60 năm xây dựng và phát triển, lịch sử của Đoàn bay 919 đã có biết bao sự kiện, thành tích vẻ vang, rất cần ghi lại để các thế hệ tiếp theo được biết và tự hào. Biết bao mồ hôi, xương máu, sức lực và trí tuệ của nhiều thế hệ phi công, CBNV đã đổ xuống để xây dựng cho ngày hôm nay. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, TTNB gửi tới các thành viên VNA chuỗi bài ghi lại những dấu ấn đáng nhớ của Đoàn Bay trong 60 năm xây dựng và phát triển.
Đúng ngày Quốc tế Lao động 1/5/1959, tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, Trung đoàn Không quân vận tải 919 – đơn vị bay vận tải quân sự – hàng không dân dụng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – được thành lập.
Trên sân bay, hàng quân xếp hàng đều thẳng tắp trước 5 chiếc máy bay các kiểu loại: IL-14, Li-2 và AN-2. Thiếu tướng Trần Văn Quang, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Đại diện Bộ Quốc phòng, cùng đại diện Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, đại diện các cơ quan, đơn vị đã đến dự sự kiện trọng đại này. Sau diễn văn khai mạc của Cục trưởng Cục Không quân – Hàng không dân dụng Đặng Tính, đại diện Bộ Quốc phòng đã đọc huấn thị giao nhiệm vụ cho đơn vị. Phi công Nguyễn Ái Đồng cùng đồng chí Đặng Hanh Khoa – đại diện khối mặt đất, đã thay mặt đơn vị đọc quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng giao.
Quang cảnh buổi lễ thành lập Trung đoàn KQTVT 919 ngày 1/5/1959.
Ngay sau phần nghi lễ, các phi công và nhân viên công tác trên không Việt Nam đã bay biểu diễn chào mừng trên bầu trời Hà Nội. Một số đại biểu dự lễ đã được mời cùng bay trên bầu trời Thủ đô, tận mắt chứng kiến các phi công của ta điều khiển những chiếc máy bay vút lên làm chủ bầu trời.
Từ đó, ngày 1/5 đã trở thành ngày truyền thống của Trung đoàn Không quân vận tải 919 – Đoàn Bay 919 thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam hiện nay.
Trước đó, theo quy định của Hiệp định Genever, từ ngày 01/01/1955, Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhận ban giao sân bay Gia Lâm, Hà Nội từ quân đội Pháp, và ngày 2/1, cán bộ chỉ huy điều hành bay của không quân ta tại sân bay này đã chỉ huy điều hành chiếc máy bay vận tải của Pháp từ Sài Gòn ra Hà Nội hạ cánh an toàn.
Ngày 13/5/1955, quân đội ta tiếp quản sân bay Cát Bi, Hải Phòng. Trước tình hình đó, Ban Nghiên cứu sân bay đã được thành lập, ngoài nhiệm vụ chủ yếu là chỉ huy, quản lý các sân bay ở miền Bắc, tổ chức và điều hành các chuyến bay hằng ngày, đồng thời nghiên cứu đề xuất kế hoạch tổ chức, xây dựng lựng lượng không quân phù hợp và đáp ứng yêu cầu của tình hình nhiệm vụ.
Đến ngày 15/1/1956, Cục Hàng không dân dụng trực thuộc Thủ tướng chính phủ được thành lập. Đồng chí Đặng Tính được bổ nhiệm làm Cục trưởng.
Theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Trung Quốc đã viện trợ cho ta 5 chiếc máy bay vận tải dân dụng, bao gồm 2 chiếc Li-2, 3 chiếc Aero-45. Trên thân và hai cánh của số máy bay này đã được sơn cờ đỏ sao vàng và mang các số hiệu VN198, VN199, VN200, VN201, VN202. Ngày 26/1/1956, 5 chiếc máy bay đầu tiên mang cờ tổ quốc này đã hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm trước sự hân hoan chào đón của quân và dân thủ đô.
Ngày 2/9/1956, đội hình 5 chiếc máy bay này đã lần đầu bay biểu diễn chào mừng Quốc khánh trên quảng trường Ba Đình lịch sử.
Để chuẩn bị cho việc thành lập Trung đoàn 919, từ năm 1956, quân đội đã cử các lớp học viên sang học tập tại Liên Xô và Trung Quốc, bao gồm các tổ bay vận tải IL-14, Li-2, AN-2 và trực thăng Mi-4. Bên cạnh đoàn cán bộ học lái máy bay, còn có các đoàn học về dẫn đường, thông tin liên lạc, thợ máy.
Khi được thành lập, số máy bay của Hàng không dân dụng – Không quân Việt Nam có 10 chiếc, bao gồm các loại IL-14, Li-2, AN-2, Mi-4, Aero-45, Trener.
Cùng với quyết định thành lập Trung đoàn 919, Trung tá Nguyễn Văn Giáo, nguyên Trưởng Ban quản lý sân bay Gia Lâm được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng. Thiếu tá Nguyễn Văn Đàm, Chính ủy sân bay Gia Lâm được bổ nhiệm làm Chính ủy Trung đoàn. Phi công Nguyễn Ái Đồng (lái IL-14) được cử giữ chức Đội trưởng Đội bay của Trung đoàn.
TTNB ĐB