Theo nhận định của VNA, tình trạng trộm cắp tài sản trên máy bay sẽ tăng do hình thành một loại tội phạm hoạt động có tổ chức, manh động và mang tính chất xuyên quốc gia, chủ yếu là người mang quốc tịch Trung Quốc.
Theo thông tin từ VNA, những năm gần đây, tình trạng trộm cắp trên máy bay tăng bất thường. Năm 2016 phát hiện 23 vụ, cao điểm có ngày phát hiện 4 vụ; năm 2017 phát hiện 25 vụ; năm 2018 phát hiện 12 vụ. Riêng 7 tháng đầu năm 2019 phát hiện 13 vụ.
“Các vụ trộm cắp trên máy bay chủ yếu xảy ra trên các chặng bay nội địa, khu vực Đông Dương và chặng bay giữa Việt Nam – Hong Kong, gây tâm lý bất an cho hành khách đi máy bay, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của hãng hàng không” – ông Lê Bá Tùng, trưởng phòng an ninh hàng không của VNA, nhận định trong báo cáo gửi Cục Hàng không.
Theo VNA, từ việc phát hiện, xử lý trộm cắp trên các chuyến bay cho thấy tình trạng trộm cắp trên máy bay sẽ tiếp tục xảy ra do hình thành và hiện hữu một loại tội phạm hoạt động có tổ chức, manh động và mang tính chất xuyên quốc gia. Trong đó, chủ yếu là người mang quốc tịch Trung Quốc.
Ngoài triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn của hãng hàng không, VNA khuyến cáo ý thức cảnh giác tự bảo vệ tài sản cá nhân của hành khách, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng trong và ngoài ngành hàng không.
Những năm gần đây, tình trạng trộm cắp trên máy bay tăng bất thường (Ảnh: ABC News).
Về biện pháp xử lý đối tượng trộm cắp, VNA nhận định là chưa đủ mạnh và đảm bảo tính răn đe.
Thực tế thời gian qua, các cơ quan chức năng thường áp dụng biện pháp trục xuất, cấm nhập cảnh Việt Nam đối với các đối tượng đã làm rõ được hành vi trộm cắp và thu giữ được tang vật. Mới có 2 vụ được Phòng cảnh sát hình sự Hà Nội tiến hành khởi tố, bắt tạm giam và xử lý hình sự 2 người Trung Quốc trộm cắp trên máy bay.
Còn đối với những người có hành vi lục hành lý, không thu giữ được tang vật thì chưa có biện pháp xử lý phù hợp.
Theo VNA, chế tài xử lý hiện chưa đủ sức răn đe và ngăn ngừa tình trạng trộm cắp trên máy bay tái diễn, trong khi một số quốc gia trong khu vực đã thực hiện biện pháp tạm giam và xử lý hình sự đối với tất cả các đối tượng trộm cắp khi có đủ chứng cứ.
Ngoài ra, công tác phối hợp xử lý các vụ trộm cắp giữa các cơ quan (hãng hàng không, công an cửa khẩu, cảng vụ hàng không và lực lượng kiểm soát an ninh hàng không) chưa có sự thống nhất nên hiệu quả xử lý chưa cao.
Theo dự báo, đối với VNA, tình trạng trộm cắp tài sản của hành khách trên chuyến bay sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt trong các giai đoạn lễ tết, cao điểm hè hằng năm tới đây.
Tình trạng này tập trung trên các chặng bay nội địa do lượng hành khách đi lại bằng máy bay tăng và thường mang theo nhiều tiền, đồ vật có giá trị.
Cần cấm bay đối tượng trộm cắp
Để ngăn chặn nạn trộm cắp, VNA đề nghị Cục Hàng không Việt Nam xem xét, quyết định đưa vào diện cấm bay trên các chuyến bay nội địa và quốc tế của các hãng hàng không khai thác đến Việt Nam đối với các đối tượng trộm cắp trên chuyến bay đã bị phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc này giúp các hãng hàng không triển khai tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng này ngay từ thời điểm bán vé, đặt chỗ và làm thủ tục đi máy bay.
Đồng thời tăng cường thông tin trên các phương tiện truyền thông về tình trạng trộm cắp tài sản của hành khách trên chuyến bay và quy định, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn của ngành hàng không để hành khách cảnh giác, chủ động bảo vệ tài sản cá nhân trên chuyến bay…
VNA cũng đề nghị cơ quan chức năng của Bộ Công an tăng cường cập nhật, trao đổi thông tin về đối tượng và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trộm cắp trên chuyến bay cho các hãng hàng không.
Cùng với đó là hướng dẫn quy trình xử lý thống nhất khi xảy ra vụ việc trộm cắp trên chuyến bay đối với các cơ quan liên quan, đơn giản hóa các thủ tục lập biên bản, bàn giao, lấy lời khai, làm chứng… trên cơ sở luật định.
Bên cạnh đó, xem xét áp dụng các biện pháp tăng tính răn đe như: câu lưu, tạm giữ các đối tượng trộm cắp trong thời gian nhất định và liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao của quốc gia đối tượng mang quốc tịch để phối hợp xử lý trước khi trục xuất; trường hợp có đầy đủ chứng cứ pháp lý, đề nghị xử lý nghiêm theo pháp luật hình sự Việt Nam và cho tuyên truyền rộng rãi, không né tránh xuất xứ của đối tượng.
Theo: Tuổi trẻ
Nguyen Mai Huong-COMM