Ngày 6/10 tới, Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình hoà nhạc ngoài trời Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert 2018. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của Vietnam Airlines nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nhạc giao hưởng với công chúng Việt Nam.
Với dàn nhạc London Symphony Orchestra (LSO) danh tiếng được mời đến lưu diễn tại Hà Nội, Vietnam Airlines sẽ đưa thể loại nhạc giao hưởng trở lại "vũ đài" của mình và đến gần hơn với người yêu nghệ thuật. Dàn nhạc Giao hưởng LSO là một trong 5 dàn nhạc giao hưởng có uy tín nhất thế giới được thành lập từ năm 1904 và đang giữ kỷ lục về dàn nhạc giao hưởng có số bản thu âm lớn nhất toàn cầu với những tác phẩm dàn dựng đã trở thành kinh điển.
Mỗi năm, dàn nhạc có hơn 70 buổi diễn tại quê nhà và hơn 70 chương trình hòa nhạc lưu diễn quốc tế thường kỳ. Tại mỗi quốc gia, họ đều được chào đón nồng nhiệt, một số nơi phải đặt vé từ rất sớm và hầu hết các buổi biểu diễn đều cháy vé. Sang Việt Nam lần này, LSO sẽ có 98 nghệ sĩ, nhà quản lý cũng như chuyên viên kỹ thuật hàng đầu.
Mỗi năm, dàn nhạc có hơn 70 buổi diễn tại quê nhà và hơn 70 chương trình hòa nhạc lưu diễn quốc tế thường kỳ.
Theo dự kiến, chương trình sẽ diễn ra trong 105 phút, mở màn là nhạc phẩm "Tiến quân ca" được phối đặc biệt, tiếp đến là 7 ca khúc kinh điển của các nhà soạn nhạc nổi tiếng, được điều hành bởi nhạc trưởng Elim Chan – một trong những nữ nhạc trưởng xuất sắc của thế giới.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, âm nhạc là thứ ngôn ngữ chung của tất cả mọi người và không gì có thể gắn kết mọi dân tộc bằng âm nhạc. Với sứ mệnh là cầu nối văn hoá, Vietnam Airlines không chỉ đưa hình ảnh Việt Nam và nước bạn qua những chuyến bay mà còn thông qua những chương trình nghệ thuật tầm cỡ quốc tế. Buổi hoà nhạc ngoài trời này với dòng nhạc giao hưởng sẽ là sợi dây kết nối người với người, giữa các quốc gia với nhau, giúp ta vượt qua khoảng cách về không gian, thời gian, xóa nhòa sự khác biệt về văn hóa, địa lý.
Trải qua bao thăng trầm, nhạc giao hưởng vẫn giữ ngôi vị độc tôn của môn nghệ thuật không lời, vượt khỏi cái nôi châu Âu và vươn đến với những xứ sở xa xôi.
Được ngợi ca như một "kỳ quan âm thanh" của dòng nhạc chuyên nghiệp, một tuyệt đỉnh sáng tạo nghệ thuật của nhân loại, nhạc giao hưởng nghiễm nhiên trở thành một thể loại nhạc được quan niệm chỉ dành riêng cho giới "bác học".
Từ đó, người ta đặt ra nhiều "bức tường thành" ngăn trở công chúng nói chung đến với nhạc giao hưởng với những điều như: khi nghe phải là người có hiểu biết, có trình độ thẩm âm cao cấp và người làm chuyên môn âm nhạc.
Một thực tế khác cũng cần được nhìn nhận, hầu hết chúng ta không phải ai cũng được tiếp xúc với thể loại âm nhạc này từ nhỏ và dường như việc đi đến nhà hát để nghe nhạc giao hưởng trở thành một thú vui "xa xỉ" đối với nhiều người. Điều này phần nào lý giải người dân Việt Nam chưa mặn mà lắm với thể loại âm nhạc đỉnh cao như giao hưởng.
Sự cảm thụ nghệ thuật sâu sắc, sự cảm âm tinh tế, sự nhạy cảm với ngôn ngữ không lời của nhạc giao hưởng biết đâu vẫn đang ngủ yên trong bản thể mỗi người mà chúng ta chưa có cơ may nào để đánh thức.
Theo TTXVN