Ngày 11/8/2018, giải bóng đá ngoại hạng Anh (Premier League) mùa giải 2018/2019 chính thức bắt đầu, trong trận đấu khai mạc khai mạc giữa Á quân Manchester United và Leicester, người hâm mộ Việt Nam đã dễ dàng nhận thấy hình ảnh thương hiệu Bia Sài Gòn và logo hình con rồng quen thuộc trên tay áo trái các cầu thủ của “bầy cáo” Leicester.
Tại mùa giải năm nay, được biết không chỉ áo đấu, logo Bia Saigon cũng sẽ xuất trên sân vận động King Power – sân nhà của Leicesters, phông nền phỏng vấn cầu thủ, các bảng quảng cáo điện tử, cũng như tại các hoạt động giao lưu của đội bóng với cổ động viên.
Đây được xem là một trong những bước đi mới nhất của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), đơn vị chủ quản của Bia Sài Gòn, trong nỗ lực đưa thương hiệu này ra thị trường quốc tế.
VNA là một trong những doanh nghiệp đem thương hiệu vượt khỏi biên giới quốc gia.
Ít ngày trước sự kiện của Sabeco, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược trong thời gian 5 năm (2018 – 2023) như là bước đi hợp tác sâu hơn để phát triển thương hiệu.
Theo đó, Vinamilk sẽ cung cấp các sản phẩm với bao bì thiết kế riêng mang hình ảnh đồng thương hiệu trên các chuyến bay của Vietnam Airlines xuất phát từ Việt Nam.
Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ: “Trên con đường liên tục cải thiện sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường quốc tế, chúng tôi vui mừng khi có thể cùng các doanh nghiệp trong nước cam kết phát triển cho các mục tiêu xa hơn, vươn ra tầm thế giới.”
Sabeco, Vietnam Airlines, Vinamilk…, là những doanh nghiệp đầu ngành trong những lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam, thương hiệu tạo được vị thế trong lòng người tiêu dùng.
Nếu như Vinamilk đang giữ trên dưới 50% thị phần sữa và khi nhắc đến Vinamilk, người tiêu dùng nghĩ ngay đến những sản phẩm chất lượng, doanh nghiệp vì cộng đồng, thì nhắc đến Vietnam Airline, người tiêu dùng cũng hình dung ngay đến hãng hàng không chất lượng cao, uy tín.
Sau khi chiếm lĩnh thành công thị trường nội địa, các doanh nghiệp này đã thể hiện nỗ lực mạnh mẽ đưa sản phẩm, dịch vụ vươn khỏi biên giới quốc gia.
Tại Vinamilk, trong 2017, Công ty mở thêm 4 thị trường mới là New Zealand, Brunei, Madagasca và Yemen, nâng tổng số thị trường xuất khẩu lên 35 với doanh thu 200 triệu USD.
Trong đó, có những quốc gia yêu cầu cao về chất lượng thực phẩm như Mỹ, Nhật, Úc, Thái Lan… Lũy kế 20 năm qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk đạt khoảng 2 tỷ USD.
Để đẩy mạnh kênh xuất khẩu, bên cạnh 10 trang trại và 13 nhà máy trong nước, Vinamilk còn trực tiếp mở/mua nhà máy sản xuất tại Mỹ (Nhà máy Driftwood), New Zealand (Nhà máy Miraka), Campuchia (Nhà máy Angkor), công ty con ở Ba Lan, văn phòng đại diện tại Thái Lan để mở rộng mạng lưới sản xuất, thâm nhập thị trường tiêu thụ, hỗ trợ cung cấp nguồn nguyên liệu.
Bước ra sân chơi quốc tế, chất lượng sản phẩm, dịch vụ không chỉ được khách hàng được ưa chuộng, mà các doanh nghiệp còn khẳng định giá trị, tên tuổi bằng các giải thưởng uy tín, bằng trách nhiệm xã hội tại các thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia.
Năm 2017, Vietnam Airlines được Trung tâm hàng không châu Á – Thái Bình Dương (CAPA) công nhận là “Hãng hàng không của năm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, được World Travel Awards trao giải thưởng "Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hoá” và "Hãng hàng không hàng đầu thế giới về hạng phổ thông đặc biệt”.
Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Anh Skytrax công nhận, Vietnam Airlines là hãng hàng không 4 sao và xếp hạng 14 trong số 20 hãng hàng không có hạng phổ thông tốt nhất thế giới.
Dù đã có được kết quả đáng khích lệ, nhưng chưa hài lòng với những gì đã đạt được, các doanh nghiệp đều cho thấy những nỗ lực tiếp tục đi tìm kiếm các cơ hội quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường.
Đặc biệt, trong các vụ thoái vốn, bán vốn nhà nước những năm qua, cổ phiếu của Vinamilk, Sabeco, Vietnam Airlines… đều được nhà đầu tư mua với mức định giá trên lợi nhuận, tài sản cao hơn nhiều khi so sánh với những doanh nghiệp cùng ngành trong nước, hay trong khu vực.
“Thương hiệu là tài sản vô hình mạnh mẽ nhất và có giá trị nhất trong số các tài sản vô hình…”, ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á – Thái Bình Dương nói.
Trong danh sách 50 thương hiệu giá trị hàng đầu Việt Nam 2017 của Brand Finance công bố đầu năm nay, Vinamilk được định giá ở mức 1,36 tỷ USD, Sabeco là 598 triệu USD, Vietnam Airlines là 310 triệu USD…
Ngày 1/8/2018, Forbes Việt Nam công bố 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam năm 2018. Có mặt trong danh sách, Vinamilk được định giá 2,287 tỷ USD, Viettel 1,39 tỷ USD, VNPT 416 triệu USD, FPT 169 triệu USD, Vietjet Air 85,5 triệu USD…
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng khi thương hiệu cũng là tài sản giá trị và trong bối cảnh thế giới ngày càng “phẳng”, thay vì chờ đợi “hữu xạ tự nhiên hương”, bài toán xây dựng thương hiệu chủ động đã và đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm chú trọng, cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ góp phần hoàn thành những “giấc mơ lớn”, đưa thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế.
Theo báo ĐTCK