[27/2]Trò chuyện với nữ bác sĩ dành 14 năm chăm sóc sức khỏe cho phi công

Chị Trần Thị Thu Trang hiện đã có 14 năm công tác ở đoàn bay 919 với vai trò là bác sĩ. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, nữ bác sĩ đã có chia sẻ về công việc “đặc biệt” của chính mình và các công sự.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bén duyên với bác sĩ ngành hàng không

Cơ duyên nào đã đưa chị gắn bó với công việc hiện tại?

Khi còn là sinh viên y khoa trường Học viện quân y, một thầy giáo dạy môn tổ chức chiến thuật quân y đã chia sẻ với tôi rằng: Chỉ có khoảng 50% sinh viên sẽ theo đuổi lĩnh vực khám bệnh trực tiếp, còn lại sẽ làm việc trong các lĩnh vực khác như y tế cộng đồng, quản lý y tế,… 

Thực sự sau lời chia sẻ của thầy, tôi cũng tự xác định con đường phía trước của chính mình. Thế nên, sau khi tốt nghiệp đại học năm 2013, tôi theo học lớp chuyên khoa y tế hàng không tại Viện Y học Hàng không Quân sự. Đến tháng 12/2009, tôi chính thức công tác ở vị trí bác sĩ tại đoàn bay 919. Từ năm 2014 đến 2016, tôi tiếp tục học thêmthêm chuyên khoa nội khoa tại Đại học Y Hà Nội.

Chị Trang quyết định lựa chọn gắn bó với Đoàn bay 919. (Ảnh: Thu Hà)

Tôi lựa chọn theo học chuyên khoa tai mũi họng. Nhiều người hỏi tại sao tôi lại chọn ngành này? Khi xác định theo đuổi công việc trong ngành hàng không, tôi đã tìm hiểu và được biết, một trong những bệnh mà phi công hay mắc phải thường liên quan đến tai mũi họng. Do đặc thù công việc phải bay thường xuyên, phi công thường xuyên tiếp xúc với môi trường thiếu oxy và độ ẩm thấp. Điều này khiến họ dễ mắc các bệnh về tai mũi họng hơn so với người bình thường, đặc biệt là những người có cơ địa dị ứng. Thế nên, tôi nghĩ, lựa chọn chuyên ngành học này sẽ hỗ trợ thiết thực cho các phi công. 

“Nghề” chăm sóc sức khỏe cho phi công

Một trong những nhiệm vụ của Trung tâm y tế đoàn bay, đó là chăm sóc theo dõi sức khỏe cho phi công. Chị có thể chia sẻ rõ hơn về công việc này?

Nhiệm vụ quan trọng nhất của Trạm y tế đoàn bay là theo dõi sức khỏe phi công. Việc giám định sức khỏe và kiểm tra sức khỏe trước khi bay luôn là ưu tiên hàng đầu được lãnh đạo Tổng công ty và lãnh đạo đoàn bay đặc biệt quan tâm. Điều đó cũng cho thấy, “sức nặng” và trách nhiệm của Trạm y tế đoàn bay rất lớn. 

Nhất là trong giai đoạn cao điểm điển hình như trong dịp Tết vừa qua, công tác kiểm tra sức khỏe phi công phải tăng cường ở mức cao nhất để theo dõi cũng như giữ cho phi công có trạng thái tốt nhất trước khi khởi hành.

Tất nhiên, bên cạnh đó, chúng tôi luôn có kế hoạch kiểm tra sức khỏe cho các phi công định kỳ và thường được lên kế hoạch từ năm trước. Theo kế hoạch, trung bình 2 lần mỗi tháng, Trạm y tế đoàn bay tổ chức lịch kiểm tra sức khỏe cho phi công. Việc kiểm tra chỉ dành cho những phi công có hạn kiểm tra sức khỏe đến hạn, được phân bổ đều đặn trong năm.

Theo quy định, các phi công đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe vô cùng nghiêm ngặt. Điều này là bắt buộc để đảm bảo cho các chuyến bay an toàn. Do vậy, việc chăm sóc sức khỏe cho họ cần sự tỉ mỉ và cẩn trọng. Vì vậy, khi kết quả khám sức khỏe của phi công có bất kỳ thay đổi, dù chỉ là nhỏ, nhiệm vụ của chúng tôi phải thông báo để họ điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện nhằm đảm bảo sức khỏe luôn ở trạng thái tốt nhất.

Theo như chị chia sẻ, tiêu chuẩn về sức khỏe của các phi công rất nghiêm ngặt. Hẳn là phải có một thước đo lường rõ ràng cho các phi công?

Chị Trang luôn theo dõi kỹ lưỡng các chỉ số sức khoẻ của các phi công. (Ảnh: Thu Hà)

Các phi công đều phải thuộc sức khỏe loại một. Điều này có nghĩa, tất cả các chỉ số sức khỏe của họ phải tốt nhất. Chỉ số này được phép dao động trong phạm vi rất nhỏ, không được vượt quá giới hạn bình thường. 

Các phi công cần có thị lực, thính lực, khứu giác luôn ở trạng thái tốt nhất, cùng với tâm lý ổn định. Các xét nghiệm nội khoa như men gan, mỡ máu cũng cần phải nằm trong giới hạn cho phép.

Nếu có bất kỳ chỉ số nào tăng hoặc giảm, dù chỉ là một chút, chúng tôi sẽ gửi thông báo cho phi công. Bằng cách phân tích kết quả xét nghiệm từ bệnh viện hoặc trung tâm y tế, chúng tôi sẽ tư vấn cho từng phi công về chế độ ăn uống phù hợp. Ví dụ, nếu đường huyết cao, phi công cần giảm lượng tinh bột và đồ ngọt. Nếu axit uric cao, họ cần hạn chế hải sản, thịt đỏ, măng,…

Do đó, việc theo dõi và tư vấn sức khỏe cho phi công đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng cao độ.

Ngoài cái vấn đề về sức khỏe thể chất thì sức khỏe về tinh thần của các phi công sẽ được chăm sóc ra sao, thưa chị?

Với cá nhân, tôi thường gọi điện để trò chuyện và tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân khiến họ lo lắng, căng thẳng.

Tôi không phải là chuyên gia tâm lý, nhưng tôi cố gắng tiếp cận vấn đề ở mức độ có thể. Tôi cho rằng, phi công là đối tượng cần được quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần. Vai trò của tôi là chia sẻ với họ như một người bạn, giúp họ giải tỏa và vơi đi những gánh nặng tâm lý.

Đặc biệt, trước chuyến bay, trong quá trình kiểm tra sức khỏe cho phi công, chúng tôi cũng luôn cố gắng tạo tâm lý thoải mái cho phi công. 

Những mắt xích trong hành trình chăm sóc sức khỏe 

Chị và các cộng sự sẽ phải phân bổ sắp xếp công việc như thế nào để đảm bảo từng khâu, từng mắt xích vận hành trơn tru?

Mỗi vị trí trong tập thể y tế hàng không đều đóng vai trò quan trọng. Có bác sĩ phụ trách chuyên môn về giám định sức khỏe phi công, là người theo dõi từng chỉ số xét nghiệm, đảm bảo sức khỏe cho phi công trước mỗi chuyến bay. Khi có bất thường, bác sĩ sẽ thông báo và nhắc nhở phi công thực hiện kiểm tra lại, đồng thời hướng dẫn họ điều chỉnh chế độ sinh hoạt, tập luyện phù hợp.

Chị Trang cùng các đồng nghiệp tại Trạm y tế Đoàn bay 919. (Ảnh: Thu Hà)

Cùng với đó, một bác sĩ khác sẽ đảm nhiệm mảng khám sức khỏe, mua thuốc và quản lý thuốc cho tổng công ty, bao gồm cả thuốc trên máy bay. Việc chuẩn bị thuốc cũng rất quan trọng, đảm bảo cho tổ bay cũng như hành khách luôn được trang bị đầy đủ các loại thuốc cần thiết khi gặp tình huống khẩn cấp.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ sắp xếp, xen kẽ đảm nhiệm việc kiểm tra sức khỏe phi công tại nhà chờ hoặc sân bay Nội Bài vào cuối tuần. Mỗi đợt kiểm tra thường diễn ra trong 7 tiếng nhằm đảm bảo sức khỏe cho phi công ở trạng thái tốt nhất trước khi bước vào chuyến bay. 

Mỗi công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến bay.

Trong một ngày đặc biệt như hôm nay – ngày Thầy thuốc Việt Nam, chị có muốn gửi một lời chúc, một lời chia sẻ gì đến cho những anh chị mà đang làm công tác y tế tại Vietnam Airlines? 

Công việc y tế hàng không tuy có nhiều việc nhỏ, tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại vô cùng quan trọng và đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng cao độ. Do vậy, chúng tôi mong muốn được tất cả mọi người thấu hiểu và chia sẻ cũng như ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ y tế trong việc đảm bảo sức khỏe cho phi công với mục tiêu an toàn bay.

    Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn các lãnh đạo đoàn bay và lãnh đạo Tổng công ty đã luôn quan tâm đến công tác y tế trong thời gian qua. Sự quan tâm, lắng nghe và hỗ trợ của lãnh đạo là động lực to lớn để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chúng tôi tin tưởng và hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm và hỗ trợ quý báu từ lãnh đạo trong thời gian tới.

Xin cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ!



Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.