Tổng công ty hàng không Việt Nam đang có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) trong quý I/2019, động thái nhằm nâng cao vị thế của hãng hàng không quốc doanh trong hoàn cảnh cạnh tranh gay gắt từ các hãng hàng không giá rẻ, tờ Financial Times đưa tin.
“Chúng tôi sẽ niêm yết trên HOSE vào quý đầu tiên trong năm tới, điều này là khả thi”, ông Dương Trí Thành – Tổng giám đốc VNA cho biết. Ban quản trị công ty rất muốn thực hiện điều này, tuy nhiên quyết định cuối cùng sẽ nằm ở phía Chính phủ, ông Thành cho biết thêm.
Cổ phiếu của hãng hàng không quốc doanh VNA sẽ niêm yết trên HOSE vào quý I năm tới.
Khi lên sàn, VNA sẽ trở thành một trong những công ty có giá trị niêm yết lớn nhất trên thị trường chứng khoán, đồng thời thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách đầu tư vào Việt Nam, với thị trường du lịch quốc tế và các địa phương đang phát triển nhanh.
Tốc độ phát triển thị trường hàng không Việt Nam.
Hiện cổ phiếu của VNA đang được giao dịch trên thị trường UPCoM, giá trị vốn hóa 42.350 tỉ đồng. Nhà nước Việt Nam là cổ đông lớn nhất nắm 86% vốn điều lệ công ty và có kế hoạch giảm sở hữu xuống 51% vào năm 2020.
Năm 2016, ANA Holdings, công ty mẹ của hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways đã bỏ ra 108 triệu USD để mua lại 8,8% vốn điều lệ tại VNA. Hãng hàng không quốc gia cho biết quá trình phát hành thêm 191 triệu cổ phiếu đang được đẩy mạnh, dự kiến hoàn thành trong tháng 12 này.
Top 5 hãng hàng không cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
VNA là hãng hàng không lớn nhất Việt Nam, công ty sở hữu 51% một hãng hàng không giá rẻ là JPA, một liên doanh cùng Quantas của Úc. Theo ông Dương Trí Thành, JPA đã nỗ lực tìm kiếm lợi nhuận từ khi ra mắt vào năm 1991, công ty đang đi đúng hướng trong năm 2018 này. Sau 9 tháng đầu năm, VNA đạt doanh thu thuần 73.504 tỉ đồng và lãi sau thuế 1.969 tỉ đồng, kết quả lần lượt tăng trưởng 18% và giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo CAPA Centre for Aviation, một tổ chức tư vấn hàng không đến từ Sydney, thị trường hàng không quốc tế của Việt Nam, được thúc đẩy bởi sự phát triển du lịch, đã tăng trưởng hơn 30% một năm. Tuyến bay giữa TP HCM và Hà Nội nhộn nhịp thứ 5 trên thế giới.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp hàng không phải đối mặt với những khó khăn để tăng trưởng, bao gồm việc tắc nghẽn cảng hàng không tại TP HCM, nơi Việt Nam có kế hoạch chi 16 tỉ USD cho một sân bay quốc tế mới.
Chính phủ Việt Nam đang tăng cường việc thoái vốn tại các công ty Nhà nước trong một nỗ lực tăng thu ngân sách Nhà nước và thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế.
"Đây là một doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham gia giao dịch trên sàn chứng khoán, điều này là có lợi cho các nhà đầu tư quốc tế, đồng thời cho phép Vietnam Airlines tăng vốn dễ dàng hơn để có thể cạnh tranh với các đối thủ", Tony Foster, đối tác về luật của Freshfields tại Hà Nội cho biết.
Các nhà quản lý quỹ đồng tình quan điểm, tiềm năng của cổ phiếu HVN sẽ được đánh giá cao hơn sau khi thực hiện niêm yết. “Vietnam Airlines sẽ có tiềm lực lớn hơn trong cuộc chiến giành lại thị phần, không có lý do gì khiến doanh số của họ không thể cải thiện”.
Theo VietnamBiz