng hàng không bền vững vì chúng ta cần tiếp tục đầu tư cho các hãng hàng không; điều này giúp nền kinh tế phát triển hơn. Và các nhà đầu tư sẽ chỉ đầu tư nếu các hãng hàng không có lợi nhuận.

Chính phủ nên hỗ trợ các hãng hàng không phát triển bền vững và xem xét những ví dụ của tôi. Trong 55 quốc gia châu Phi, ngoại trừ hai hoặc ba nước, họ đều có năng lực hàng không rất yếu. Có tình trạng đó là do các hãng hàng không của họ rất nhỏ và không bền vững. Một ví dụ khác là Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đã xây dựng Turkish Airlines thành một hãng hàng không rất mạnh. Chính phủ đã hợp tác với hãng này để xây dựng sân bay Istanbul mới vì sân bay hiện nay không đủ lớn.

alt text
Chính phủ nên hỗ trợ các hãng hàng không phát triển bền vững (Ảnh: Heritage).

Vậy ý ông là chính phủ có vai trò đặc biệt quan trọng?

Vai trò của chính phủ là vô cùng thiết yếu. Chính sách của chính phủ cần là thứ mà tôi gọi là “khai sáng”. Nói cách khác, chính sách phải có căn cứ, được cân nhắc kỹ lưỡng và thông thái.

Tăng trưởng nhưng cần phải bền vững

Ngành hàng không đã tạo ra 2,2 triệu việc làm tại Việt Nam cũng như đóng góp 12,5 tỷ đô vào GDP. Với tỷ lệ tăng trưởng nhanh như hiện nay, IATA dự đoán ngành hàng không có thể tăng gấp ba lần trong vòng 20 năm tới, đạt 182,2 triệu lượt khách trước 2038.

Nhiều hãng hàng không tạo thêm sự cạnh tranh và lựa chọn cho hành khách. Đây là điều có lợi cho ngành hàng không, tuy nhiên, cần có sự thận trọng quản lý để phát triển an toàn, đảm bảo an ninh và bền vững.

Ngành hàng không Việt Nam đang đi đúng hướng với những kế hoạch của chính phủ trong việc mở rộng hạ tầng sân bay để phát triển 28 sân bay có tổng công suất dự kiến hơn 300 triệu lượt khách và 7,5 triệu tấn hàng hóa trước 2030.

IATA nhận định chính phủ Việt Nam hiểu được tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không nhưng việc xây dựng, triển khai kịp thời các kế hoạch phát triển sân bay là rất quan trọng để đảm bảo có đủ hạ tầng và công suất phục vụ đáp ứng sự phát triển của ngành. 

Nguồn: IATA, 12/2019

Theo Heritage

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.