Cụ thể, tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ của hãng đạt 89,2%, cao hơn mức chung 86,6% của toàn thị trường hàng không dân dụng. Tỷ lệ chậm chuyến của ba hãng hàng không VNA, VJ, JPA lần lượt là 10,8%, 15,8%, 18,5%, tính chung toàn toàn thị trường 13,4%
Riêng trong tháng 12, số liệu của Cảng vụ Hàng không miền Nam cho thấy tại sân bay Tân Sơn Nhất, tỷ lệ chậm giờ của VNA là 9,06%, VJ 31%, JPA 10,05%, các hãng hàng không nước ngoài 12,44%.
Thống kê của Flightstats – website tổng hợp và phân tích hiệu quả hoạt động của các hãng hàng không trên thế giới, trong 2 tháng cuối năm, chỉ số OTP của VNA có sự cải thiện đáng kể, đưa hãng hàng không này đứng vị trí thứ 5-6 trong tổng số 35 hãng hàng không của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Flightstats, việc điều hành bay, bên cạnh năng lực của hãng hàng không còn phụ thuộc nhiều yếu tố bất khả kháng như: thời tiết, hạ tầng cơ sở, hạ tầng trên không… nên chỉ số OTP đạt 100% rất khó và con số xấp xỉ 90% được xem là "lý tưởng". Tại khu vực châu Âu, chỉ số OTP trung bình của các hãng hàng không đạt khoảng 80%, Bắc Mỹ là 75-80%.
Cơ quan quản lý công khai tỷ lệ chậm chuyến của các hãng hàng không nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đại diện VNA cho biết, kết quả này thể hiện sự cam kết chất lượng dịch vụ 4 sao, hướng đến 5 sao mà hãng đang thực hiện.
"Trong thị trường cạnh tranh như hàng không, chỉ số đúng giờ công bố công khai như một tiêu chí làm cơ sở đánh giá chất lượng dịch vụ của các hãng. Từ đó, hành khách có thông tin để lựa chọn cho mình dịch vụ phù hợp", vị đại diện nói.
Đại diện VNA cho hay, để điều hành bay đúng giờ, hãng phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: triển khai tối ưu đường bay, phương thức bay, xếp tàu bay vào bãi đỗ phù hợp với thứ tự cất cánh, bay sớm đối với các chuyến bay đầu ngày và các chuyến bay có thời gian quay đầu trên tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, hãng cho phép đóng cửa máy bay sớm 5-10 phút; rút ngắn thời gian phục vụ mặt đất đối với các chuyến bay đến muộn nhằm giảm ảnh hưởng chậm chuyến dây chuyền. Với cao điểm bay hè, bay Tết… hãng tập trung nguồn lực dự phòng tàu bay, tổ lái, tiếp viên phù hợp.
Đây là năm thứ 3 Cục Hàng không Việt Nam công khai số liệu nhằm tăng sức cạnh tranh về dịch vụ trên thị trường. Cơ quan quản lý tiến đến áp dụng chế tài mạnh đối với hãng hàng không có tỷ lệ chậm, hủy chuyến cao.
Ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không cho rằng để nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không nói chung và giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến bước đầu sẽ tăng tỷ lệ slot thực hiện lên với tỷ lệ 85%. Sau đó sẽ tăng lên 90%, nếu hãng nào không đạt sẽ bị thu hồi slot không thực hiện. Đây được xem là chế tài nặng nhất với hãng hàng không vì liên quan trực tiếp đến sản lượng vận chuyển cũng như doanh thu của hãng.
Ngoài ra, Cục Hàng không sẽ đổi mới phương thức điều hành bay. Thay vì theo nguyên tắc đến trước phục vụ trước, sắp tới hãng hàng không chấp hành kế hoạch bay tốt nhất được ưu tiên hạ cánh trước. Chuyến bay đến trước nhưng chậm giờ sẽ phải bay chờ để nhường cho chuyến đúng giờ hạ cánh trước.
Thanh Thư – VnExpress