[30/4] Không quân vận tải – Phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Nhân dịp Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020) và 134 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 – 1/5/2020), VNA Spirit xin gửi tới CBNV VNA bài viết “Phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, trích từ Kỷ yếu Đoàn bay 919 “60 năm xây dựng và phát triển”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử – chiến dịch quyết chiến, chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 – là mốc son chói lọi đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi.

Tham gia trong cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975, các máy bay của Không quân vận tải – HKDD đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu lập nhiều chiến công, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Nhân dịp Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020) và 134 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 – 1/5/2020), VNA Spirit xin gửi tới CBNV VNA bài viết “Phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, trích từ Kỷ yếu Đoàn bay 919 “60 năm xây dựng và phát triển”.

Trong quá trình chuẩn bị và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, các máy bay của Không quân vận tải – HKDD đã thực hiện 163 chuyến bay, cơ động 4.250 cán bộ, chiến sĩ, vận chuyển 120,7 tấn vũ khí, phương tiện kỹ thuật, trong đó có 48 tấn đạn pháo cho xe tăng, bản đồ thành phố Sài Gòn, cờ, biểu ngữ, truyền đơn, thuốc men… đáp ứng nhu cầu cấp bách cho chiến dịch.

Theo bước tiến thần tốc của quân đội ta, không quân vận tải cũng hoạt động tất bật. Các loại máy bay của Lữ đoàn 919 liên tục chuyển quân và vũ khí từ sân bay Gia Lâm đến sân bay Đồng Hới, rồi lần lượt chở các đoàn cán bộ bay vào tiếp quản các sân bay Buôn Ma Thuột, Huế, Đà Nẵng, Phan Rang.

Bộ đội lên máy bay vận tải vào miền Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn (tháng 4/1975). (Ảnh: TTXVN).

Ngày 20/4/1975, chiếc IL-18 từ Hà Nội đã bay vào Đà Nẵng chở các phi công Từ Đễ, Mai Xuân Vượng, Phạm Ngọc Lan, Phạm Bổn, Nguyễn Văn Lục… và 6 thợ máy để huấn luyện chuyển loại sử dụng máy bay A-37 thu được của địch tham gia đánh địch. Chiều 28/4, phi đội Quyết Thắng đã xuất kích từ sân bay Phan Rang tiến công vào sân bay Tân Sơn Nhất, thu được thắng lợi giòn giã. Chiến thắng này đã góp phần to lớn giúp chiến dịch Hồ Chí Minh nhanh chóng đi đến thắng lợi.

Chỉ một ngày sau ngày toàn thắng, ngày 1/5/1975, chiếc máy bay Mi-6 do đồng chí Lê Đình Ký lái chính đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, mang theo một lá cờ Tổ quốc lớn để cắm trên nóc dinh Độc Lập.

Ngày 15/5/1975, chiếc máy bay chuyên cơ IL-18 số hiệu VN195 cất cánh từ sân bay Gia Lâm bay thẳng đến sân bay Tân Sơn Nhất, đưa Chủ tịch nước Việt Nam DCCH Tôn Đức Thắng cùng Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước vào thành phố Sài Gòn để dự lễ mừng chiến thắng và thống nhất đất nước. 

Ngày 19/5/1975, chuyên cơ YAK-40 của Hàng không Việt Nam cũng đã chở Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào dự Lễ mừng chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam. Các máy bay của Hàng không Việt Nam cũng đã làm nhiệm vụ chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào tham dự ngày lễ trọng đại này.

Cuối năm 1975, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không – Không quân đã ra quyết định giải tán Lữ đoàn Không quân vận tải 919, thành lập 4 trung đoàn độc lập là 916, 917, 918, 919. Tất cả các loại máy bay ghế mềm chở khách như IL-14, Li-2, AN-2, IL-18, IAK-40, AN-24, các loại máy bay thu được từ chính quyền VNCH như DC-3, DC-4, DC-6 được giao về cho Trung đoàn 919 quản lý và khai thác. Đồng chí Nguyễn Ái Đồng được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 919.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.