[27/7] Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay

Hôm nay, cùng với cả nước, chúng ta cùng ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của thế hệ cha anh. Và tôi cũng như thế hệ sinh ra đầu thập niên 90, luôn thầm biết ơn các bậc tiền bối cách mạng, anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh, biết ơn các thương binh đã cống hiến thân mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc – Nam

Chẳng biết chiến tranh là gì

Chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha…”

Những ca từ trong bài hát Lá cờ của nhạc sĩ – ca sĩ Tạ Quang Thắng lấy từ câu chuyện đời thật từ ba mẹ của anh, những người đã hi sinh tuổi thanh xuân của mình để chiến đấu, góp phần cho độc lập tự do của đất nước. 

Cũng như tôi, thế hệ sinh ra đầu thập niên 90, được sống trong hoà bình không thể hiểu được và mường tượng ra những gì đã xảy ra trong quá khứ, trong chiến tranh, chỉ biết thông qua những thước phim tài liệu, hình ảnh hay những lần tham quan bảo tàng. Trải qua bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, đã có biết bao người đã chiến đấu hết mình để bảo vệ một nước Việt Nam toàn vẹn lãnh thổ như ngày hôm nay. Họ chẳng tiếc thân mình, ra đi với lý tưởng cao đẹp về một quê hương không tiếng súng, nhân dân được sống giữa bầu trời bình yên, ấm no và hạnh phúc.

Và cũng chính vì những ý nghĩa cao đẹp đó mà ngày 27/7 hàng năm được chọn là ngày thương binh, liệt sĩ. Ngày để chúng ta tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền bối cách mạng, anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh, biết ơn các thương binh đã cống hiến thân mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây cũng là dịp để các thế hệ trẻ nhìn nhận lại những giá trị mà ông cha ta đã dày công vun đắp và từ đó tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện, lao động để xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu đẹp hơn.

Cách đây 2 năm, tôi có cơ hội cùng các anh chị trong Chi bộ Liên đội 1 và Liên đội 2 đi về nguồn thăm các địa điểm di tích lịch sử – cách mạng tại các địa chỉ đỏ ở miền Trung. Thăm làng Sen quê Bác, tượng đài Mẹ Suốt bên bờ sông Nhật Lệ – Quảng Bình, và đặc biệt nhất để lại ấn tượng trong tôi là Ngã ba Đồng Lộc – một nút giao thông chiến lược quan trọng để miền Bắc chi viện cho miền Nam trong những ngày tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ. 

alt text
Chi bộ Liên đội TV 1 và Chi bộ Liên đội TV 2 ĐTV viếng Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc. (Ảnh: ĐTV – trước 01/02/2020).

Đến đây, tôi được nghe những câu chuyện về 10 cô gái thanh niên xung phong. Họ là những cô gái trẻ tuổi vừa mười chín đôi mươi, sống trong điều kiện thiếu thốn vất vả, hàng ngày đối diện với bom mìn, lửa đạn, đối diện với cái chết gần trước mắt nhưng vẫn kiên cường, dũng cảm, vượt qua những nỗi sợ của bản thân để hi sinh cho công cuộc thống nhất nước nhà. Cả đoàn chúng tôi đi đến từng mộ, thắp hương và lòng thầm biết ơn họ. 

Tôi vẫn nhớ, khi thực hiện nhiệm vụ trên chuyến bay TP.HCM – Hà Nội, cũng không có gì đặc biệt nếu như hành khách không phải là một đoàn các cô chú lớn tuổi – cựu chiến binh vào Nam để thăm lại chiến trường xưa. Đến khi xuống máy bay, các bác tươi cười, niềm nở và cảm ơn VNA đã phục vụ tận tình chu đáo, vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi và chia sẻ, các bác già rồi không biết có lần sau để quay lại miền Nam không nữa. Mặc dù gương mặt đã đầy nếp nhăn, mái tóc đã bạc nhưng họ đã có một tuổi thanh xuân thật đẹp, một cuộc đời ý nghĩa. 

Tôi thầm cảm ơn họ, vì nhờ có họ mà thế hệ trẻ như tôi mới được sống trong hoà bình, độc lập. Vậy mà đôi lúc, trước những khó khăn của cuộc đời lại hay than vãn, trách móc chứ ít khi ngồi nhìn nhận lại những gì mình may mắn như thế nào. Và ngày đi làm hôm đó đối với tôi quả là một trong những ngày đáng nhớ của cuộc đời. Kết thúc chuyến bay trở về nhà mà đâu đó trong tôi vang lên câu hát: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.