I/ Văn bản về hàng không
Thông tư 17/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT ban hành 03/5/2019, Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, có hiệu lực từ 01/7/2019:
Theo đó, nguyên tắc xác định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách quy định tại Điều 3 Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
Khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên đường bay nội địa có dải giá từ 0 (không) đồng đến mức tối đa của từng nhóm cự ly bay. Hãng hàng không quyết định dải giá dịch vụ vận chuyển hành khách trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách đảm bảo phù hợp với chi phí sản xuất kinh doanh thực tế của từng chuyển bay.
Hãng hàng không quy định giá vé cụ thể trên đường bay hoặc nhóm đường bay theo phương thức đa dạng giá vé cho mỗi đường bay và chính sách giá giảm thường xuyên dành cho đồng bào, chiến sỹ thường trú tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thực hiện kê khai mức giá cụ thể với Cục Hàng không Việt Nam và thực hiện công bố công khai giá theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không và Thông tư số 07/2017/TT-BGTVT ngày 14 tháng 3 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
Trường hợp các hãng hàng không mở đường bay mới, chưa được công bố trong nhóm cự ly bay do Cục Hàng không Việt Nam thông báo, hãng hàng không có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam xem xét, quy định bổ sung đường bay mới vào các nhóm cự ly bay thông dụng trước thời điểm hãng kê khai giá với Cục Hàng không Việt Nam.
Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, có hiệu lực từ 01/7/2019.
II/ Nghị định của Chính phủ
1. Trường hợp phải kiểm toán nội bộ
Nghị định 05/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 22/01/2019 về kiểm toán nội bộ có hiệu lực từ ngày 1/4, trong đó quy định 3 trường hợp doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm toán nội bộ, gồm:
– Công ty niêm yết
– Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con
– Doanh nghiệp Nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Chính phủ cũng khuyến khích các doanh nghiệp khác thực hiện công tác kiểm toán nội bộ thông qua việc đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập.
2. Đơn giản hóa điều kiện cấp Giấy phép cho thuê lại lao động
Nghị định 29/2019/NĐ-CP ban hành ngày 20/3/2019 có hiệu lực từ ngày 05/05/2019, doanh nghiệp được cấp Giấy phép cho thuê lại lao động khi đáp ứng 2 điều kiện sau:
– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cho thuê lại lao động đảm bảo điều kiện:
- Là người quản lý doanh nghiệp;
- Không có án tích;
- Đã làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
– Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng. So với trước đây, Nghị định mới đã bãi bỏ điều kiện về vốn pháp định (2 tỷ đồng) và điều kiện về địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.
CBNV có thể đọc và download toàn bộ nội dung Bản tin Pháp luật tháng 05/2019 tại đây.