Đánh giá của ông Minh được đưa ra tại Toạ đàm Môi trường phát triển cho ngành hàng không, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 16/5. Ông Phạm Ngọc Minh (Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines) cho rằng, tăng trưởng hàng không giai đoạn 2004-2008 tuy ấn tượng, nhưng không bất ngờ, vì điều này tương tự các nước phát triển khi mở cửa bầu trời.
Ông Minh dẫn trường hợp của Mỹ năm 1978 – khi nước này mở cửa bầu trời, và có sự ra đời của hãng hàng không Southwest Airlines. Thời điểm đó, Chủ tịch Southwest Airlines nói rằng, họ ra đời để cạnh tranh hành khách với đường bộ chuyển sang đi máy bay, không phải với các hãng hàng không truyền thống.
Điều tương tự đang diễn ra ở Việt Nam, với sự bùng nổ khi hãng hàng không Vietjet tham gia thị trường. Tuy nhiên, tiến trình đó hiện đã chậm lại, khi nửa cuối năm 2018 hàng không tăng trưởng 9%, nửa đầu năm 2019 chỉ còn khoảng 7%.
“Điều đó cho thấy sự bùng nổ của hành khách chuyển từ đường bộ sang đi máy bay đã tới giới hạn. Do đó, câu chuyện cần bàn tới hiện nay là tháo nút thắt quá tải hạ tầng hàng không, như nút thắt sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Minh nói, và ông thấy tiếc khi không có đại diện Vietjet tại tạo đàm để trao đổi về vấn đề này.
Đồng thời, cạnh tranh hàng không Việt không chỉ đặt trong bối cảnh nội địa, còn phải quan tâm tới cạnh tranh quốc tế. Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, hiện các đường bay liên lục địa tới Việt Nam rất ít, khi các hãng chủ yếu bay tới Singapore, Thái Lan… do Việt Nam không có sân bay cửa ngõ tầm cỡ quốc tế.
“Có lãnh đạo Singapore từng nói với tôi, chúng ta chỉ được xem là trạm dừng xe buýt gom khách sang Singapore để bay xuyên lực địa. Do đó, hạ tầng hàng không sẽ là yếu tố quyết định để duy trì tốc độ tăng trưởng của hàng không Việt”, ông Minh nói.
Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Minh cho rằng nếu Việt Nam không có sân bay quốc tế tầm cỡ được gọi là cửa ngõ thì năng lực cạnh tranh sẽ có vấn đề.
Phó TGĐ Bamboo Airways Đặt Tất Thắng cho hay, hãng đang gặp vướng mắc về thủ tục. Hãng hành lập với kế hoạch 10 tàu bay, nay muốn tăng số lượng tàu bay phải xin chủ trương từ các bộ ngành tới Thủ tướng, thay vì chỉ cần quyết định ở Cục Hàng không hoặc Bộ GTVT. “Chúng tôi chỉ mong được cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thống nhất thể chế giữa các doanh nghiệp hàng không”, ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng không quên nêu khó khăn về nhân lực hàng không, đặc biệt nhân lực chất lượng cao như phi công, nhân sự kỹ thuật, do hãng ra sau, khi Việt Nam đã có 2 hãng hàng không lớn (Vietnam Airlines, và Vietjet – PV).
Để giải quyết “nút thắt” về nhân lực, theo ông Thắng, hãng tăng cường tuyển dụng nhân sự nước ngoài. Hiện hãng này có 30% nhân sự là người nước ngoài, chủ yếu là phi công, kỹ thuật và tiếp viên.
Cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều mong muốn được đối xử bình đẳng.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, từ năm 2001 tới nay, khi có sự tham gia của hàng không tư nhân đã tạo ra những tác động rất lớn. Từ đó, hàng không không còn độc quyền của nhà nước; từ chỗ hàng không chỉ dành cho người thu nhập cao, doanh nhân, đã trở thành phương tiện thông dụng cho mọi người. Cùng đó, hàng không tư nhân đã tạo sự năng động hơn cho thị trường hàng không Việt Nam.
“Tuy vậy, hiện hàng không Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về hạ tầng, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, và an ninh – an toàn hàng không”, ông Lộc nói.
Tại toạ đàm, đại diện các doanh nghiệp hàng không nhà nước và tư nhân, như Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Vietnam Airlines, Bamboo Airways… đều chung mong muốn được đối xử công bằng, để cùng cạnh tranh và phát triển. Phía doanh nghiệp nhà nước muốn được đối xử như doanh nghiệp tư nhân, và ngược lại.
Theo vietnamplus.vn