[27/7] Niềm tự hào về người cha – Dẫn đường trên không máy bay dân dụng IL-18

Đôi khi, một ước mơ không chỉ được nuôi lớn bằng hạnh phúc, tình yêu thương hay niềm tự hào, nó còn được trưởng thành từ chính những đau thương, mất mát. Khi ấy, những nỗi mất mát sẽ không chỉ còn đơn thuần là nỗi đau, mà đã biến thành động lực tiếp sức cho ước mơ ngày một lớn dần. Đó chính là câu chuyện về khát khao được tự mình điều khiển những “chú chim sắt” bay lượn trên bầu trời của Cơ trưởng Phạm Lê Long – Trưởng phòng Đào tạo Đoàn bay 919.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Niềm ao ước điều khiển “chú chim sắt” hun đúc từ người cha Dẫn đường trên không

Ngày 26 tháng 3 của 42 năm về trước, trong một chuyến bay làm nhiệm vụ trên vùng trời tỉnh Hà Sơn Bình, nay là tỉnh Hòa Bình, Đại úy Phạm Hải Hiệp – Dẫn đường trên không máy bay dân dụng IL-18, Đoàn bay 919, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã hy sinh, để lại người vợ của mình cùng hai người con, trong đó cậu con trai chưa đầy 5 tuổi.

Liệt sĩ Phạm Hải Hiệp – Dẫn đường trên không máy bay dân dụng IL-18, Đoàn bay 919. (Ảnh: NVCC).

42 năm trôi qua, trong ký ức của cậu bé 5 tuổi ngày nào – Cơ trưởng Phạm Lê Long, Trưởng phòng Đào tạo Đoàn bay 919, hình ảnh của người cha thân yêu hiện lên không thật sự rõ nét, bởi khi ấy anh còn quá nhỏ. Thứ anh còn nhớ nhất có lẽ hình ảnh bộ quân phục phi công của ông cùng tiếng tiếng ù ù của máy bay khi cất cánh.

“Khi bố tôi mất tôi còn rất nhỏ nên không có nhiều kỷ niệm về bố. Ngoài các câu chuyện mẹ và họ hàng kể thì tôi còn biết qua một số bức ảnh của bố với bộ quân phục phi công và một số ký ức khi bố đưa mẹ con tôi về thăm Bà ngoại khi đi trên bãi cát bờ sông Đà, hay lúc đi xe điện bánh lốp khi qua vườn hoa Gia Lâm”.

Cha mẹ cho chúng ta một cuộc đời, cho chúng ta những bệ phóng để vươn đến trời cao. Cha mẹ cũng luôn là bờ vai yên bình nhất để chúng ta dựa vào những khi thất bại, những khi mệt mỏi trong dòng đời đua chen. Vắng đi hơi ấm và sự che chở của cha, cậu bé Long lớn lên từng ngày trong vòng tay của mẹ. Những khó khăn là điều không thể tránh khỏi, nhưng rồi mọi thứ rồi cũng qua, sau cơn mưa, trời lại sáng.

“Mẹ tôi đã rất vất vả để nuôi hai chị em tôi trưởng thành. Mẹ tôi thường nói: “… để lo cho hai chị em thì phải tốn 2 giọt mồ hôi vì có một mình mẹ”. Thời học sinh thì tôi vẫn ham chơi như những đứa trẻ khác. Sau này khi đi học và đi làm, mỗi khi gặp khó khăn thì tôi luôn tự nhủ: “cố gắng, cố gắng hơn nữa để vượt qua”.

Cơ trưởng Phạm Lê Long, Trưởng phòng Đào tạo Đoàn bay 919 dâng hương tưởng nhớ về cha và các Liệt sĩ Đoàn bay đã hy sinh tại nhà Truyền thống của đơn vị. (Ảnh: Mai Hương).

Không có quá nhiều kí ức về người cha của mình, khát khao nối nghiệp phi công của anh Long được vun đắp từ chính những câu chuyện, những kỷ niệm của cha anh qua lời kể của những người thân trong gia đình. Cộng với ý chí, động lực của bản thân, đến năm 1993, anh Long hạ quyết tâm làm phi công dù khi ấy anh đang là sinh viên Đại học Tổng hợp năm thứ 3.

“Nhà tôi ở đường Phi Trường (tên cũ của phố Nguyễn Sơn), từ nhỏ tôi hay vào khu vực sân bay Gia Lâm để chơi và thích xem các máy bay vận tải quân sự bay huấn luyện cất hạ cánh. Khi đấy chúng tôi ao ước sau này trở thành phi công để có thể điều khiển “chú chim sắt” bay lượn trên bầu trời.

Năm 1993, khi đang là sinh viên năm thứ 2 thuộc Viện Tin học – Điện tử trực thuộc Đại học Tổng hợp (tên gọi cũ của ĐHQG Hà Nội) tôi định đăng ký tham gia khám tuyển phi công nhưng khi đấy mẹ tôi khuyên là nên học xong Đại học vì một phần lo cho con khi theo nghề phi công (nguy hiểm), một phần mẹ muốn tôi có bằng Đại học để sau này dễ xin việc hơn. Nhưng sau hoàn thành 2 năm học đại cương, tôi đã đăng ký khám tuyển cuối năm 1994 và được trúng tuyển sau đó”.

Anh Long vẫn nhớ như in, sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện về Đoàn bay thì được nghe các chú, các bác kể lại những kỷ niệm về bố khi cùng ở chung đơn vị thời bộ đội khiến anh càng tự hào hơn bao giờ hết. Khoảnh khắc ấy như in sâu vào tâm trí của chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp đang hừng hực tinh thần cống hiến, anh tự nhủ cần phải học tập và rèn luyện tốt để sau này có thể trở thành một phi công tốt và luôn mang đến các chuyến bay an toàn cho hành khách.

Nỗ lực kế thừa xứng đáng với truyền thống Đoàn bay 919

Năm 1995, anh Long được tuyển dụng vào VNA và được cử đi học khóa phi công cơ bản đầu tiên tại SEFA – Cộng hoà Pháp năm 1996. Sau khi tốt nghiệp vào tháng 12/1997, anh bay ở vị trí lái phụ máy bay ATR72 trong 2 năm. Trong 10 năm tiếp theo, anh là lái phụ máy bay Boeing 767 và 777.

Năm 2010, anh tham gia khóa chuyển loại và nâng cấp lái chính máy bay Airbus 330 và sau đó chuyển loại A350 năm 2016. Hiện nay anh đang là lái chính và giáo viên A350, đồng thời là Trưởng phòng Đào tạo – Đoàn bay 919.

Khát khao nối nghiệp phi công của anh Long được vun đắp từ chính những câu chuyện, những kỷ niệm của cha anh qua lời kể của những người thân trong gia đình và các thế hệ đi trước tại Đoàn bay. (Ảnh: NVCC).

Là một Trưởng phòng Đào tạo tại Đoàn bay, anh Long chia sẻ: “Phi công là một trong những nghề mang tính chất khá đặc thù và là sự kết hợp của rất nhiều kỹ năng cùng kinh nghiệm được đúc kết qua thời gian huấn luyện và khai thác. Do vậy, người phi công phải luôn xác định, không ngừng học hỏi, tự trau dồi kiến thức, kỹ năng và rèn luyện về thể lực cũng như trí lực để hoàn thiện và đảm bảo an toàn cho các chuyến bay”.

Trong những ngày tháng 7 đặc biệt, tháng của tri ân và tưởng nhớ thế hệ cha anh đã ngã xuống và hy sinh một phần xương máu để bảo vệ Tổ quốc, anh Long xúc động bày tỏ: “Gia đình tôi có hai thế hệ là Liệt sĩ, ông nội tôi là liệt sĩ chống Pháp, hi sinh năm 1954. Bà nội tôi cũng được Đảng và Nhà nước truy tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Do vậy, gia đình tôi rất xúc động khi được Đảng ủy, Ban Lãnh đạo TCTHK và Đoàn bay 919 đã quan tâm và động viên thăm hỏi nhân dịp lễ 27/7 kỷ niệm ngày thương binh, Liệt sĩ”.

Long luôn tự nhủ cần phải phát huy hơn nữa truyền thống của gia đình, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của đơn vị. (Ảnh: Mai Hương).

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng và trưởng thành trong Đoàn bay 919 anh hùng, anh Long luôn tự nhủ cần phải phát huy hơn nữa truyền thống của gia đình, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của đơn vị. Đối với nhiệm vụ bay, luôn đảm bảo an toàn và hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý đào tạo và huấn luyện phi công.

“Tôi nghĩ thế hệ phi công chúng tôi không chỉ chăm lo công việc hiện tại, mà cũng phải suy nghĩ và hành động theo gương những thế hệ đi trước, đồng thời bồi dưỡng và phát triển các bạn trẻ cho để kế thừa xứng đáng truyền thống Đoàn bay 919. Từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng VNA và nghành HKVN ngày càng phát triển” – anh Long bày tỏ.

Và có rất nhiều người con, người em, người cháu đã kế tục sự nghiệp của cha, của anh, của chú mình như vậy, bằng một tình yêu bất tận với bầu trời tại Đoàn bay 919 anh hùng.

Le Thi Hang-COMM
Share bài viết:

Bình luận 14

  1. HH nói:

    Chúc Capt. Long thật nhiều sức khỏe và có nhiều chuyến bay an toàn ạ.

  2. Longgiong nói:

    Ánh mắt-Tự hào. Chúc mừng anh!

  3. Falcon nói:

    So proud of you!

  4. Dang Thi Nguyet Nga nói:

    Chúc Capt Long và gia đình luôn mạnh khỏe, gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống và sự nghiệp!

  5. Charlie22 nói:

    Tuyệt vời người Anh người đồng nghiệp và còn hơn thế nữa. Chúc anh thành công và thăng tiến hơn nữa!

  6. Bé Bự nói:

    Người con của Cách Mạng, Chúc gia đình anh luôn khoẻ mạnh, vui vẻ và hạnh phúc để tiếp tục cống hiến cho Tổ Quốc cũng như TCT ạ!

  7. Khách nói:

    Chị em mình sẽ luôn phát huy truyền thống của gia đình em nhé! Chúc em có những chuyến bay an toàn và hiệu quả!

  8. hanhhh nói:

    Tuyệt vời quá . Chúc em thành công và thăng tiến hơn nữa!, không phụ lòng người bố đã hy sinh và người mẹ đẫ tần tảo nuôi hai chi em có thành quả ngày hôm nay!

  9. Phạm Thị Hoàng Mai nói:

    Chị em mình sẽ luôn phát huy truyền thống của gia đình! Chúc em có những chuyến bay an toàn và hiệu quả!

  10. hanhhh nói:

    Tuyệt vời quá em trai. Chúc em thành công và thăng tiến hơn nữa, không phụ lòng người cha đã hy sinh và người mẹ đã tần tảo nuôi hai chi em khôn lớn. Chúc em tiếp tục cống hiến cho đoàn bay 919 nói riêng và TCT nói chung!

  11. Nguyễn Thị Hiền nói:

    Thật tự hào về em và gia đình mình! Chúc em nhiều sức khoẻ, có những chuyến bay an toàn và hạnh phúc!

  12. Nguyên Thị Huế nói:

    Em là niềm tự hào của gia đình. Xin chúc em và toàn thể gia đình luôn mạnh khỏe và hạnh phúc.

  13. Lan Le nói:

    Mỗi câu, mỗi dòng là niềm tự hào, xúc động được tiếp bước sự nghiệp cha ông của người con và lòng biết ơn sự hy sinh của người mẹ cho các em trưởng thành như ngày hôm nay. Chúc em luôn mạnh khoẻ, vững niềm tin với nghề đã chọn và là tấm gương cho các con cháu nhà mình học tập, noi theo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.