Tiến sĩ Nguyễn Việt: Tạp chí Heritage là sợi dây kết nối giá trị di sản

Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc trung tâm Tiền sử Đông Nam Á là một người gắn bó với tạp chí Heritage hơn 15 năm qua, với những bài viết về các chủ đề tưởng chừng như khô khan trên sách vở nhưng lại cuốn hút độc giả không ngờ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ông Nguyễn Việt nhận bằng Tiến sĩ Khảo cổ học tại Berlin, CHLB Đức năm 1988, là thành viên Hiệp hội Khảo cổ Quốc tế. Ông đã phát hiện ra lối đi cổ bậc nhất thế giới tại Tam Lập, Lạc Sơn, Hòa Bình, minh chứng cho việc Việt Nam là xã hội hình thành sớm nhất ở Đông Nam Á. Ông cũng đã phục dựng được mặt người Đông Sơn, phục chế Nỏ thần An Dương Vương…

Ông kể, cuộc đời ông đi qua những bước ngoặt bất ngờ, để từ một thanh niên từng đứng cắt tóc vỉa hè, đến lúc sống trọn vẹn cho đam mê khoa học và trở thành một nhà khảo cổ uy tín quốc tế. 

Tiến sĩ Việt chia sẻ, tạp chí Heritage cũng là sợi dây kết nối ông với những các nhà khoa học trên thế giới. 

alt text
Tiến sỹ Nguyễn Việt đang giải thích về hiện vật cho mọi người.

Trên bàn và trong phòng làm việc của ông la liệt những hiện vật hàng ngàn năm tuổi. Những hiện vật hấp dẫn bao nhiêu thì câu chuyện ông cũng cuốn hút bấy nhiêu. Ông kể, ở tuổi gần 70, ông vẫn tham dự các hội nghị khoa học quốc tế để phát biểu bằng tiếng Anh những đề tài gai góc… hay xuống hầm những khu bảo tàng nghiên cứu hàng tháng trời, đến các hang động đào, bới từng ngóc ngách… Nói như ông là “sống đã đời với những đam mê”.

Một người đàn ông mạnh mẽ, giỏi giang và tài hoa như vậy nhưng ông vẫn dành tình cảm trìu mến cho Heritage và Heritage Fashion bởi tạp chí đã giới thiệu đến thế giới những giá trị di sản vô giá của Việt Nam, để những tìm tòi khoa học của những người như ông đến với thế giới theo cách vô cùng tình cờ và thú vị.

alt text
Tiến sỹ Nguyễn Việt đang giới thiệu về hiện vật được khai quật.

Heritage – kết nối các chuyên gia Việt Nam và thế giới

Ông nhớ lại: “Sáng hôm đó, đang ở văn phòng làm việc, tôi nhận được điện thoại của một bạn nói có giáo sư người Nhật muốn liên hệ tìm gặp tác giả bài “Bronze Love – Tình yêu trên đồng” đăng trên tạp chí Heritage Fashion. Sau đó, giáo sư đã trực tiếp nói chuyện điện thoại với tôi, thiết tha đề nghị để giáo sư và sinh viên gặp tôi ngay – như để tiếp mạch mà họ đã ngẫu nhiên đọc được và thảo luận về bài viết đó trên hành trình từ Nhật sang Việt Nam trên chuyến bay của Vietnam Airlines”. 

“Rất may hôm đó tôi không có lịch hẹn nên vui vẻ nhận lời”, ông kể tiếp. “Từ sân bay về văn phòng chỗ tôi khoảng 45 phút. Khi chuông cửa vang lên, tôi thấy bóng áo vàng đồng phục của 20 sinh viên và giảng viên Nhật đã chờ ở cửa. Tôi đón mọi người và trình chiếu trên màn hình máy tính những hiện vật bằng đồng khai quật được liên quan tới tình yêu hơn 2.000 năm trước…”.

alt text
Buổi nói chuyện giữa tiến sỹ Nguyễn Việt và anh chị em em Tạp chí Heritage.

Qua câu chuyện, ông biết vị giáo sư có đề tài khoa học tìm hiểu về các biểu hiện của tình người. Đoàn thực tập sinh mà ông đưa qua Việt Nam để quan sát, trải nghiệm tình người ở Việt Nam trong quá khứ và hiện tại. Thật cơ duyên, giáo sư đã bắt gặp “Bronze Love – tình yêu trên đồng” của người Việt trên Heritage Fashion ngay khi bắt đầu chuyến bay. 

alt text
alt text
 
alt text
alt text

Các hiện vật được khai quật và trưng bày.

Một câu chuyện khác được tiến sĩ Nguyễn Việt chia sẻ cũng không kém phần thú vị. Cách đây hơn mười năm, ông nhận được điện thoại của một nữ chuyên gia Úc. Số là trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Sài Gòn ra Hà Nội, bà đọc được bài viết của ông về các mảnh vải thời Đông Sơn. 

Vốn là một tiến sĩ bảo tàng học, chuyên gia bảo quản và nghiên cứu vải sợi của bảo tàng quốc gia Úc, bà luôn được các chương trình du lịch chuyên gia (Professional Tourism) mời thăm các bảo tàng liên quan đến vải sợi và trang phục trên thế giới. Bà tự giới thiệu qua điện thoại rất dài và hồ hởi kể về giây phút bất chợt thấy bài viết “như bắt được vàng” trên Heritage. 

Do đi cùng đoàn khách du lịch, bà không qua được chỗ ông ngay. Sau này, ông mới nhận ra bà lại là một trong số bảy chuyên gia Úc đã sang Việt Nam tham dự cuộc khai quật khu mộ táng Động Xá ở Kim Động, Hưng Yên do ông đồng phụ trách trong chương trình nghiên cứu Việt – Úc về “Vải sợi Đông Sơn”. Bà Tiến sĩ đã rất ấn tượng với khả năng khai thác và bảo quản vải cổ ngập nước của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. Họ tiếp tục cộng tác với nhau cho đến ngày hôm nay. 

Nhờ Heritage, những miếng khố dệt sọc màu của một chàng trai như Chử Đồng Tử và của ông già chôn trong nửa chiếc thuyền độc mộc trên 2.000 năm tuổi đã “bay rất xa”. Một lần nữa ông lại thầm cảm ơn Heritage đã chắp cánh cho di sản và các nhà nghiên cứu Việt Nam đến với thế giới và các chuyên gia văn hóa thế giới đến với Việt Nam…

alt text
Phó Tổng biên tập Lý Thanh Hương nhận sách kỷ niệm từ tiến sỹ Nguyễn Việt.

Câu chuyện của vị Tiến sĩ danh tiếng quốc tế như một ngọn lửa thắp sáng nhiệt huyết Heritage và VNA tiếp tục phát triển trên con đường giữ gìn, tôn vinh những tinh hoa văn hóa dân tộc.

Bài: Phạm Thu Hoa & Nguyệt Anh

Ảnh: Lê Bích, Xuân Chính

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.