[28/6] Những kỷ niệm khó phai của gia đình tiếp viên VNA

Những câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Thị Huyền Trang và anh Trần Đức Minh có lẽ là điển hình cho rất nhiều cặp vợ chồng trong đại gia đình VNA. Hãy cùng VNA Spirit trò chuyện với chị Huyền Trang để khám phá những kỷ niệm khó phai của cặp đôi tiếp viên này.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chào chị Trang, chị có thể giới thiệu về gia đình nhỏ của mình với độc giả của VNA Spirit?

Xin chào độc giả của VNA Spirit, tên tôi là Nguyễn Thị Huyền Trang, 37 tuổi và chồng tôi là anh Trần Đức Minh, 39 tuổi. Chúng tôi cùng gia nhập đội ngũ tiếp viên hàng không và gắn bó với Vietnam Airlines từ năm 2006. Tôi và anh Minh đã kết hôn vào năm 2010. Sau 13 năm chung sống gia đình nhỏ của tôi đã có được 2 cô con gái, một bé 12 tuổi và một bé 7 tuổi.

Chị Huyền Trang và anh Đức Minh cùng gia nhập đội ngũ tiếp viên hàng không và gắn bó với Vietnam Airlines từ năm 2006. (Ảnh: NVCC)

Cơ duyên nào đã đưa vợ chồng chị đến với nhau và cùng gắn bó với VNA?

Câu chuyện của tôi và anh Minh thật sự là một ví dụ điển hình cho rất nhiều cặp vợ chồng trong đại gia đình VNA. Vào năm 2005, khi còn là cô gái, chàng trai mới 19, đôi mươi rời thủ đô Hà Nội để tham gia khóa đào tạo tiếp viên hàng không, tôi và anh Minh hữu duyên được sắp xếp học cùng lớp, ngồi chung bàn.

Trải qua những tháng ngày học tập và rèn luyện cùng nhau, chúng tôi đã vượt qua bao khó khăn, thử thách. Từ một mối quan hệ bạn bè thân thiết, chẳng biết Ông Tơ Bà Nguyệt cả hai thành một đôi từ lúc nào cho dù giữa chúng tôi có khá nhiều điểm trái ngược nhau. Đó thực sự là những kỷ niệm khó phai và là những dấu mốc quan trọng trong cuộc sống của cả hai.

Chị có thể chia sẻ bí quyết làm thế nào để giữ lửa hạnh phúc gia đình mà vẫn đảm bảo công việc được hoàn thành?

Với đặc thù công việc phải di chuyển liên tục, nghề tiếp viên hàng không có lẽ rất hấp dẫn trong con mắt các bạn trẻ vì cơ hội được trải nghiệm, khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống khi được đặt chân tới nhiều vùng đất, nhiều quốc gia. Tuy nhiên, đó cũng chính là khó khăn lớn nhất đối với những gia đình có cả hai vợ chồng đều là những tiếp viên hàng không.

Với gia đình chị Trang – anh Minh thì việc giữ lửa hạnh phúc gia đình là việc cả hai cùng phải làm. (Ảnh: NVCC)

Người xưa thường nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Song, với gia đình chúng tôi thì việc giữ lửa hạnh phúc gia đình là việc cả hai cùng phải làm. Cũng vì cùng nghề nên tôi và anh Minh luôn thấu hiểu, chia sẻ với nhau những bộn bề, khó khăn trong cuộc sống và công việc. Sau những chuyến bay dài, những đêm trằn trọc trong khách sạn nơi đất khách quê người, những bữa ăn vội vã trên máy bay, được trở về với mái ấm nhỏ, quây quần trò chuyện bên mâm cơm gia đình luôn là khoảng thời gian chúng tôi thấy quý giá và trân trọng nhất.

Nếu hình dung cụ thể nơi nào chứa nhiều “lửa” nhất trong gia đình chúng tôi theo cả nghĩa đen lẫn bóng thì đó chính là căn bếp nhỏ. Có khi là mẹ, khi là bố, có lúc là cả nhà cùng nhau bên bếp lửa hồng nấu những món ăn yêu thích. Với cả gia đình tôi, bữa cơm gia đình là nơi chúng tôi gửi gắm biết bao tâm tình đôi khi không nói ra được thành lời. Mọi thương yêu, quan tâm chăm sóc của các thành viên trong gia đình đều được cùng nhau sẻ chia tại đây. Hay cả những hờn giận, muộn phiền, lo lắng cũng được chính nơi đây chữa lành.

Chị có thể chia sẻ kỷ niệm đặc biệt nhất của gia đình mình?

Trong quãng thời gian 13 năm qua, gia đình chúng tôi có biết bao kỉ niệm vui buồn nên để nói về kỉ niệm đáng nhớ nhất thì thật khó. Tuy vậy tôi xin được chia sẻ với độc giả của VNA Spirit về một kỉ niệm mà tôi nghĩ đã xảy ra với nhiều gia đình trong đó có cả những gia đình VNA.

Nhớ lại giai đoạn căng thẳng đầu tiên của đại dịch Covid-19, sau chuyến bay dài đi Frankfurt, anh Minh những tưởng sẽ được về nhà nghỉ ngơi thì bỗng nhiên chuyến bay nhận tin xấu là có 1 hành khách là F0. Anh mau chóng bị đi cách ly tập trung 14 ngày. Trong tình cảnh nguy cấp ấy, tâm lý cả gia đình rất hoang mang lo lắng. Hai đứa con gái nghe tin bố không được về nhà thì sợ hãi oà khóc nhưng vẫn lụi cụi phụ mẹ xếp quần áo cho bố.

Đó là lần đầu tiên các con tôi phải xa bố lâu như vậy. 14 ngày anh ở khu cách ly là 14 buổi chiều 3 mẹ con chỉ dám đứng nhìn từ xa chỉ để được nhìn thấy anh vẫn bình an. Tôi vẫn nhớ mãi khoảnh khắc của những cái hôn gió, những giọt nước mắt âm thầm rơi trong nhớ nhung, mong ngóng ngày anh được về nhà.

“Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”. (Ảnh: NVCC)

Câu nói, quan điểm sống mà chị tâm đắc nhất về cuộc sống gia đình là gì?

Có 1 câu nói mà tôi tâm đắc và cũng chính là quan điểm của tôi về cuộc sống gia đình: “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”.

Nhân ngày Gia Đình Việt Nam, chúng tôi xin chúc mỗi gia đình Việt Nam nói chung và mỗi “gia đình VNA” nói riêng luôn vững vàng, sát cánh bên nhau vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống. Mong bình an và hạnh phúc đong đầy đến với mọi nhà.

Nguyen The Son-COMM
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.