[28/6]: Tôi biết ơn gia đình nhỏ, có ông nội, bố mẹ và “gia đình lớn VNA” đã luôn ở bên

Là đứa trẻ được nuôi lớn từ câu chuyện về những cánh bay chứa đầy lòng tự hào dân tộc của ông nội – phi công Đoàn bay 919, tinh thần hết mình vì khách hàng của bố (VIAGS) và sự cẩn trọng, tập trung, coi sự an toàn là trên hết của mẹ (kiểm soát viên không lưu), Cơ phó Phạm Sơn Hải – Đội bay B787 cảm thấy biết ơn vì mỗi ngày, anh lại được hít đầy “bầu không khí hàng không” vào lồng ngực và hứng khởi đưa những “cánh chim sắt” bay đi muôn nơi.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Hôm nay bay đi đâu thế Hải?”

“Đức chú ạ”

“Thuận buồm xuôi gió nhé”

“Vâng, chú cũng vậy nhé!”

Một cuộc hội thoại ngắn với người đồng nghiệp tình cờ gặp ở hành lang khiến Cơ phó Phạm Sơn Hải có chút bùi ngùi. Dù từ khi gắn bó với “phòng làm việc trên mây”, anh đã thực hiện các chuyến bay ra nước ngoài rất nhiều lần nhưng lần nào cũng vậy, cảm xúc của anh trước mỗi chuyến bay đều khá đặc biệt.

Chuyến bay đầu tiên của anh đi ra thế giới là bay tới Úc, không phải với vai trò là người ngồi trong buồng lái mà lại là hành khách. Khi đó anh chỉ mới học lớp 12. Ông nội, người anh kính trọng nhất vừa qua đời không lâu.

Sau 3 tháng đào tạo ở Nha Trang rồi tiếp tục có thêm 2 năm đào tạo ở Mỹ, anh Hải về Việt Nam tham gia huấn luyện chuyển loại máy bay rồi chính thức khoác lên mình bộ đồng phục phi công của VNA. (Ảnh: NVCC).

Ngồi trên khoang hành khách, ngắm nhìn bầu trời trong xanh của nước Úc, anh nghĩ tới cả cuộc đời gắn liền với nghề bay của ông, từ khi còn là phi công chiến đấu, cùng đất nước giành lại độc lập cho tới khi chuyển sang hàng không dân dụng. Lòng yêu nước của ông luôn vẹn nguyên, tròn đầy, chúng chỉ chuyển hoá từ tinh thần dũng cảm chiến đấu vì đất nước sang tinh thần phụng sự cho người dân và đóng góp vào sự phát triển của đất nước mà thôi. Và anh thực lòng rất ngưỡng mộ điều đó.

Với những đứa trẻ khác, Tấm Cám hay Grims hoặc truyện cổ Andersen là bạn đồng hành trong những năm tháng tuổi thơ thì với anh Hải, đó là bầu trời và máy bay, là những câu chuyện về nghề, về kỹ thuật lái máy bay, về tâm lý của người phi công mà ông nội vẫn thường kể.

Những kỷ vật, hình ảnh về ông nội Phạm Quốc Hiu – cơ phó tàu bay Tu134 luôn được Cơ phó Phạm Sơn Hải gìn giữ nhiều năm qua. (Ảnh: NVCC).

Thế nhưng cũng như bao cô cậu học trò cấp 3 khác chưa nghĩ được quá xa, anh đã cho rằng mình sẽ chỉ xem ngành hàng không là một điều gì đó rất thân thuộc, rất gần gũi, như gia đình mình. Chỉ thế thôi. Còn anh sẽ học ngành truyền thông để thoả mãn đam mê được bay nhảy.

Rồi một lần nữa, nhớ tới những điều mình đã suy nghĩ trong chuyến đi tới Úc, nhớ đến những điều ông dạy, anh Hải quyết định theo học nghề phi công. Nhờ tinh thần học hỏi từ bé mà ông chỉ dạy nên có thể đối với nhiều người, học phi công rất khổ cực thì với anh lại vô cùng thích thú.

Sau 3 tháng đào tạo ở Nha Trang rồi tiếp tục có thêm 2 năm đào tạo ở Mỹ, anh Hải về Việt Nam tham gia huấn luyện chuyển loại máy bay rồi chính thức khoác lên mình bộ đồng phục phi công của VNA.

Ngày kết thúc khoá đào tạo phi công ở Mỹ trở về, anh đã ước gì ông nội còn sống để được thấy anh cứng cáp, trưởng thành hơn cậu nhóc ngày xưa biết nhường nào.

“Dù ông đã nghỉ hưu rất lâu trước khi tôi bắt đầu công việc nhưng có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp của ông vẫn còn công tác. Được bay cùng các chú, các bác, tôi thấy rất thân thuộc. Cảm giác VNA giống như một gia đình lớn nhiều thế hệ, có người già, người trẻ, tất cả cùng làm việc và chia sẻ chung “bầu không khí hàng không”. Vì vậy mà với tôi, việc bay trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn nhiều” – Cơ phó Phạm Sơn Hải chia sẻ.

Phi công Phạm Sơn Hải (bên phải), thế hệ thứ 3 của phi công Đoàn bay vinh dự, tự hào được trở thành phi công của Đoàn bay 919, được nối tiếp truyền thống gia đình qua nhiều thế hệ. Anh tự hào khi được đón tiếp những thế hệ phi công đi trước cũng là đồng nghiệp của ông nội trong dịp kỷ niệm 60 năm Đoàn bay. (Ảnh: NVCC).

Khi được hỏi về lợi thế của một người có gia đình cùng làm chung ngành với mình, anh Hải cho biết bố mẹ hiểu rất rõ về những ưu nhược điểm của nghề nên có những góc nhìn rất thật đối với áp lực công việc của anh, vì vậy mà chia sẻ, hỗ trợ anh nhiều để anh có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho công việc. Thêm vào đó, bạn bè, đồng nghiệp của ông và bố cũng rất “thẳng tay” với anh, nên giúp anh trưởng thành nhanh hơn.

Mừng ngày gia đình Việt Nam, anh Hải biết ơn gia đình nhỏ, có ông nội và bố mẹ đã luôn ở bên và gia đình lớn VNA cũng luôn đồng hành cùng anh mỗi ngày.

Cơ phó Phạm Sơn Hải biết ơn gia đình nhỏ, có ông nội và bố mẹ đã luôn ở bên và gia đình lớn VNA cũng luôn đồng hành cùng anh mỗi ngày. (Ảnh: NVCC)

“Chúc bố mẹ tiếp tục phấn đấu, công tác, trau dồi bản thân mỗi ngày trong công việc. Ngành hàng không Việt Nam nói chung và VNA nói riêng đã bước vào thời kỳ mới, rất phát triển nên nhà mình cần cố gắng theo kịp. Còn với gia đình lớn VNA, chúc các đồng nghiệp luôn phát huy được những giá trị truyền thống, dùng các giá trị đó để tiếp tục học hỏi, sáng tạo cho phù hợp với thời kỳ đổi mới. Chúc cho chúng ta luôn là một phần đại diện cho Quốc gia một cách thành công nhất” – anh Hải nhắn gửi.

VNA Spirit chúc anh và gia đình luôn mạnh khoẻ, thành công, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của VNA nói riêng và cho ngành hàng không Việt nói chung!

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.