Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng có vai trò quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Ngay từ khi mới thành lập cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là khi đã trở thành đảng cầm quyền, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra và vấn đề giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của Đảng, luôn xác định công tác kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, muốn lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo.
Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sự phát triển của tổ chức Đảng, công tác kiểm tra cần được tăng cường, ngày 16-10-1948, tại chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Quyết nghị số 29-QN/TW về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương. Quyết nghị có đoạn ghi:"…Trung ương quyết định thành lập Ban kiểm tra đi xuống các khu xét xem chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng…".
Lãnh đạo Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên gồm các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Khu ủy; đồng chí Hà Xuân Mỹ (tức Hà Minh Quốc) Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, do đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng ban. Ban Kiểm tra Trung ương làm việc tại đồi Pụ Miếu, xóm Phủng Hiển, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên ngày nay. Sự ra đời của Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng là một tất yếu khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là căn cứ để Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII đồng ý lấy ngày 16-10-1948 là ngày truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951), Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị: "Ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiêm Ban Thanh tra của Chính phủ, có trách nhiệm kiểm tra cả trong quân đội", vì vậy Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra Chính phủ hợp nhất làm một, đồng chí Hồ Tùng Mậu, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương được cử kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Tháng 4-1956, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ. Đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 (tháng 3-1957), căn cứ vào tình hình thực tế, Trung ương quyết định tách riêng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra Chính phủ.
Từ ngày thành lập đến nay, cùng với việc phát triển về tổ chức, qua mỗi nhiệm kỳ đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm tra đã được bổ sung, sửa đổi và quy định trong Điều lệ Đảng. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp đã được bổ sung nhiệm vụ " Giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết của cấp ủy và đạo đức lối sống…". Suốt chặng đường lịch sử 70 năm qua, Ủy ban kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các cấp luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, tích cực và chủ động thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ do cấp ủy giao. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đã giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn cuộc sống; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; việc giữ gìn bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, phương pháp, tác phong công tác, lề lối sinh hoạt của cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, giúp các cấp ủy đảng làm hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết toàn dân, toàn quân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc.
Trong những năm qua, Ban Thường vụ và Đảng ủy Tổng công ty Hàng không Việt Nam luôn quan tâm tới công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên đổi mới việc xây dựng và triển khai chương trình kiểm tra, giám sát theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị của Tổng công ty; tập trung thực hiện nhiệm vụ theo Điều 30 Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát; lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời giải quyết các đơn thư tố cáo, khiếu nại đối với tổ chức đảng và đảng viên; công tác thi hành kỷ luật đảng được thực hiện đúng phương châm, nguyên tắc, quy trình, quy định, bảo đảm công tâm, chính xác, kịp thời; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm được triển khai nghiêm túc, thường xuyên góp phần ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra, góp phần xây dựng Đảng bộ Tổng công ty Hàng không Việt Nam vững mạnh toàn diện. Để đạt được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của hơn 80 cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát từ Tổng công ty tới các cơ sở.
Đảng uỷ TCT tổ chức học tập về nguồn.
Hàng năm, Ban Thường vụ và Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Tổng công ty thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát của các đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Với những kết quả đạt được trong những năm qua, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Tổng công ty đã vinh dự được Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương tặng thưởng: Bằng khen năm 2013 vì có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng; Bằng khen năm 2015 vì có thành tích xuất sắc trong công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2010-2015.