Chuẩn hoá theo FAA PART 129: “Yêu nhau mấy núi cũng leo”
Vượt qua “rừng” thủ tục khắt khe và các quy chuẩn an toàn cực cao đến từ các cơ quan chức trách của Mỹ, mới đây, VNA đã được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) chính thức cấp chứng chỉ FAOC (Foreign Air Operator Certificate – chứng chỉ “Nhà khai thác hàng không nước ngoài”) cho phép VNA khai thác các chuyến bay thương mại thường lệ đến Mỹ. Với tất cả chúng ta, đây là sự khởi đầu đầy hứa hẹn, mà để có được nó là cả một hành trình gian nan trước đó.
Ngay từ đầu tháng 7/2020, sau khi VNA triển khai kế hoạch tổng thể xin cấp chứng chỉ FAOC, nhóm chuyên gia FAA đã làm việc chính thức với lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam và lãnh đạo đơn vị để hướng dẫn các yêu cầu cụ thể.
Thực hiện các yêu cầu này, VNA đã chuẩn bị kỹ lưỡng bộ tài liệu, hồ sơ và báo cáo tuân thủ, chứng minh năng lực đáp ứng nghiêm ngặt các quy định của FAA và Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) về chuẩn mực an toàn, chất lượng trên mọi phương diện: từ khai thác bay, bảo dưỡng tàu bay, dịch vụ – khai thác mặt đất đến an ninh hàng không… Bên cạnh đó, VNA cũng thực hiện huấn luyện đào tạo đối với các quy định khai thác tiêu chuẩn trong điều kiện bình thường, bất thường và khẩn nguy.
Về công tác xây dựng chuẩn hóa tài liệu khai thác, VNA đã tiến hành rà soát, xây dựng hệ thống tài liệu Flight Safety Document System đáp ứng quy định chung và quy định riêng đối với đội tàu Airbus A350, Boeing 787 bay vào Mỹ. Đồng thời đáp ứng yêu cầu khai thác đặc biệt AWO, EDTO, FANS 1/A (ADS-C/ CPDLC), PBN, RVSM và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu đối với chương trình an ninh hàng không theo yêu cầu của Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA).
VNA đã nhanh chóng triển khai công tác huấn luyện đào tạo phi công, tiếp viên, nhân viên phục vụ mặt đất và nhân viên địa phương tại Mỹ; xây dựng quy định phục vụ an toàn cho người khuyết tật theo yêu cầu đặc thù…
Ngoài ra, VNA cũng thực hiện nhận diện mối nguy hiểm, đánh giá rủi ro an toàn và quản lý sự thay đổi đối với tổ bay có thời gian làm nhiệm vụ (FDP) tiệm cận giới hạn, cơ cấu tiếp viên, tàu bay tháo ghế chở hàng trên khoang khách; nhận diện và đánh giá sự khác biệt giữa quy định của Mỹ và của Hãng khi vận chuyển hàng nguy hiểm dưới dạng hành lý… Đồng thời xin phê chuẩn bổ sung vùng khai thác NAM (Bắc Mỹ), PAC (Thái Bình Dương) và các loại hình khai thác đặc biệt của Cục HKVN.
Chưa dừng lại ở đó, để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của FAA, chúng ta cũng đã đánh giá các tác động môi trường như khí thải, tiếng ồn khi bay trong không phận Mỹ cùng nhiều hoạt động khác.
Thành công đến từ sự nỗ lực của cả tập thể
Trải qua hơn 15 tháng liên tục rà soát chỉnh sửa hệ thống tài liệu, lắp đặt, trang bị, nâng cấp thiết bị phù hợp với các tiêu chuẩn, đào tạo huấn luyện nhân lực…, ngày 4/11/2021, FAA chính thức cấp chứng chỉ FAOC cho VNA.
Sự kiện này là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của VNA – được khai thác các chuyến bay thương mại thường lệ đến Mỹ, không giới hạn thời gian và tần suất, hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu khai thác của Hãng.
Ông Nguyễn Đăng Quang – Trưởng Ban An toàn Chất lượng Tổng công ty Hàng không Việt Nam chia sẻ: “Việc cấp phép bay thẳng đến Mỹ là minh chứng cho sự thay đổi và nâng cấp các chuẩn mực của hệ thống an toàn, chất lượng như chương trình Chuyển đổi số An toàn (Digital Safety), Văn hóa An toàn 4.0, chương trình đánh giá an toàn khai thác IOSA. Bằng sự chủ động và nỗ lực của cả tập thể, chúng ta đã đưa chuẩn mực an toàn, chất lượng của các chuyến bay VNA lên một tầm cao mới, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định khắt khe nhất trên thế giới”.
Việc được cấp phép bay thường lệ tới Mỹ là kết quả của việc tích lũy kinh nghiệm đã từng xin cấp phép vào các quốc gia chưa từng khai thác được đánh giá là khắt khe như Canada, Tây Ban Nha, UAE… Đồng thời là minh chứng cho những nỗ lực của người VNA ngay trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Bởi dù trong hoàn cảnh nào thì VNA vẫn giữ vững tinh thần đoàn kết – sáng tạo, nỗ lực tìm kiếm cơ hội ngay cả trong khó khăn, cùng phương châm “An toàn là số một” trên mọi chuyến bay.