Văn bản liên quan đến Đấu thầu |
1.Những điểm lưu ý của Thông tư 05/2024/TT-BKHĐT quản lý các chi phí trong chọn nhà thầu, nhà đầu tư
a, Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1).
Thông tư 05/2024/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc quản lý và sử dụng các chi phí trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống) theo quy định tại Luật Đấu thầu 2023, Luật Đầu tư 2020 theo phương thức đối tác công tư.
b, Đối tượng áp dụng (Điều 2).
Tổ chức, cá nhân tham gia, sử dụng hoặc có liên quan đến hoạt động đấu thầu trên Hệ thống.
Tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, vận hành Hệ thống.
c) Về Mức thu các loại chi phí trong chọn nhà thầu, nhà đầu tư (Điều 4)
– Chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực của nhà thầu trên Hệ thống thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 11 Điều 12 Nghị định 24/2024/NĐ- CP;
– Chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực của nhà đầu tư trên Hệ thống là 330.000 đồng cho 01 năm (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Nhà đầu tư nộp chi phí này kể từ năm thứ hai trở đi sau năm đăng ký tham gia Hệ thống;
– Chi phí nộp hồ sơ dự thầu trên Hệ thống thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 11 Điều 12 Nghị định 24/2024/NĐ-CP;
– Chi phí đối với nhà thầu trúng thầu của gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường áp dụng đấu thầu qua mạng thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 11 Điều 12 Nghị định 24/2024/NĐ-CP;
– Chi phí kết nối chức năng bảo lãnh dự thầu điện tử giữa Hệ thống với các tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 11 Điều 12 Nghị định 24/2024/NĐ-CP;
– Chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực của nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia:
330.000 đồng cho 01 năm (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Nhà thầu nộp chi phí này kể từ năm thứ hai trở đi sau năm đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
– Chi phí nộp hồ sơ dự thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia:
330.000 đồng cho 01 gói thầu (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường; 220.000 đồng cho 01 gói thầu (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) đối với chào hàng cạnh tranh;
– Chi phí đối với nhà thầu trúng thầu của gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường áp dụng đấu thầu qua mạng:
+ Đối với gói thầu không chia phần: tính bằng 0,022% giá trúng thầu nhưng tối đa là 2.200.000 đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).
+ Đối với gói thầu chia thành nhiều phần, tổng chi phí nhà thầu trúng thầu đối với tất cả các nhà thầu trúng thầu không vượt mức tối đa là 2.200.000 đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).
+ Trường hợp giá trị của 0,022% nhân với tổng giá trúng thầu của gói thầu thấp hơn hoặc bằng 2.200.000 đồng thì chi phí nhà thầu trúng thầu của mỗi nhà thầu được tính bằng 0,022% tổng giá trị trúng thầu đối với các phần mà nhà thầu trúng thầu.
+ Trường hợp giá trị của 0,022% nhân với tổng giá trúng thầu của gói thầu vượt mức 2.200.000 đồng thì chi phí nhà thầu trúng thầu của mỗi nhà thầu được tính theo công thức sau:
Chi phí nhà thầu trúng thầu (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) =
2.200.000 đồng x (tổng giá trị trúng thầu đối với các phần mà nhà thầu trúng thầu/tổng giá trúng thầu của gói thầu).
– Chi phí kết nối chức năng bảo lãnh dự thầu điện tử giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với các tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam: được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa đơn vị vận hành, giám sát Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và các tổ chức, doanh nghiệp này.
d) Hiệu lực thi hành (Điều 10)
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 4 năm 2024.
Thông tư này thay thế Thông tư số 06/2021/TT- BKHĐT ngày 30 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc thu, nộp, quản lý và sử dụng các chi phí về đăng ký, đăng tải thông tin, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu.
2. Giới thiệu về Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT
Sau khoảng thời gian ngắn có hiệu lực, Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT bộc lộ nhiều nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung về các biểu mẫu và một số nội dung khác phù hợp với thực tiễn đấu thầu. Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư (KH&ĐT) đã ban hành Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT ngày 26/04/2024, để thay thế cho Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT, một số điểm cần lưu ý sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các Mẫu hồ sơ mời thầu (trừ thuốc)
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 31 Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT có quy định như sau:
Thông tư này thay thế Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT, trừ nội dung quy định tại khoản 3 Điều này.
Mẫu số 7A và Mẫu số 7B ban hành kèm theo Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành cho đến khi Thông tư hướng dẫn về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực thi hành.
Như vậy, kể từ ngày Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT có hiệu lực, tất cả các mẫu hồ sơ mời thầu theo quy định tại Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT không còn được sử dụng, trừ Mẫu số 7A và Mẫu số 7B ban hành kèm theo Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành cho đến khi Thông tư hướng dẫn về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực thi hành.
b) Bổ sung thêm quy định cho nhà thầu là cá nhân
Theo quy định tại Mục 2, nhà thầu là cá nhân Chương IV (từ Điều 71 đến Điều 75) Nghị định 24/2024/NĐ-CP có quy định thêm về gói thầu dành cho tư vấn là cá nhân, chính vì vậy, trong Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT (điểm c khoản 8 Điều 3) bổ sung:
“Tổ chức tham gia Hệ thống là các cơ quan, tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia Hệ thống với một hoặc một số vai trò như sau:
– Chủ đầu tư;
– Bên mời thầu;
– Nhà thầu (cá nhân, nhóm cá nhân tham gia gói thầu tư vấn cá nhân; cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp sáng tạo tham gia gói thầu mua sắm hàng hóa; tổ chức; hộ kinh doanh)”.
Ngoài các cơ quan, tổ chức có thể tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia như trước, theo quy định mới tại Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT, các nhà thầu là cá nhân cũng có thể đăng ký tài khoản để tham gia đấu thầu qua mạng.
c) Bổ sung thêm Phụ lục 3B – Mẫu Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu
So với Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT, Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT có bổ sung thêm Phụ lục 3B – Mẫu Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
d) Làm rõ các thông tin đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
Khoản 1 Điều 20 Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT bổ sung/ quy định cụ thể một số thông tin cần được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia gồm:
“ Ngoài các thông tin được đăng tải trên Hệ thống theo quy định tại các Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 19 của Thông tư này, các thông tin khác được đăng tải và thực hiện trên Hệ thống gồm:
a) Biên bản mở thầu đối với đấu thầu không qua mạng được đăng tải trên Hệ thống trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm mở thầu;
b) Quyết định hủy thầu được đăng tải trên Hệ thống trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định;
c) Văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, người có thẩm quyền được đăng tải trên Hệ thống trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành văn bản giải quyết kiến nghị;
d) Danh sách nhà thầu đáp ứng về kỹ thuật đối với đấu thầu không qua mạng được đăng tải trên Hệ thống trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt;
đ) Đối với phương thức đấu thầu hai giai đoạn, danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn một và danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật giai đoạn hai phải được đăng tải trên Hệ thống chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt;
e) Danh sách nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam được đăng tải trên Hệ thống trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hợp đồng ký kết với nhà thầu nước ngoài có hiệu lực”.
e) Bổ sung quy định đánh giá E-HSDT với gói thầu mua sắm tập trung
Khoản 1 Điều 28 Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT, quy định về việc đánh giá E-HSDT với gói thầu mua sắm tập trung, quy trình đánh giá E-HSDT:
“Quy trình 01 áp dụng cho tất cả các gói thầu, gồm: đánh giá tính hợp lệ của E-HSDT; đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; đánh giá về kỹ thuật; đánh giá về tài chính.
Đối với gói thầu mua sắm tập trung cần lựa chọn nhà thầu theo khả năng cung cấp, việc đánh giá về bảo đảm dự thầu, doanh thu bình quân hằng năm, hợp đồng tương tự, năng lực sản xuất được thực hiện tại bước đánh giá về tài chính”.