Theo anh, văn hóa an toàn hàng không là gì?
Văn hóa an toàn là cách an toàn được nhận thức, được đánh giá và được ưu tiên trong một tổ chức. Nó chính là cam kết thực sự về an toàn ở tất mọi cá nhân trong tổ chức ấy. Nói một cách đơn giản, bất kể một cá nhân nào trong tổ chức đều nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra khi chuẩn bị thực hiện một hành vi nào đó mặc dù không có ai giám sát. Hay như các chuyên gia lĩnh vực an toàn hàng không thường nói là “cách một tổ chức hành xử khi không có ai theo dõi”.
Anh hiểu như thế nào về hành vi an toàn trong văn hóa an toàn của VNA?
Đó chính là cam kết tuân thủ các quy trình an toàn đã được thiết lập dù là nhỏ nhất. Cụ thể, mỗi thành viên VNA luôn phải có tinh thần nhắc nhở, cảnh báo đồng nghiệp của mình khi họ có những hành vi gây mất an toàn cho chính bản thân họ cũng như hệ thống, đồng thời cảnh báo hệ thống để hệ thống thu thập thông tin quan trọng phục vụ cho công tác phân tích, đánh giá và phát triển các hành động phòng ngừa cần thiết như đào tạo lại, cải thiện giám sát…
Văn hóa an toàn hàng không tại VNA từ khi bắt đầu đến nay đã mang đến những chuyển biến tích cực như thế nào?
Tôi có thể quan sát thấy ý thức của anh chị em làm việc ở tuyến đầu đã có sự thay đổi rất nhiều. Cụ thể, nhiều nhân viên trong tổ chức của chúng ta đã biết chủ động nhận diện các mối nguy tiềm ẩn và gửi nhiều các báo cáo trong đó có các ý kiến đóng góp cho công tác quản lý An toàn – Chất lượng của đơn vị hay đề nghị sửa đổi, cập nhật các quy khai thác.
Anh đã tham gia vào quá trình nào trong xây dựng VHAT của VNA như thế nào?
Ở vai trò là người làm công tác huấn luyện, tôi hiểu rằng huấn luyện là một khâu cực kỳ quan trọng trong quá trình xây dựng VHAT của VNA. Mỗi bộ phận sẽ có tính chất công việc khác nhau nên cách tiếp nhận thông tin và hành xử theo chuẩn mực văn hóa an toàn (hành vi trong VHAT) cũng sẽ khác nhau. Chính vì vậy, trong quá trình huấn luyện, tôi đã cố gắng vận dụng các kiến thức mình học được từ các nguồn như sách vở, tài liệu của các chuyên gia kết hợp với cách tiếp cận dễ hiểu nhất để giúp người học có thể hiểu để lựa chọn cách áp dụng kiến thức ấy một cách phù hợp nhất vào vị trí công việc của họ.
Theo anh, mỗi CBNV của VNA cần làm gì để nắm vững về VHAT, xây dựng VHAT và thực hiện mục tiêu nâng mức VHAT từ tuân thủ lên chủ động vào năm 2020?
Mỗi cá nhân cần tự tìm tòi, học hỏi các nguồn tài liệu nói về VHAT để hiểu được tại sao một doanh nghiệp như VNA phải mang VHAT vào hoạt động kinh doanh của mình Bản thân tôi cũng nhận ra rằng phạm trù VH nói chung và VHAT hàng không nói riêng chứa rất nhiều thuật ngữ trừu tượng và tôi cũng phải tìm hiểu, đọc rất nhiều tài liệu từ nhiều nguồn về VHAT mới có thể hiểu được. Mỗi cá nhân nên chủ động tham gia các buổi điều tra (giảng bình), các buổi hội thảo, các lớp huấn luyện về an toàn để cập nhật thông tin
Anh đánh giá như thế nào về việc VNA nâng mức văn hóa an toàn từ tuân thủ lên chủ động vào năm 2020?
Đó là một tín hiệu vui vì Ban lãnh đạo TCT cũng như các ban ngành chuyên môn đã thấy được mức độ ưu tiên và cần thiết trong việc thực hiện cam kết của các cấp lãnh đạo TCT trong việc xây dựng môi trường VHAT một cách đúng nghĩa của nó.
Ở bước đầu tiên, VNA nói chung và mọi công ty thành viên nói riêng đều phải trải qua bước tiếp cận, áp dụng thử. Sau một khoảng thời gian áp dụng thực tế và đã có được kết quả nhất định, VNA đã đi bước tiếp theo là nâng mức từ phòng ngừa lên chủ động. Theo tôi, đây không chỉ là mong muốn của riêng bản thân tôi mà là của toàn bộ CBNV của VNA vì điều ấy sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều giá trị như phân tích, dự đoán tốt hơn các mối rủi ro tiềm ẩn kèm theo các giải pháp phù hợp để quản lý các nguy cơ gây mất an toàn.
Anh có ý kiến đóng góp gì để giúp VNA xây dựng VHAT thực sự đi sâu vào tiềm thức, hành động và trách nhiệm của mọi CBNV?
Để xây dựng được môi trường VHAT thực sự đi sâu vào tiềm thức đến hành động, tôi nghĩ VNA cần tổ chức nhiều các hội thảo về VHAT, đưa ra hội thảo các gương người tốt, việc tốt trong lĩnh vực an toàn và các vụ việc cần đưa ra làm các tình huống trong các cuộc hội thảo, lớp học liên quan. Từ đây, mọi người dần hiểu được giá trị của việc tuân thủ các quy đình là gì và các thông tin mà họ nhận được từ hệ thống thông tin họ cung cấp cho hệ thống.
Bên cạnh đó, mọi cấp lãnh đạo phải tạo được “nền văn hóa công bằng”, một bầu không khí tin cậy, trong đó mọi người được khuyến khích, thậm chí được khen thưởng, vì đã cung cấp thông tin thiết yếu liên quan đến an toàn – nhưng trong đó họ cũng phải rõ ràng về việc phải vạch ra ranh giới giữa hành vi được chấp nhận và không được chấp nhận.
VNA cần rút kinh nghiệm từ các tai nạn và sự cố thông qua điều tra an toàn để có hành động thích hợp nhằm ngăn chặn sự lặp lại của các sự kiện đó. Ngoài ra, điều quan trọng là ngay cả những sự cố có vẻ nhỏ cũng phải được điều tra, để ngăn chặn chất xúc tác cho những tai nạn lớn. Phân tích và điều tra an toàn là một phương tiện cần thiết và hiệu quả để cải thiện an toàn, bằng cách học từ các sự cố an toàn và áp dụng các hành động phòng ngừa phù hợp.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Vu Hoang Quy – COMM